Điện ảnh Pháp lao đao vì “sao”

20/04/2013 - 11:05

PNO - PNO - Pháp là quốc gia có nền điện ảnh lâu đời nhất thế giới và từng được xem như một kinh đô của nền điện ảnh toàn cầu.

Khi nền điện ảnh của Mỹ, với biểu tượng Hollywood, chuyên thực hiện những phim có kinh phí khổng lồ, dần khuynh loát các phòng vé, người Pháp đã tìm nhiều cách để tồn tại và giữ vững ánh hào quang cũ.

Tại Pháp trong một năm có nhiều Liên hoan phim (LHP) lớn được chính phủ đầu tư kỹ lưỡng mà đáng kể nhất là LHP Cannes có lịch sử từ năm 1946 và luôn được được đầu tư để giữ vững vị thế liên hoan phim hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó là một loạt liên hoan phim mới được tổ chức như LHP điện ảnh Paris (Festival Paris cinéma) hay LHP phim Mỹ tại Deauville (Festival du cinéma Américain de Deauville). Đặc biệt từ năm 1976, Viện Hàn lâm Kỹ nghệ và Nghệ thuật điện ảnh Pháp còn lấy mô hình giải Oscar của Mỹ để thành lập giải César với những buổi lễ trao giải hào nhoáng.

Dien anh Phap lao dao vi “sao”
Danny Boon - diễn viên Pháp hiện nằm trong tốp các diễn viên nhận thù lao cao nhất

Ngoài ra Bộ Văn hóa Pháp còn can thiệp bằng chính sách “Bảo vệ bản sắc văn hóa Pháp” khi một loại thuế mới được đưa ra đánh vào tiền bán vé để đầu tư ngược lại cho công nghiệp điện ảnh Pháp. Một đạo luật của Pháp đã buộc các công ty truyền hình phải đầu tư vào phim ảnh. Bù lại, đài truyền hình được quyền phát những phim họ thích sau khi phim đó đã được công chiếu ở rạp 10 tháng. Do vậy các công ty truyền hình chỉ chọn các phim có ngôi sao để tài trợ và tất nhiên họ phải “lăng xê” các tên tuổi này cao hơn nhiều tài năng thực của họ. Theo các nhà làm phim, chính điều này đang tạo ra một thế hệ diễn viên có thù lao cao ngất ngưỡng tại Pháp, nhưng những bộ phim mà họ thủ diễn lại không thu về bao nhiêu đồng lời cho nhà sản xuất, thậm chí lỗ.

Vincent Maraval, một trong những nhà sản xuất phim thành công nhất tại Pháp hiện nay, cho rằng mức thù lao của nhiều diễn viên là vô lý. Ông nói: “Diễn viên Pháp giàu sụ là nhờ tiền công và hệ thống bảo vệ bản sắc văn hóa của nước ta”. Vincent cho ví dụ: “Chẳng hạn như phim Le plan parfait (Kế hoạch hoàn hảo) do Danny Boon (ảnh) đóng vai chính chỉ bán được 1,2 triệu vé nhưng diễn viên này bỏ túi 3,5 triệu euro, cao hơn mức thù lao Sylvester Stallone của Mỹ nhận được cho phim bom tấn Expendables (Biệt đội đánh thuê). Cũng diễn viên này, chỉ cần xuất hiện vài phút trong Asterix và Obelix cũng lượm được một triệu euro. Và hiện nay Danny Boon đang đòi 10 triệu euro cho vai diễn trong Hypercondriaque”.

Maraval cũng chỉ ra một điều kỳ quặc là nhiều diễn viên như Vincent Cassel, Jean Reno, Marion Cotillard… nhận từ 500.000 cho đến hai triệu euro cho mỗi bộ phim Pháp, nhưng khi sang Mỹ đóng phim ở Hollywood, họ lại dễ dàng chấp nhận cát-sê tương đương 50.000 - 200.000 euro mà không kèo nài gì. Ví dụ như Danny Boon là một trong những diễn viên có cát- sê cao nhất thế giới, dù điện ảnh thế giới lại đánh giá tài năng anh này chỉ ở mức trung bình. Chính lý do này đã đẩy giá thành của mỗi bộ phim Pháp lên quá cao. Và nếu vé bán ra không đủ chi trả, chính phủ, các hãng truyền hình và đầu tư tư nhân sẽ chia nhau gánh chịu.

Ngay cả bộ phim “giả cổ” The artist (Nghệ sĩ) của Pháp, dù thắng đậm ở giải Oscar năm 2012 và liên tục được xếp hạng cao ở các phòng vé Pháp cũng như một số nước khác nhưng khi thực hiện các phép tính giữa doanh thu và kinh phí làm phim thì… bị lỗ.

Được biết Pháp hiện sản xuất khoảng 200 phim điện ảnh mỗi năm (Hollywood khoảng 600 phim và Ấn Độ khoảng 1.000 phim) nhưng năm 2012 số tiền trợ giá nền điện ảnh nước này nhận được lên đến 700 triệu euro lấy từ số thuế 11% đánh trên vé phim và trên đĩa DVD bán cho dân chúng. Dù chính phủ Pháp gọi khoản tiền thuế này là “nhằm bảo tồn sự sáng tạo mang bản sắc văn hóa của Pháp” nhưng nhiều nhà làm phim cho rằng nó chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ, tiêu biểu là các diễn viên Pháp.

Ông Maraval cho rằng đã đến lúc chính phủ (Pháp) nên để cho quy luật thị trường quyết định giống như các nền điện ảnh lành mạnh khác. Theo ông, với hiện trạng bây giờ, tiền cát-sê cho các ngôi sao Pháp chỉ xứng đáng ở mức 400.000 euro/ phim điện ảnh.

KIM THOA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI