Tôi không lạ gì các kiểu mời chào đi tham dự sự kiện, hay đến để nghe thuyết trình thôi cũng có quà mang về. Tôi đã từng vất vả né tránh vài cựu học sinh đến chơi nhà, nhưng mục đích để bán thuốc thực phẩm chức năng và rủ rê cô giáo cũ vào đội hình đa cấp. Cảnh giác cao độ là vậy nhưng tôi đã "dính chưởng" lúc nào không hay.
|
Bạn cũ đã giăng bẫy tôi bằng những câu chuyện chân tình(Ảnh minh họa) |
Có người bạn cũ ghé thăm tôi. Cô ấy vẫn hào phóng như ngày nào, cho các cháu một đống quà, ra về không quên trách yêu: “Mày tệ lắm, không biết nhà tao chỗ nào”.
Phần vì nể, phần vì quý nên tôi tới nhà bạn chơi sau đó mấy hôm. Nhà bạn có thêm vài người khách, họ ăn mặc sang trọng nhưng cách nói chuyện lại bình dân, tôi rất có cảm tình. Trong câu chuyện về cuộc sống, họ nói tới nhan sắc của phụ nữ U40. “Cậu sướng thật đấy, da gì mà căng, láng nhưda em bé”. Mọi ánh mắt nhìn về tôi: “Công nhận, em chưa thấy ai có làn da khỏe, săn chắc như chị”.
Vốn dị ứng với những lời khen, nhưng trong không khí thân tình cởi mở, tôi cảm thấy phấn khích. Tôi ra về với chút quyến luyến và niềm kiêu hãnh.
Ngày hôm sau, bạn điện thoại rủ tôi đi chụp ảnh cùng. Bạn nói: “Tao nghĩ kỹ lắm rồi, tao với mày, đứa thì có sức vóc khỏe mạnh, đứa có làn da như da đẹp. Mình phải biết tận dụng vốn trời ban để làm ăn. Mình làm ăn nghiêm túc, đàng hoàng, không vi phạm pháp luật mà thu nhập khá tốt, dại gì không thử”.
Tôi hỏi lui hỏi tới “có phải kem trộn hay đa cấp không”, bạn quả quyết là không. Hàng hoá công ty mà kem trộn gì, mình bán sản phẩm nào ăn phần trăm chiết khẩu sản phẩm ấy, không ai trên mày, cũng không ai dưới tao”. Tôi chỉ việc đi chụp hình, tay cầm vài ba loại mỹ phẩm viết tiếng Hàn, tiếng Nhật, mọi việc có bạn lo.
Ảnh của tôi cùng bạn được tung lên Facebook của tôi và bạn. Tôi có chút bối rối, nhưng khá phấn khích vì bạn bè nhảy vào bình lận: “Trẻ đẹp quá cô ơi”, “Xinh lắm bạn tôi”, “Chỉ cho mình cách dưỡng da với”… “Mỹ phẩm chị cầm hiệu gì đấy?".
|
Chỉ việc chốt hàng, báo địa chỉ là tôi đã có tiền (Ảnh minh họa) |
Thế là tôi thành người tư vấn mỹ phẩm cho người quen. Sản phẩm thì bạn cung cấp, hoa hồng mỗi đơn hàng được tính theo giá sản phẩm. Một hộp kem chống nắng giá 300 ngàn thì tôi được 90 ngàn, kem chống nám trị thâm giá thành 2,1 triệu thì tôi được 630 ngàn… Tiền vô tài khoản cứ đều đặn hàng tuần khiến tôi hưng phấn. Tính ra đỡ mất sức, đỡ đau họng gấp mấy lần tôi dạy thêm.
Ngoài tiền hoa hồng, lương cứng của tôi được công ty chuyển thêm 2,5 triệu mỗi tháng. Tính sơ bộ, tháng ít tháng nhiều, từ việc chụp ảnh đến chốt hàng cho từng bộ sản phẩm: mỹ phẩm, thuốc bổ, đồ gia dụng hàng ngày như kém đánh răng, nước rửa chén, nước xả vải…, mỗi tháng thu nhập của tôi tăng thêm từ 6 đến 8 triệu tháng, tương đương lương giáo viên 10 năm đứng lớp của tôi.
Tôi háo hức kể cho chồng nghe về lợi nhuận. Chồng lại thở dài: “Chẳng có việc gì chân chính mà kiếm tiền dễ”. Tôi cụt hứng nhớ tới lời cô bạn tâm sự “lão chồng tao đang ghen ăn tức ở với vợ”. Thôi kệ, kiếm tiền là để chi tiêu gia đình, mình có tiêu riêng hay lừa gạt ai đâu!
Tôi quyết định nhập hàng với số lượng lớn để hưởng chiết khấu lên tới 40%. Lấy 100 triệu đồng tích cóp bấy lâu, vay thấu chi qua lương được 100 triệu nữa, mượn mẹ thêm 30 triệu, chị gái 20 triệu, anh trai 15 triệu, tôi ôm về một đống hàng với đa dạng chủng loạị.
Tôi tận dụng tối đa giá sách để bày mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… vì nhà tôi chủ yếu học sinh và phụ huynh ghé. Không biết vì nể nang hay bị thuyết phục nên ít ai về tay không. Tôi trở thành người bán hàng tiêu biểu ở các hội nghị, tôi là bằng chứng sinh động cho sản phẩm khi “thầy cô giáo cũng tin tưởng tham gia”. Tôi lơ lửng trên mây với những mỹ từ và doanh thu dự tính.
Chỉ khi phụ huynh đến nhà với khuôn mặt nổi mẩn, làn da rộp đỏ khi uống thực phẩm chức năng, tôi mới tá hoả, quay sang tìm cô bạn. Trong lúc tôi cần trợ giúp gấp thì điện thoại của bạn ngoài vùng phủ sóng, đến nhà bạn thì thấy công an đã dán chữ “niêm phong”. Thì ra bạn tôi là đại lý F2 của đường dây đa cấp. Nhà cô ấy dùng làm văn phòng mà tôi không biết, khách khứa hôm tôi gặp trong nhà bạn cũng là các đại lý chân rết.
Tôi vội iện thoại hỏi những khách hàng đã đặt mua sản phẩm xem họ có bị dị ứng không thì mới hay đa phần là tay chân của cô bạn cài vào. Họ vờ làm khách hàng để tôi tin rằng có nhiều người tin tưởng mua dùng và lòng tham đã khiến tôi trút hết vốn liếng của mình và người thân vào một đống hàng hóa không rõ xuất xứ.
Cô hiệu trưởng gọi tôi lên để trao đổi những xì xầm của phụ huynh và hình ảnh của tôi trên facebook. Cô nhấn mạnh vào từ “đa cấp”. Rất nhanh sau đó hội đồng kỷ luật của trường kiểm điểm và thuyên chuyển tôi sang làm văn phòng.
Điều động viên tôi lúc này không gì khác ngoài anh - người đàn ông đã có khi tôi thấy chán. Tôi từng so sánh anh với những ông chồng lanh lẹ hoạt bát khác, từng muốn “qua mặt” chồng vì thu nhập gấp 3 lương anh.
Chồng tôi đã tiên lượng trước được ngày này, anh bình tĩnh đứng ra dàn xếp chuyện bồi thường cho khách hàng, trong khi tôi không còn mặt mũi nào để gặp học sinh và phụ huynh...
Ý Yên (Nghệ An)
Quá nhiều bi kịch của các gia đình liên quan tới cơn bão đa cấp. Sinh viên bỏ học đi bán đa cấp, thanh niên thất nghiệp do dịch COVID-19 vay tiền gia đình gia nhập đội quân đa cấp. Những viên chức nhà nước, những ông bà tuổi hưu cũng hào hứng "khởi nghiệp". Cuốn theo cơn mộng làm giàu này, rất nhiều người đã mất tiền, phá sản, mất việc làm, mất tình thân...
Bạn hãy chia sẻ ý kiến, câu chuyện liên quan của bạn cùng chúng tôi. Bài viết xin gửi về email của báo Phụ Nữ: online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn như quy định
|