Kể câu chuyện văn hóa Việt với thế giới": Bài 3

Điện ảnh nỗ lực vì chiều sâu văn hóa, con người

15/12/2023 - 08:15

PNO - Các yếu tố văn hóa, lịch sử, cảnh đẹp các vùng miền đang trở thành chất liệu được các nhà làm phim khai thác. Nhiều tác phẩm điện ảnh đoạt giải quốc tế vì giới thiệu được chiều sâu văn hóa, con người Việt Nam.

 

LTS: Việc quảng bá văn hóa được Đảng và Nhà nước xem như “mũi nhọn”, là “sức mạnh mềm” góp phần định vị giá trị, tạo nên thương hiệu quốc gia trước bạn bè quốc tế. Cùng với đó, “Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam” là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (được Chính phủ ban hành vào ngày 12/11/2021).

Và, nội dung Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 cũng nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Bằng nhiều cách, câu chuyện văn hóa Việt đang được kể với thế giới.

Bài 1: Ẩm thực Việt tìm đường ra biển lớn

Bài 2: Dấu ấn quốc tế của múa rối nước, xiếc tre...

Nỗ lực vì bản sắc Việt

Tại Liên hoan phim Việt Nam (LHP) lần thứ 23, bộ phim Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã thắng 5 giải, trong đó có 2 hạng mục quan trọng: Phim truyện xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc. Phim chinh phục ban giám khảo bởi bản sắc dân tộc, tính văn hóa bản địa - 1 trong 4 tiêu chí chấm điểm tại LHP Việt Nam năm nay. Đó cũng là yếu tố giúp Tro tàn rực rỡ giành giải Cánh diều vàng 2023, giải Khinh khí cầu vàng tại LHP 3 châu lục. 

Cảnh đẹp vùng miền cùng câu chuyện về thân phận phụ nữ trong Tro tàn rực rỡ (ảnh trên)  và Những đứa trẻ trong sương chinh phục khán giả quốc tế
Cảnh đẹp vùng miền cùng câu chuyện về thân phận phụ nữ trong Tro tàn rực rỡ (ảnh trên) và Những đứa trẻ trong sương chinh phục khán giả quốc tế

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã gây ấn tượng khi giới thiệu một tác phẩm mang đậm không gian sông nước miền Tây, với hình ảnh rừng ngập mặn, nhà mái lá, ghe, võng, giá phơi chuối… hay cảnh đón dâu bằng ghe, đóng đáy hàng khơi của người dân Đất Mũi… Để có những thước phim đậm yếu tố vùng miền đó, vị đạo diễn gốc Hà Nội đã dành nhiều năm sống với người Cà Mau để tìm ý tưởng kịch bản.

Tro tàn rực rỡ cũng là phim Việt đầu tiên tranh tài tại LHP quốc tế Tokyo 2022. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên xúc động nhớ lại: “Suất chiếu các phim ở LHP quốc tế Tokyo 2022 nối tiếp nhau nên sau khi phim Tro tàn rực rỡ chiếu xong, phần giao lưu hỏi - đáp phải diễn ra bên ngoài khán phòng. Vừa bước ra, tôi bất ngờ khi thấy rất đông khán giả kiên nhẫn chờ được đặt câu hỏi”. 

Thành công của Tro tàn rực rỡ được coi là điểm sáng nhất cho điện ảnh Việt năm qua. Bên cạnh đó, nhiều phim ra rạp vài năm gần đây cũng cho thấy ý thức quảng bá văn hóa Việt của các nhà làm phim trong nước, thể hiện qua các khía cạnh ẩm thực, ngành nghề, âm nhạc, phục trang, phong tục tập quán…

Xem xong Nghề siêu dễ, khán giả hẳn muốn ăn thử ngay món cơm tấm sườn. Gái già lắm chiêu 3 phô diễn sự cầu kỳ của các món ăn cung đình Huế. Nghệ thuật cải lương được giới thiệu tỉ mỉ trong Song lang. Cô Ba Sài Gòn như thước phim về lịch sử chiếc áo dài. Đêm tối rực rỡ mô tả chân thực phong tục tang ma của gia đình trung lưu miền Nam. Đất rừng phương Nam phác họa văn hóa và con người miền Tây thập niên 1930…

Trailer phim Nghề siêu dễ:

 

 

Chiều sâu văn hóa, con người sau “lớp áo” cảnh đẹp

 

Việt Nam không có phim trường chuyên nghiệp. Bất lợi đó đồng thời cũng là lợi thế khi cả nước trở thành phim trường và cảnh đẹp của các vùng miền đều có cơ hội lên phim. Phim Việt giờ đẹp đến “nịnh mắt”, nhưng thứ chinh phục người xem khi đi ra quốc tế chính là chiều sâu văn hóa, tâm hồn con người được kể trong phim.

Tại Tuần phim Bây giờ đã đến tháng 10 vào tháng 10/2023 tại TPHCM, đạo diễn Đặng Nhật Minh dẫn chứng: “Bao giờ cho đến tháng 10 là phim Việt Nam đầu tiên chiếu trên đất Mỹ, tại LHP Hawaii 1985. Khi ấy, khán giả Mỹ chưa biết gì nhiều về Việt Nam sau chiến tranh nên rất muốn xem phim. Trước đó, có những bộ phim về Việt Nam mô tả người Việt, Việt cộng không phải là con người mà như cái máy, tạo định kiến xấu. Sự xuất hiện của cô Duyên trong Bao giờ cho đến tháng 10 đập tan định kiến đó. Lời nhận xét làm tôi rất cảm động: đây là phim thuần Việt Nam, không giống phim Trung Quốc, Ấn Độ, không bắt chước bất cứ phim nào. Nó mang đậm màu sắc văn hóa, tâm hồn Việt Nam. Tại LHP Hawaii năm đó, phim đoạt giải Đặc biệt. Họ đánh giá cao bộ phim về khía cạnh trên chứ không phải nghề nghiệp hay tài năng đạo diễn. Tôi đã làm được một việc là cho khán giả Mỹ hiểu hơn về con người Việt Nam. Đó là phần thưởng giá trị nhất với tôi”. 

Cơm  tấmm, món  ăn  đặc  biệt  trong  phim  Nghề  siêu  dễ
Cơm tấm, món ăn đặc biệt trong phim Nghề siêu dễ

Chiến thắng của Bên trong vỏ kén vàng ở hạng mục Camera d’Or tại LHP Cannes 2023 không chỉ vì những khuôn hình đẹp về vùng đất Bảo Lộc mà còn ở ý tưởng của tác giả về hành trình đi tìm đức tin, đi tìm giá trị sống của cuộc đời.
Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ: “Từ khi về Việt Nam làm phim, tôi đã mong muốn làm những bộ phim về đời sống văn hóa người Việt, tạo cơ hội để khán giả nước ngoài trải nghiệm và hiểu thêm về nghệ thuật, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam. Để xây dựng một thế giới gần gũi nhất với thời đại bộ phim Người vợ cuối cùng, tôi và ê kíp đã tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, nghiên cứu cảnh sinh hoạt, lao động hằng ngày của người Việt thời xưa. Các vật dụng trong phủ quan cũng được vẽ tay trên từng cái chén, bình, đĩa… mô phỏng hoa văn gốm sứ thời Nguyễn”.

Việc quảng bá văn hóa qua phim ảnh nhiều năm qua đang đem lại những tín hiệu khả quan. Phim Việt đi chu du nước ngoài nhiều hơn, một số phim thắng giải quốc tế. 

Nhưng bức tranh tổng thể đưa văn hóa Việt ra nước ngoài vẫn cần có sự nỗ lực chung tay lớn hơn giữa Nhà nước và tư nhân. Nhiều phim Việt chiếu thương mại ở các nước hay tranh tài ở LHP thế giới là kết quả của sự năng động từ nhà sản xuất. Những gian hàng chào bán phim Việt tại các LHP uy tín trên thế giới là nỗ lực của các đơn vị tư nhân như BHD, Skyline Media. Dấu ấn của Nhà nước mới chỉ được thấy ở việc tổ chức những tuần phim, ngày phim Việt ở nước ngoài. 

Cần nỗ lực nhiều hơn để có thể quảng bá phim Việt ra nước ngoài

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng - người có kinh nghiệm làm phim nhà nước lẫn tư nhân, thành viên ban giám khảo tại nhiều kỳ liên hoan phim Việt Nam bày tỏ những băn khoăn trong việc quảng bá văn hóa Việt qua phim ảnh khi trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM.

Phóng viên: Việc đưa phim đi dự liên hoan phim nước ngoài có thực tế là phim của các đạo diễn trẻ có xu hướng khai thác góc tối của xã hội, của cuộc sống. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Góc tối hay sáng là cách nhìn nhận và phản ánh xã hội của một cá nhân hay một nhóm tác giả. Nhà nước nên có cách quản lý chặt chẽ, hợp lý và hợp pháp. Bất kể ai, khi đưa sản phẩm ra xã hội đều phải chịu trách nhiệm về tác động của nó với môi trường sống. Nhà nước hoặc các tổ chức xã hội có quyền kiện và đòi bồi thường thiệt hại từ các cá nhân hay nhóm làm phim đó nếu họ gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng xấu. 

* Làm phim lâu năm, anh thấy Nhà nước làm được và chưa được điều gì trong việc quảng bá phim Việt ra nước ngoài?

- Tôi thấy công tác này vẫn là manh mún và tự phát nhờ một vài cá nhân có quan hệ xã hội đối với môi trường ngoại giao và văn hóa. Những lợi ích về văn hóa, chính trị và kinh tế từ việc quảng bá, giới thiệu phim ảnh ra nước ngoài là vô cùng lớn, nhưng nó cần chiến lược, tầm nhìn xa. 

* Để Nhà nước đầu tư đúng chỗ cho điện ảnh nhằm đưa phim Việt đi xa, anh nghĩ có những giải pháp nào?

- Nếu xác định điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp, sản phẩm điện ảnh là một loại hàng hóa thì phải trang bị kiến thức để các cấp quản lý, lãnh đạo ngành thấu triệt quan điểm này để thúc đẩy, ngõ hầu tạo ra một thị trường nội địa cũng như xuất khẩu mặt hàng này một cách đồng nhất và có hệ thống. Phải bắt đầu từ quy cách sản xuất, tạo hành lang pháp lý để gây dựng, khuyến khích và phát triển thị trường; tạo ra một cơ chế thuận lợi nhất, có lợi nhất cho nhà đầu tư cũng như nhà sản xuất hòng tái đầu tư và ổn định dòng tiền. Ngoài ra, trong việc kiến tạo môi trường làm phim, Nhà nước có thể cùng tư nhân tham gia với vai trò đầu tư, kinh doanh phim trường để cung cấp các dịch vụ cho những đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam.

Song song với đó là phát triển các liên hoan phim, chợ phim, bán dự án, bán kịch bản, bán phim và các dịch vụ làm phim rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Cuối cùng là đào tạo. Luôn cần có những thế hệ làm phim mới mạnh mẽ, quyết đoán, giỏi nghề để thay thế lớp người cũ thì chúng ta mới bán được phim, thâm nhập thị trường thế giới. 

* Xin cảm ơn anh. 

Nguyễn Ngọc (Thực hiện) 

Hương  Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI