Thị trường "vàng" của điện ảnh
Mới đây, 2 hãng phim Metan Entertainment và Entree Pictures của Hollywood thông báo đồng sản xuất dự án Võ Tắc Thiên – vị hoàng hậu nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Đường. Cách đó không lâu, dự án phim hoạt hình Bạch Xà (White Snake) đánh dấu lần đầu tiên hãng phim Warner Bros của Hollywood hợp tác với Trung Quốc cũng được công bố. Phim được thực hiện chủ yếu bởi ê-kíp Trung Quốc, do đạo diễn Hoàng Gia Khang chỉ đạo, dự kiến ra mắt vào 21/12. Trước đó một thời gian, Disney thực hiện Hoa Mộc Lan với Lưu Diệc Phi vào vai nữ chính. Phim dự kiến sẽ lên sóng vào tháng 3/2020…
Trước nay, Hollywood chưa từng bỏ qua thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc để khuếch trương sức mạnh điện ảnh, nâng tầm doanh thu khi bước vào quốc gia đông dân nhất thế giới. Sự vồ vập mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc trong thời gian gần đây càng thể hiện tham vọng xâm lấn ngày một lớn của điện ảnh Hollywood.
|
Tạo hình của Võ Tắc Thiên trong bộ phim truyền hình Võ Tắc Thiên truyền kỳ do Trung Quốc sản xuất |
Mức độ ảnh hưởng bắt nguồn từ dân số Trung Quốc chiếm 1/5 tổng dân số thế giới, nhu cầu giải trí của người dân cao và sự đầu tư có kế hoạch của nhà nước. Lãnh đạo quốc gia này từng khẳng định, để tăng mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới, Hollywood là một lựa chọn hoàn hảo.
Trailer phim Bạch Xà:
Theo tính toán, doanh thu phòng vé của Trung Quốc đã tăng từ 863 triệu USD (năm 2000) lên hơn 8 tỷ USD (năm 2007). Trong thời điểm đổ vốn vào đầu tư, đất nước này tăng thêm khoảng 25 rạp chiếu phim mỗi ngày. Một con số ấn tượng cho bước nhảy vọt trong lĩnh vực điện ảnh tại thị trường nhiều tiềm năng. Tờ BBC cho biết, năm 2012, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành thị trường điện ảnh hấp dẫn thứ 2 thế giới và dự đoán sẽ sớm vượt Mỹ.
Trong một cách ví von của giới làm phim Hollywood, nếu muốn đạt doanh thu kỷ lục, không thể bỏ qua thị trường Trung Quốc, hoặc những phim đầu tư “khủng” sẽ lỗ “sặc máu” nếu người xem tại Trung Quốc lắc đầu.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng đang đổ vốn đầu tư vào kinh đô điện ảnh Hollywood để nâng tầm ảnh hưởng, thậm chí là dần thâu tóm, bằng cách đưa ra nhiều quy định, luật lệ có lợi cho quốc gia.
Bom tấn Hollywood cũng phải nhờ Trung Quốc "cứu"
Cách đây hơn 10 năm (năm 2007), Trung Quốc tuyên bố sẽ đầu tư 150 triệu USD vào Hollywood để thực hiện những bộ phim với mục đích đưa văn hóa, con người, vùng đất, ngôn ngữ của họ xuất hiện thường xuyên hơn trong những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Từ đó đến nay, nhiều bộ phim hợp tác giữa Hollywood và Trung Quốc đã được thực hiện. Dàn diễn viên gồm những gương mặt nổi bật như: Lưu Diệc Phi, Chân Tử Đan, Củng Lợi, Lý Liên Kiệt, Phạm Băng Băng, Lý Băng Băng… đã góp mặt trong nhiều bộ phim nổi tiếng.
Hollywood không phủ nhận tài năng của nghệ sĩ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc khi chọn họ vào dự án. Tuy nhiên, đôi khi quyết định này chịu tác động từ các nhà tài trợ, các nhà sản xuất và nằm trong sự tính toán về thị phần của Hollywood.
|
Diễn xuất của Cảnh Điềm trong Kong: Skull Island bị chê tơi tả |
Tập đoàn Alibaba, hãng phim Huayi Bros, tập đoàn Wanda của Đại Liên và hàng loạt những “ông lớn” Trung Quốc đã bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD để chen chân vào thị trường Hollywood. Họ đưa những diễn viên thuộc hàng top tại Trung Quốc (nhưng chẳng có nghĩa lý gì với kinh đô điện ảnh hàng đầu thế giới) vào phim, đơn cử: Cảnh Điềm với vai diễn nhạt nhẽo trong Kong: Skull Island; Phạm Băng Băng trong X-Men và mới đây với vai cô giáo xuất hiện được 9 giây, 3 câu thoại trong Air Strike; Vương Học Chi thiếu dấu ấn trong Iron man 3; Lý Băng Băng mờ nhạt trong Transformers: Age of extinction…
Từ chỗ bị nhà sản xuất Trung Quốc tác động, thông qua các khoản đầu tư, Hollywood đã chuyển sang thế phải “nịnh” người xem Trung Quốc, bằng cách để diễn viên yêu thích tại quốc gia họ xuất hiện, chỉ để phim không bị ngó lơ tại thị trường hơn tỷ dân.
Và, thực tế đã cho thấy, thị trường Trung Quốc đã cứu rất nhiều bom tấn Hollywood. Minh chứng rõ ràng nhất là với phim Kong: Skull Island, nếu như sau ba tuần ra rạp tại Mỹ và 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm nhiều thị trường lớn như Anh, Pháp, Nga, Mexico, Brazil... bom tấn này chỉ thu về được 268 triệu USD (55% doanh thu kỳ vọng để đạt mức không lỗ) thì chỉ riêng tại Trung Quốc, doanh thu cho phim này là 123,6 triệu USD. Dĩ nhiên, khán giả Trung Quốc đổ đến rạp là vì có Cảnh Điềm.
Với phim Phi vụ thế kỷ 2 (Now you see me 2), doanh thu tại Trung Quốc chiếm đến 70% doanh thu toàn cầu và cao gấp gần 4 lần số tiền thu được ở Mỹ. Điều đó sẽ không xảy ra nếu phim không có sự góp mặt của Châu Kiệt Luân. Tương tự, phim xXx: Return Of Xander Cage không thể hoà vốn dù có Vin Diesel, nếu không có thị trường Trung Quốc (chiếm 1/3 doanh thu phim) với sự tự hào dành cho Chân Tử Đan và Ngô Diệc Phàm trong phim...
Nhún nhường và tham vọng
Hollywood made in China (tạm dịch: Hollywood xuất xứ Trung Quốc) là cuốn sách nổi tiếng của Aynne Kokas. Nội dung cuốn sách nói về những chính sách đầu tư cụ thể và món lợi mà 2 bên được hưởng từ những sự hợp tác liên quan đến các chương trình giải trí quy mô lớn, bao gồm: các phim bom tấn đương đại, công viên giải trí và mô hình rạp chiếu phim.
|
Cuốn sách Hollywood made in China là lời "cảnh báo" trước khi có những thay đổi lớn trong cục diện điện ảnh thế giới |
Cuốn sách về sau trở thành một lời mỉa mai của giới chuyên gia, những người không chấp nhận được sự thật rằng Hollywood đang bị đe dọa trực tiếp về thị phần điện ảnh trong thời gian tới. Tác giả Aynne Kokas gọi sự hợp tác giữa Hollywood và Trung Quốc là hành động cộng sinh. Hollywood đang cần thị trường mới để quảng bá, tìm kiếm chất liệu. Trong khi Trung Quốc nuôi tham vọng trở thành cái nôi mới của điện ảnh thế giới, vươn tới những tác phẩm đỉnh cao.
Đó là một cách lý giải hợp lý cho sự hợp tác của 2 nền điện ảnh đang chi phối thế giới, nhưng với Trung Quốc, không đơn giản là cộng sinh. Trung Quốc muốn đứng đầu thế giới về điện ảnh.
"Phim Hollywood làm về Trung Quốc sẽ có sức ảnh hưởng mạnh hơn so với một bộ phim của người Trung Quốc làm về chính quốc gia của họ, và nguy cơ đe dọa lớn hơn dành cho Hollywood khi Trung Quốc biết họ nên làm gì để vươn đến vị trí đầu tiên” -Stanley Rosen, một chuyên gia về xã hội Trung Quốc tại Đại học Nam California - nói với Axios.
|
Lưu Diệc Phi và tạo hình trong Hoa Mộc Lan |
Hoặc là hợp tác và chấp nhận làm theo những yêu cầu có lợi cho Trung Quốc hoặc không được bước chân vào thị trường điện ảnh béo bở của họ, quốc gia đông dân nhất thế giới đang đặt ra nhiều thách thức với Hollywood.
Sự “đe dọa” này đã xuất hiện kèm theo những quy định hà khắc từ phía Trung Quốc với một bộ phim muốn nhập khẩu vào quốc gia họ. Không nói xấu người Trung Quốc, không đá động đến chính quyền Trung Hoa và nếu được hãy ca ngợi là những điều trở thành luật bất thành văn, không chỉ với Hollywood mà với tất cả các quốc gia muốn hợp tác với Trung Quốc. Theo Axios, quốc gia này từng thực hiện cúp điện toàn quốc chỉ để giảm doanh thu phim nước ngoài trong thời điểm không có nhiều phim Trung Quốc đang chiếu tại rạp.
|
Một sự cộng sinh giữa điện ảnh Hollywood và Trung Quốc nhưng các bên đều muốn hơn thế. |
Không chỉ điện ảnh, trong một vở kịch phóng tác từ nội dung cuốn sách Red Dawn năm 1984, tác giả đã đổi tên các nhân vật phản diện Trung Quốc sang tên khác để tránh những ảnh hưởng không hay về sau. Hoặc gần nhất, trong Doctor Strange của Marvel, nhân vật phản diện Ancient One (Tilda Swinton đóng) được đổi xuất thân từ người Tây Tạng sang người Celtic (thuộc châu Âu), để tránh bị tẩy chay tại thị trường Trung Quốc.
Mới đây, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - Chuck Schumer đã nêu lên mối lo ngại về việc "chiếm giữ" Hollywood của tập đoàn Trung Quốc. Theo đó, việc mua lại cụm rạp và các công ty giải trí gần đây của tập đoàn Dalian Wanda, chẳng hạn như AMC Entertainment, đã thu hút sự quan tâm của một số nhà lập pháp tại Mỹ. Họ đang kêu gọi tăng cường giám sát các khoản đầu tư của tập đoàn Trung Quốc tại Hollywood, thắt chặt sự hợp tác nếu không muốn trong tương lai gần, quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành “đại gia” trong ngành nghệ thuật ngay tại đất Mỹ.
Diễm Mi