Diễn cải lương trên sân khấu 25 mét vuông

18/10/2020 - 07:09

PNO - Diện tích Sân khấu Sen Việt chỉ bằng 1/3 sân khấu thường nên đây sẽ là một thử thách không nhỏ với nghệ sĩ khi dựng vở.

Với sự hỗ trợ từ phía Hội Sân khấu TPHCM, NSƯT Lê Nguyên Đạt thành lập Sân khấu nhỏ Sen Việt, nằm ở tầng 1 thuộc khuôn viên Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (sân khấu 5B).

Sen Việt có diện tích khoảng 150 mét vuông, được chia thành nhiều khu vực khác nhau, sân khấu chính chỉ 25 mét vuông cùng không gian cho 100 ghế ngồi; khán phòng với sức chứa tương đương 50 người để phục vụ cho việc đào tạo; phòng kỹ thuật, trang điểm... Chi phí cải tạo không gian này hiện đã gần 2 tỷ đồng, nhưng chỉ mới hoàn thành 90%, còn cần cải thiện kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng trong thời gian tới. Chi phí cải tạo sân khấu từ nguồn xã hội hoá, Hội Sân khấu TPHCM hỗ trợ địa điểm.

Sân khấu chính chỉ rộng 25 mét vuông
Sân khấu chính chỉ rộng 25 mét vuông

“Tôi muốn dành không gian này để hỗ trợ những người trẻ, đặc biệt với các bạn trẻ ở lĩnh vực cải lương. Hiện tại có 5 sinh viên ngành đạo diễn đăng ký để làm vở cải lương tốt nghiệp tại sân khấu này.

Sân khấu nhỏ với nghệ thuật cải lương là thử thách không nhỏ, nhưng lớp trẻ ngày nay với những sáng tạo mang tính đột phá, táo bạo có thể sẽ mang đến những điều mới lạ, dù chưa thật xuất sắc. Chúng tôi hỗ trợ hoàn toàn để các em có điều kiện thể hiện sáng tạo của mình.

Có những anh chị, cô chú nghệ sĩ nghe thông tin về sân khấu này cũng bày tỏ mong muốn được góp sức. Nhưng trước hết chúng tôi sẽ ưu tiên cho người trẻ, vì từ họ sẽ có thêm khán giả trẻ cho sân khấu” - NSƯT Lê Nguyên Đạt chia sẻ. 

Bên cạnh đó, NSND Trần Minh Ngọc, NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Ca Lê Hồng... cũng sẽ dựng một số vở trên sân khấu này để lớp trẻ có thể học theo. 

Sân khấu hỗ trợ cho người trẻ có địa điểm để thực hành, làm nghề
NSƯT Lê Nguyên Đạt cho biết sân khấu hỗ trợ cho người trẻ có địa điểm để thực hành, làm nghề

Sân khấu chính có diện chỉ 25 mét vuông (bằng 1/3 so với một sân khấu thường, và khá khiêm tốn so với sân khấu nhà hát) nhưng nghệ sĩ sẽ biến hoá linh hoạt, nghĩa rằng có những suất chỉ khoảng 40 khán giả, để không gian trình diễn được mở rộng hơn, chẳng hạn như vở Lý Chiêu Hoàng vào ngày 24/10. Còn với vở diễn Truyền tích Cổ Loa xưa tại buổi diễn khai trương sân khấu tối 17/10, đã có đến 30 diễn viên xuất hiện trên sân khấu nhỏ này. 

Ngoài hỗ trợ chính cho cải lương, sân khấu cũng sẽ là nơi để các ca sĩ thực hiện những đêm nhạc, nhưng mỗi đêm diễn cũng sẽ lồng ghép, kết nối với cải lương để đưa bộ môn nghệ thuật này đến gần với khán giả.

Sắp tới đây, Sen Việt sẽ kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, Liên đoàn Lao động TPHCM để có những suất diễn miễn phí nhằm giới thiệu sân khấu, sau đó tiếp tục phát triển lấy thu bù chi. 

Cụ thể, nghệ sĩ của sân khấu sẽ nhận diễn cho các trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp, đi tỉnh (trước mắt đã có 6 show ở miền Tây) để lấy nguồn thu này phục vụ cho sân khấu chính. Ngoài ra, sân khấu cũng sẽ mở các lớp đào tạo biên kịch, hát cải lương... “Chúng tôi không mong kiếm lời, chỉ mong đủ thu để bù chi là được” - NSƯT Nguyên Đạt chia sẻ.

Nghệ sĩ Bảo Trí
Nghệ sĩ Bảo Trí cho biết anh cũng mong ước có nơi cố định để làm nghề

NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng việc thành lập sân khấu này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng trong giai đoạn này nó có ý nghĩa nhất định, đặc biệt với người trẻ. “Không phải sân khấu không có đội ngũ kế thừa, mà họ không có nơi để rèn nghề, có làm thực tế mới rút kinh nghiệm được. Tôi mong đạo diễn Nguyên Đạt và các đạo diễn trẻ ngồi lại để tìm ra những sáng tạo mới, ngay trên sàn diễn, chứ không phải đi tìm sáng tạo mới cho cải lương chỉ thông qua hội thảo.

Đặc thù của sân khấu là phải có cơ hội biểu diễn, tiếp cận với khán giả mới biết thử nghiệm của mình đúng hay sai để rút kinh nghiệm. Sáng tạo, dàn dựng rồi cất kho, lâu lâu mới có suất diễn sẽ khó xác định sáng tạo có thực sự phù hợp hay không. 

Sáng tạo phải có đúc kết chứ không phải cứ làm mà không biết đúng sai, phải tìm hiểu thị hiếu công chúng, đôi khi họ cần điều khác với cái mình làm. Hy vọng sân khấu nhỏ này sẽ là một trong những nơi phát huy tính sáng tạo của nghệ sĩ và đo lường phản ứng, cảm xúc của công chúng với mọi sáng tạo” - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ quan điểm. 

Lối dẫn vào hậu trường nằm sát bên cánh khán giả ngồi
Lối dẫn vào hậu trường nằm sát bên cánh khán giả ngồi

Trước mắt, sân khấu Sen Việt cần vận hành trơn tru, hoạt động có hiệu quả, từ đó, Hội Sân khấu TPHCM có thể đề xuất xin thêm hỗ trợ từ Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM và UBND TPHCM.

Trong tối 17/10, sân khấu Sen Việt giới thiệu vở diễn đầu tiên Truyền tích Cổ Loa xưa với sự góp mặt của NSƯT Tô Châu, NSƯT Xuân Hồng, Điền Trung, Lệ Trinh, Hoàng Quốc Thanh, Bảo Trí... Vở diễn kéo dài hơn 2 tiếng, kể câu chuyện một chàng đạo diễn trẻ ước nguyện được quay về thời Thục Phán An Dương Vương để tìm hiểu về chuyện Trọng Thuỷ - Mị Châu. 

Truyền tích Cổ Loa xưa là vở diễn khai màn tại sân khấu Sen Việt
Truyền tích Cổ Loa xưa nói về chuyện đạo nghĩ vợ chồng trong mối tương quan với vận mệnh đất nước, dân tộc

Trích đoạn Truyền tích Cổ Loa xưa:

 

Một số hình ảnh trong đêm diễn:

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI