Trải qua mười ba năm thi hành Luật Điện ảnh, thị trường điện ảnh Việt không ngừng phát triển với doanh thu trung bình tăng từ 25-30%/năm. Kèm theo đó, sản lượng phim Việt cũng tăng, từ chỗ chưa đến 20 phim/năm đã lên gấp đôi như hiện nay. Thị trường điện ảnh Việt lớn mạnh, kéo theo nhu cầu cao về nguồn nhân lực. Nhưng công tác đào tạo đội ngũ làm nghề hiện chỉ là tự thân vận động từ phía các cá nhân, đơn vị tư nhân là chính.
“Khát” nhân lực chuyên môn cao
Đội ngũ làm phim hiện nay, nhất là đạo diễn, chủ yếu đến từ ba nguồn: học hành trường lớp trong nước như Đức Thịnh, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Huỳnh Tuấn Anh, Lê Bảo Trung, Hồng Ngân, Hồng Ánh…; được đào tạo từ nước ngoài về như Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Hàm Trần, Lê Văn Kiệt, Leon Quang Lê... Còn lại là những tay ngang nhiều không kể xiết, họ có thể là doanh nhân, ông bầu ca nhạc, ca sĩ, diễn viên, đạo diễn video ca nhạc, quảng cáo, nhiếp ảnh gia, thậm chí là những gương mặt bước ra từ các chương trình truyền hình thực tế, hiện tượng mạng... Lực lượng này đang ngày càng “bành trướng”, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra những thảm họa điện ảnh.
|
Những cuộc thi như Nhà biên kịch tài năng hằng năm do CGV tổ chức cũng là hình thức đào tạo nhân lực tại chỗ |
Điện ảnh Việt đang khát nguồn nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là khâu kỹ thuật. Những vị trí trước giờ không được đào tạo chuyên sâu như đạo diễn hình ảnh, đạo diễn võ thuật, nhạc phim, hiệu ứng hình ảnh, thời gian qua được lấp đầy bởi các tên tuổi ngoại như nhạc sĩ Christopher Wong, giám đốc hình ảnh Cordelia Beresford... - những người đi theo làn sóng đạo diễn Việt kiều về nước làm phim.
Còn người trong nước đảm nhiệm các vai trò này đều xuất thân từ việc “sống lâu lên lão làng” hoặc nghề dạy nghề. Chẳng hạn từ quay phim “đôn” lên làm đạo diễn hình ảnh, từ cascadeur “nâng cấp” thành đạo diễn võ thuật. Nhận xét về những đồng nghiệp người Việt hợp tác trong thời gian ở Việt Nam làm phim Thang máy, đạo diễn Peter Mourougaya cho biết: “So với những người thuộc thế hệ trước rất vững chuyên môn, các bạn trẻ hiện nay thiếu kiến thức nền lẫn kỹ năng làm nghề trầm trọng. Điều này là do thị trường điện ảnh Việt đang phát triển quá nhanh, mà hoạt động đào tạo lại không
theo kịp”.
Nỗ lực lẻ mẻ, tự phát
Hạn chế lớn nhất của đào tạo trong nước hiện nay là đào tạo trên giảng đường chưa sát thực tế, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn, thiếu vắng đội ngũ giáo viên chuyên ngành. Thế nên tự đào tạo, tìm kiếm tài năng để bồi dưỡng có lẽ là hướng đi duy nhất mang lại hiệu quả cao.
Những chương trình tuyển chọn tài năng như sự kiện điện ảnh Gặp gỡ mùa thu hay cuộc thi Nhà biên kịch tài năng, Dự án phim ngắn CJ đang trở thành nơi ươm mầm tài năng. Tham gia Gặp gỡ mùa thu, người học có thể theo các lớp đạo diễn, diễn xuất, chỉ đạo diễn xuất, thiết kế mỹ thuật và phục trang do các nhà làm phim nổi tiếng trong và ngoài nước hướng dẫn. Những tác phẩm chiếu rạp thương mại như Vợ ba, Thưa mẹ con đi của Nguyễn Phương Anh, Trịnh Đình Lê Minh đều là những dự án được hình thành từ Gặp gỡ mùa thu.
Nhiều thí sinh của các mùa giải Nhà biên kịch tài năng trước đây như thí sinh Châu Ngọc giành giải Biên kịch xuất sắc nhất tại lễ trao giải Cánh diều 2019 cho kịch bản Siêu sao siêu ngố, Du Dương cho ra mắt bộ phim điện ảnh đầu tay Táo quậy với vai trò là biên kịch chính vào mùa tết 2018. Riêng Dự án phim ngắn CJ chắp cánh xa hơn cho thí sinh chiến thắng, bởi không chỉ đưa phim đoạt giải tham dự các liên hoan phim quốc tế, mà còn trao cơ hội học làm phim với đạo diễn Trần Anh Hùng.
Tự túc du học hoặc săn những suất học bổng chuyên môn ngắn hạn, cũng là cách nhiều nhà làm phim như Trịnh Đình Lê Minh, Phan Gia Nhật Linh, Võ Thanh Hòa, Dương Diệu Linh, Trần Dũng Thanh Huy chọn để nâng cao tay nghề. Trong đó, Phan Gia Nhật Linh có lẽ là người thành công nhất khi các phim của anh như Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua đều đạt doanh thu cao.
Thị trường điện ảnh Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng của khu vực châu Á. Những con số tăng trưởng về doanh thu lẫn sản lượng phim nội địa những năm gần đây đều cho thấy điều đó. Tuy nhiên, sự phát triển này sẽ không thể bền vững, trước tốc độ phát triển thừa lượng thiếu chất của đội ngũ nhân lực hiện nay. Điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa, điều đó chỉ thực hiện được khi Nhà nước lẫn tư nhân cùng đồng lòng dồn sức cho bài toán con người.
Hương Nhu