PNO - Một số phim có nội dung đề cập đến nước Mỹ bị hoãn chiếu tại Trung Quốc. Từ những trường hợp này, giới truyền thông lẫn người trong nghề đưa ra những cảnh báo trong tình hình thời sự hiện nay.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hoá giải trí. Hiện, ngành phim ảnh Trung Quốc đang có những ảnh hưởng nhất định từ việc này.
Mới đây, bộ phim truyền hình Over the sea i come to you (tạm dịch: Cùng cha đi du học) đã bị hoãn chiếu. Ban đầu, phim dự kiến lên sóng vào ngày 19/5. The my true friend (tạm dịch: Người bạn thực sự của tôi) được thế sóng cho phim trên. Hiện những thông tin quảng bá cho Cùng cha đi du học trên trang Weibo đã chính thức chấm dứt từ ngày 17/5. Trong khi đó, bộ phim thay thế được quảng bá liên tục trong 24 giờ qua. Tờ QQ nhận định, phim này bị dừng chiếu khả năng lớn là do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng trong thời gian qua.
Phim Cùng cha đi du học bị hoãn chiếu dù ban đầu dự kiến lên sóng ngày 19/5.
Cùng cha đi du học là bộ phim truyền hình được mong chờ nhất trong quý II năm nay tại Trung Quốc, với diễn xuất của Tôn Hồng Lôi, Lưu Mẫn Đào... Phim dự kiến phát sóng trên Đài truyền hình Phương Đông - Oriental TV, Đài truyền hình vệ tinh Chiết Giang và một số kênh trực tuyến như: Tencent, iQiyi… Các nhà phát hành rất lạc quan về bộ phim này. Tuy nhiên, do chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đang căng thẳng nên “Một bộ phim truyền hình nói về việc du học, cuộc sống tại Mỹ là lỗi thời, vì vậy thời gian để được phát sóng là không giới hạn”, tờ QQ viết.
Chịu cảnh tương tự với Cùng cha đi du học là bộ phim I’m waiting for you in Bejing (tạm dịch: Tôi đang chờ bạn ở Bắc Kinh, tựa đề ban đầu là Tôi đang chờ bạn ở New York). Phim nói về cuộc đời của những đứa trẻ mồ côi và những cô gái Trung Quốc đang sinh sống, học tập tại Mỹ. Phim có sự tham gia của Lý Dịch Phong, Giang Sơ Ảnh. Phim sử dụng nhiều bối cảnh, tư liệu về xứ sở cờ hoa. Bộ phim Bắc Kinh gặp gỡ Seattle, Bảy ngày của cuộc sống cũng lấy nhiều tư liệu thực tế về Mỹ, nhưng được cho rằng ít bị ảnh hưởng hơn.
“Cùng cha đi du học sẽ là một lời nhắc nhở các nhà làm phim. Rủi ro là không thể tránh khỏi nhưng các sản phẩm cần được tạo ra một cách thận trọng, có ý thức về tình hình chung”, QQ viết. Đây cũng là một đại diện tiêu biểu cho sự mở rộng ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có những ảnh hưởng đến ngành phim ảnh Trung Quốc.
Không chỉ phim bị hoãn chiếu, nội dung phát sóng trên kênh truyền hình trung ương Trung Quốc - CCTV (kênh phim) cũng bị thay đổi trong những ngày qua. Tối 16/5, lễ trao giải Tuần lễ Điện ảnh và Truyền hình châu Á đã bị hoãn lại. Thay vào đó, phim Hero children - Đứa trẻ anh hùng đã được thay thế. Surprising attacks - Những cuộc tấn công đáng ngạc nhiên cũng được chiếu lại với nội dung nói về cuộc chống cự của người dân Trung Quốc với Hoa Kỳ nhờ sự giúp sức của CHDCND Triều Tiên.
Đây không phải là lần đầu tiên kênh phim của CCTV điều chỉnh nội dung phát sóng theo các sự kiện thời sự. Đại diện kênh này cho biết: “Trong những trường hợp đặc biệt, chúng tôi sẽ thực hiện việc rút lại lịch phát sóng của một số sản phẩm và thay đổi tạm thời bằng nội dung khác. Chúng tôi đang sử dụng một bộ phim theo cách thức như thế. Chúng ta nên theo dòng thời sự, thời đại”.
Hồi năm 2017, Trung Quốc cũng từng hoãn chiếu các phim Hàn Quốc như: Huyền thoại biển xanh, Cô nàng cử tạ, Geum Bi của cha... Một số đài cũng ngừng phát những chương trình giải trí của Hàn quốc hoặc có sao Hàn tham gia. Trước đó, vào cuối năm 2016, làn sóng hạn chế văn hoá Hàn quốc cũng bắt đầu diễn ra trong làng giải trí Trung Quốc. Nhiều đơn vị truyền thông cho rằng đây là động thái mà Trung Quốc đáp trả việc Hàn quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
LHP Cannes 2019 đang diễn ra cũng chứng kiến sự tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Với các phim Mỹ được chào bán tại sự kiện này, các công ty điện ảnh, phát hành phim của Trung Quốc đều tỏ ra e ngại.
Tờ QQ cũng đưa ra cảnh báo cho những bộ phim được sản xuất với bối cảnh quay ở nước ngoài trong thời điểm hiện nay. Trong 2 năm gần đây, việc quay phim ở nước ngoài đã trở thành một phương tiện phổ biến, với những tỉ lệ khác nhau. Có hai nhóm chủ yếu: một nói về việc học tập, sinh sống tại nước ngoài, trong đó tập trung vào thời trang, công nghệ, kiến trúc, ngân hàng; nhóm thứ hai là phim nói về sự khác biệt văn hóa giữa Trung Quốc và nước ngoài.
Ông Wang Leiqing - Giám đốc đài Oriental TV - cho rằng việc sản xuất phim truyền hình cần phải cảnh giác hơn, bởi những yếu tố bên ngoài như thế chứa nhiều rủi ro không thể kiểm soát.
Rút phim Trung Quốc khỏi LHP Cannes 2019
Tại LHP Cannes 2019, bộ phim Summer of Changsha (đạo diễn Tổ Phong) tham dự hạng mục Un Certain Regard (Một góc nhìn khác) bất ngờ nhận lệnh rút khỏi LHP này. Ê-kíp làm phim cũng không được xuất hiện trong buổi họp báo đã được định trước đó. Nguyên nhân được BTC đưa ra là do sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là lý do thực sự.