Trong khi những vấn đề cấp bách của ngành điện ảnh hiện nay như tiền kiểm hay hậu kiểm phát hành phim trên không gian mạng, nguồn thu và vận hành quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được người trong cuộc đưa ra bàn thảo qua mấy kỳ tổ chức lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi)… vẫn chưa được giải quyết; thì trong thực tế, phim chiếu rạp đang bị các sản phẩm chiếu mạng lấn lướt, các nhà làm phim điện ảnh đang bị các tiktoker - youtuber cho “ngửi khói” trong khoản kiếm tiền dù đều sản xuất nội dung.
Nỗi khổ “kẻ có tóc”
Hơn một năm sau khi tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại khu vực phía Nam, ngày 14/12 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục lấy ý kiến của các khách mời đến từ các đơn vị sản xuất, phát hành phim trên địa bàn TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao của TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phía Nam. Khác với lần tổ chức trước, ở lần này, vấn đề quản lý và phổ biến phim trên mạng được quan tâm đậm nét, vì thời gian qua phim online trở thành xu thế giải trí chủ đạo, và từ đó nhiều bất cập trong công tác quản lý bắt đầu nảy sinh, nhiều vụ việc liên quan cũng được báo chí đề cập và lên tiếng.
|
Phim Thất sơn tâm linh - sau khi qua kiểm duyệt, trở nên khó hiểu đối với công chúng |
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã đưa ra hai phương án, trong đó phương án một mang tính tiền kiểm, phương án hai mang tính hậu kiểm. Cả hai phương án này đều không đủ nhân lực thực hiện, nhất là tiền kiểm. Vì hiện nay, kể cả cá nhân cũng sở hữu kênh riêng, tự sản xuất nội dung, trong đó có phim ảnh. Đạo diễn Ngô Quang Hải đề xuất có thể đồng đều tiền kiểm và hậu kiểm bằng cách quy định đơn vị, cá nhân đăng ký nội dung với cơ quan chức năng trước khi sản xuất, nếu nội dung phát không đúng như đăng ký sẽ xử phạt.
Thời gian qua, dịch bệnh bao trùm toàn bộ đời sống văn hóa - xã hội, phim chiếu mạng lên ngôi đã đẩy phim điện ảnh vào thế ngắc ngoải. Mà nếu không, điện ảnh cũng hấp hối, vì từ lâu, sự không công bằng trong chuyện kiểm duyệt phim chiếu rạp và phim chiếu trên nền tảng trực tuyến đã khiến điện ảnh yếu thế trong cuộc cạnh tranh nội dung.
Đơn cử cùng một bộ phim, nhưng Thất sơn tâm linh bản chiếu rạp bị chỉnh sửa cắt gọt các cảnh liên quan đến tình dục, bạo lực, tâm linh, khiến câu chuyện trở nên khó hiểu; trong khi bản phim online mang tên Thiên linh cái: chuyện chưa kể lại chiếu nguyên vẹn không che. Đại diện phía CJ CGV “phân bì” rằng, một phim điện ảnh nếu bị dư luận phản ứng có thể bị rạp rút ra khỏi lịch chiếu, nhưng phim chiếu trên online mà vi phạm nội dung vẫn không bị gỡ. Nhìn chung, cùng là sản xuất nội dung, nhưng người tuân thủ “luật chơi” sẽ bị thiệt so với kẻ đứng ngoài luật. Đúng là nỗi khổ của kẻ có tóc.
Quỹ ở nơi đâu?
Cùng với vấn đề cấp bách kiểm duyệt phim chiếu mạng ra sao là câu chuyện nguồn thu của quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Nếu như ở các lần góp ý trước, các ý kiến đều hướng đến nguồn thu ổn định là trích từ % giá vé nhưng vẫn còn vướng các luật về thuế, phí nên không khả thi; thì đến lần góp ý này, độ khả thi càng trở nên bất khả thi.
|
Mắt biếc được chọn tham dự Oscar lần thứ 93. |
Ông Sim Joon Beom, tổng giám đốc CJ CGV - đơn vị sở hữu nhiều cụm rạp nhất tại Việt Nam - nhận định Việt Nam cần quỹ phát triển điện ảnh, nhưng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp, vì các rạp chiếu phim đang “chết”, do đó quỹ sẽ là gánh nặng cho rạp. Ông cho biết, CJ CGV đã đóng cửa 14 cụm rạp trên cả nước vì dịch bệnh, nên kinh doanh không hiệu quả.
Đề xuất hướng thu khác cho quỹ, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh nói có thể xem xét thu từ việc kinh doanh phát hành phổ biến phim trên mạng của các nhà phát hành phim có máy chủ đặt tại Việt Nam và nước ngoài. Nhà sản xuất Ngô Quang Hải cũng đề xuất trích từ phần trăm tiền thuế của các đơn vị nước ngoài kinh doanh phim trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam để nuôi dưỡng tài năng điện ảnh.
Kể từ khi Luật Điện ảnh ra đời, 14 năm qua, quỹ này dường như vẫn nằm trên… giấy. Mọi mục tiêu như hỗ trợ các dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của các tác giả trẻ; dự án sản xuất phim tiếp theo của các nhà sản xuất - đạo diễn từng có phim đạt giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển tài năng trẻ đến mục tiêu lớn như xúc tiến điện ảnh, quảng bá điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài; hỗ trợ quảng bá, phát hành và phổ biến phim Việt trong và ngoài nước đều chỉ là ước vọng viển vông.
Được biết, đến tháng 4/2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới trình Chính phủ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và tháng Mười cùng năm mới trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Với chừng đó thời gian chờ đợi luật thông thoáng hơn, không biết điện ảnh Việt có thể cầm cự bao lâu trước sự trỗi dậy của các loại hình phim ảnh khác như webdrama, original series… Sự chậm chạp trong việc sửa đổi luật, việc thiếu những giải pháp mang tính đồng bộ giữa điện ảnh và các lĩnh vực, ngành nghề khác như du lịch, kinh tế đã làm điện ảnh Việt loay hoay mắc kẹt quá lâu trong chiếc áo cũ kỹ, chật chội; trong khi ngoài kia, “thời trang nhanh” đang đi với tốc độ chóng mặt.
Vừa rồi, điện ảnh Việt đã lựa chọn Mắt biếc tham dự Oscar lần thứ 93. Đã đến lúc, có lẽ, không cần phải quan tâm sân chơi này khi mà nền điện ảnh còn ngổn ngang nỗi khó. Một suất đề cử trong Oscar, nếu có, cũng không có ý nghĩa gì khi mà các nhà làm phim phải chật vật tồn tại giữa một môi trường làm phim còn không thông thoáng, nhiều ràng buộc làm thui chột, bào mòn sức sáng tạo.
Hương Nhu