Tôi từng nghe nói, từng đọc nhiều về các kiểu kinh doanh đa cấp cũng như hệ luỵ của nó, nhưng không ngờ có ngày những chiếc vòi bạch tuộc của cái bẫy đa cấp mò tới gia đình tôi.
Cách đây 2 tháng, được cô bạn làm nhân viên ngân hàng giới thiệu (gọi là rủ rê, lôi kéo thì đúng hơn), anh Vinh - chồng An, đùng đùng đòi bỏ ngang công việc của một giám đốc kinh doanh trong một công ty tư nhân để chuyển sang kinh doanh một nhãn thực phẩm chức năng mà chỉ cần nói tên, ai cũng biết đó là của một công ty đa cấp nhiều điều tiếng.
Với lý do sau mùa dịch COVID-19 việc kinh doanh ở công ty hiện tại đang rất khó khăn, Vinh muốn thay đổi sang công việc được cho là “hái ra tiền” như cô bạn miêu tả. Anh khăng khăng là công ty này làm ăn rất đàng hoàng, uy tín. Khăng khăng rằng đa cấp là loại hình kinh doanh hiện đại, mình lạc hậu mới không hiểu về nó.
Để An yên tâm, Vinh còn nhấn mạnh thêm: Bạn bè, người thân của Thuý (cô bạn bên ngân hàng) toàn dân trí thức, ai cũng có công việc hiện tại ngon lành như nhân viên văn phòng, luật sư, công ty riêng... chứ không phải làng nhàng thiếu hiểu biết mà còn làm thêm hoặc chuyển hẳn sang mảng kinh doanh thực phẩm chức năng này, thì mình ngại gì khi cơ hội giàu có đang tới.
An cản mãi không được vì đã nghe nhiều điều tiếng về loại hình kinh doanh kỳ lạ này nên thoả thuận với chồng làm gì thì làm nhưng không được để ảnh hưởng đến uy tín và tài chính của gia đình. Vinh cười khẩy bảo có ngày An sẽ hối hận vì ý nghĩ coi thường mô hình kinh doanh đa cấp.
An kể, việc thay đổi công việc là bình thường, nhưng kể từ khi bắt đầu tham gia các lớp huấn luyện của trưởng nhóm mà Vinh “đầu quân”, chồng An như trở thành một người khác khiến cô lo lắng. Anh hay dùng những từ ngữ kiểu như “làm giàu nhanh chóng, kiếm vài chục tỷ trong hai năm, thu nhập vài trăm triệu mỗi tháng, trao giá trị làm quà tặng người khác chứ không phải bán hàng...” và điên cuồng lao vào học những “lớp huấn luyện” cả ngày lẫn đêm. Vừa lớp online, vừa lớp trực tiếp tại nhà riêng, mà những người giảng dạy thực chất chỉ là những người gia nhập công ty trước Vinh vài tháng, tài liệu giảng dạy thì tự soạn và cóp nhặt trên mạng, học viên thì toàn “lính mới” như Vinh. Ai lôi kéo thêm được người học sẽ được tuyên dương, càng nhiều càng tốt.
Vinh bỏ hẳn việc ở công ty cũ để tập trung thời gian cho việc gặp gỡ, thảo luận, đào tạo. Khách hàng tiềm năng mà anh "quét" chỉ là người nhà, bạn bè thân thiết hoặc bất kỳ ai anh có cơ hội tiếp xúc. An từng muối mặt khi chồng cứ đeo bám thuyết phục một người bạn của An mua sản phẩm khi cô ấy đã từ chối vì biết rõ nhãn hàng của công ty này.
|
Một bản hoạch định tương lai của người ôm mộng làm giàu khi tham gia kinh doanh đa cấp |
Nếu chỉ có thế đã chẳng có gì đáng nói, điều khiến An lo sợ là việc mua sản phẩm với giá trên trời về bán theo thang giá trị định sẵn để được thăng bậc (đồng nghĩa với việc có cơ hội kiếm tiền). Do An kịch liệt phản đối công việc này ngay từ đầu nên Vinh hoạt động khá kín kẽ, chỉ chọn lúc An đi làm mới gặp gỡ hay nhận hàng về.
Tuy vậy, qua những chứng cứ chuyển tiền còn lưu lại trên điện thoại của chồng, An biết chồng đã phải trả mấy chục triệu đồng cho vài hộp thực phẩm được quảng bá là có tác dụng giảm cân, đẹp da, tiêu hoá tốt, giảm đường huyết.
Nguy hiểm hơn là những quảng bá về chức năng thần thánh của các loại sản phẩm này có thể... tiêu diệt cả bệnh ung thư. Lạ một điều là các đội, nhóm có quy tắc chung là không ai được chia sẻ nội dung các thông tin, tài liệu, hoạt động của nhóm lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội... mà chỉ được phép trao đổi dưới dạng hội thoại hoặc tin nhắn Facebook, Zalo.
Nội dung trao đổi qua các clip, tin nhắn... mà An xem lén được chỉ xoay quanh việc tung hô ai đó chiêu dụ được nhiều khách hàng, được thăng bậc (nhờ mua đủ doanh số sản phẩm), ca ngợi những người thành công, có thu nhập vài trăm triệu mỗi tháng mà chỉ nghe nhắc tên, chứ chẳng bao giờ thấy mặt.
Khắp nhà An, từ phòng làm việc đến nhà ăn, đâu đâu cũng thấy dán mấy tờ giấy ghi mục tiêu làm giàu với con số cụ thể và những “bí kíp” để chinh phục các mục tiêu đó. Chưa kể, Vinh bắt đầu lạc quan, ảo tưởng với những con số bạc tỷ và viễn cảnh “giàu sụ” mà Vinh tin rằng mình sẽ đạt được trong một-hai năm nữa, Vinh còn chê những người thụ động, bất tài mới đeo bám loại công việc văn phòng không bao giờ giàu nổi như An.
Sau lần phát hiện một cuốn sổ tiết kiệm đã bị chồng âm thầm rút tiền để mua sản phẩm, An sợ hãi giấu hết các loại giấy tờ nhà, đất, sổ tiết kiệm, nhưng vẫn chưa an tâm khi Vinh làm thẻ tín dụng để vay nợ mua hàng. Khách hàng thì chưa tìm được bao nhiêu mà thu nhập gia đình đã bắt đầu thâm hụt sau mấy tháng Vinh tham gia kinh doanh đa cấp.
|
Chồng An suốt ngày mải mê trên mạng để mời chào khách hàng. Ảo tưởng giàu có khiến anh mờ mắt. Ảnh minh họa |
Chúng tôi không biết khuyên An thế nào để kéo chồng về với thực tại, bởi vì An đã dùng hết lý lẽ để phân tích thiệt hơn, và Vinh không phải là người thiếu hiểu biết. An rầu rĩ nói, Vinh cứ như người bị thôi miên, trong khi cô từng hỏi anh một câu đơn giản rằng: Nếu “làm giàu không khó” như cách các công ty đa cấp đang lan truyền, tại sao bao nhiêu người năng động không chuyển sang kinh doanh đa cấp hết mà vẫn bươn chải, lặn hụp ngoài kia?
Tôi không hiểu các công ty đa cấp kiểu này kinh doanh thế nào, có chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng không nhưng rõ ràng, cách hoạt động với triết lý kinh doanh đầy ma mị của họ không tạo được niềm tin trên đa số người tiêu dùng (trừ những người nhẹ dạ, cả tin, “yếu bóng vía”).
Chưa kể, sự ảo tưởng (quyền lực, sự giàu sang) mà các công ty này gieo cấy vào đầu các học viên và khách hàng qua việc “làm giàu không khó” khiến bao gia đình lao đao, bao mối quan hệ bị phá vỡ, bao người đã và đang mất biết bao nhiêu tiền trong khi lợi ích thực sự từ việc sử dụng sản phẩm vẫn chỉ dừng lại ở việc “nghe nói”.
Nguyễn Yến Nhi (Q.7, TPHCM)
Quá nhiều bi kịch của các gia đình liên quan tới cơn bão đa cấp. Sinh viên bỏ học đi bán đa cấp, thanh niên thất nghiệp do dịch COVID-19 vay tiền gia đình gia nhập đội quân đa cấp. Những viên chức nhà nước, những ông bà tuổi hưu cũng hào hứng "khởi nghiệp". Cuốn theo cơn mộng làm giàu này, rất nhiều người đã mất tiền, phá sản, mất việc làm, mất tình thân...
Bạn hãy chia sẻ ý kiến, câu chuyện liên quan của bạn cùng chúng tôi. Bài viết xin gửi về email của báo Phụ Nữ: online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn như quy định.