"Diễn biến giá cả sáu tháng cuối năm rất khó lường"

11/07/2013 - 20:44

PNO - Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đang ở mức thấp nhưng theo nhiều chuyên gia, tình hình này rất dễ bị phá vỡ trong thời gian còn lại của năm. Bởi vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát mặc dù được cho là có thể làm...

 Đây là những ý kiến vừa được nêu lên tại hội thảo “Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013” do Học viện Tài chính, Bộ Tài chính tổ chức ngày 11/7.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đánh giá về diễn biến giá cả nửa đầu năm nay, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, mức tăng CPI chỉ 2,4% so với cuối năm 2012 vẫn chưa thể yên tâm bởi những yếu tố bất thường không lường được như thiên tai, bệnh dịch,…

Trong đó, đại diện của Hiệp hội thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh về tình hình giá nông sản có thể sẽ tăng cao trong nhưng tháng cuối năm nếu không có biện pháp quản lý về mạng lưới lưu thông sản phẩm.

Nói thêm về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội còn nhận định, giá nông sản của nông dân bán ra thì không tăng nhưng những sản phẩm này đang bị mua bán lòng vòng qua nhiều trung gian. Do đó, khi tới tay người tiêu dùng, mức giá đã đội lên rất nhiều.

“Khi cầu trên thị trường không tăng thì những yếu tố như trên lại làm thui chột ý chí sản xuất,” ông Vũ Vinh Phú nói.

Những yếu tố này, theo đại diện Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sẽ khiến việc dự báo giá cả những tháng cuối năm sẽ khá khó lường.

Đưa ra ý kiến khác, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê khẳng định lại rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát đề ra là có thể đạt được.

Tuy vậy, bà Ngọc cũng cảnh báo về những yếu tố sẽ khiến CPI những tháng sắp tới tăng cao, trong đó đặc biệt là giá dịch vụ y tế ở Hà Nội có thể tăng vào tháng 8 năm nay.

Góp thêm những yếu tố rủi ro có thể khiến giá tiêu dùng tăng cao trong những tháng sắp tới, ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, việc tăng lương cũng sẽ gây ra những tác động không nhỏ.

“Ngoài ra, những điều chỉnh về giá điện có thể vào cuối năm hay giá xăng, dầu, giáo dục sẽ làm CPI có khả năng tăng cao,” ông Tuyến đưa ra ví dụ.

Đồng tình với những ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó cục trưởng Cục quản lý, Bộ Tài chính cảnh báo về diễn biến giá cả đã từng tăng đột biến vào nửa cuối năm ngoái.

Theo đó, vào tháng 9 năm ngoái, khi các địa phương đồng loạt điều chỉnh giá dịch vụ y tế, CPI đã tăng thêm tới 2,2%. Tình hình này, theo bà Nga, là chưa bị lặp lại vào năm nay mặc dù đã có 19 địa phương điều chỉnh giá dịch vụ trên.

Tuy nhiên, đại diện Cục quản lý giá cũng khẳng định, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới vẫn cần đặc biệt lưu tâm để giá cả thị trường không bị tăng "giật cục".

Cùng quan điểm này, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thống kê giá cũng cho rằng, do còn nhiều rủi ro trong diễn biến giá cả những tháng cuối năm, nên việc kiềm chế lạm phát vẫn cần sự “cam kết” từ các cơ quan chức năng.

“Trạng thái lạm phát thấp rất dễ bị phá vỡ và lạm phát ở mức cao luôn có thể quay trở lại,” bà Ngọc nói.

Theo Xuân Dũng (Vietnam+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI