PNO - Từ "Chiến dịch Shiri" (1999) đến "Ký sinh trùng" (2020), điện ảnh Hàn Quốc đã trải qua một chặng đường dài hơn hai thập niên để đạt được thành công lớn như hiện tại. Dù vậy, rất nhiều khó khăn, thách thức vẫn đang chờ đợi phía trước.
Sau khi đạo diễn Bong Joon-ho gây tiếng vang nhờ bộ phim Ký sinh trùng tại lễ trao giải Oscar lần thứ 92, điện ảnh Hàn Quốc tiếp tục mang về thêm hai chiếc cúp từ Liên hoan phim Cannes năm nay, gồm giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Park Chan-wook với Quyết tâm chia tay và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất của Song Kang-ho trong Người môi giới.
Bộ phim Quyết tâm chia tay được Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cử đi dự thi Oscar 2022
Liên tiếp có những tác phẩm chất lượng và hàng loạt gương mặt diễn viên có thực lực, ngành công nghiệp điện ảnh xứ kim chi cho thấy sự đầu tư đúng đắn của mình xuyên suốt hai thập niên qua. Chiến dịch Shiri (1999) của đạo diễn Kang Je-kyu đã bất ngờ trở thành cú hit phòng vé tại Nhật Bản, được ví như tạo một bước đệm vững chắc cho điện ảnh xứ kim chi. Đến khoảng năm 2010, các đạo diễn lớn của Hàn Quốc dần được giới chuyên môn quốc tế công nhận. Từ bước đà này, các nhà hoạch định chiến lược xứ Hàn đã lên kế hoạch thực hiện nhiều dự án hợp tác với Hollywood.
Theo đó, đạo diễn ngôi sao Kim Jee-woon đã có màn ra mắt tại Mỹ với bộ phim kinh dị hành động The Last Stand (2013). Đạo diễn Bong Joon-ho cũng chỉ đạo dự án điện ảnh đầu tay ở Hollywood Snowpiercer (2013). Bộ phim có sự tham gia của các ngôi sao hàng đầu như Tilda Swinton, Chris Evans, Jamie Bell… Cũng trong giai đoạn này, nhiều diễn viên xứ Hàn cũng bắt đầu Mỹ tiến, nổi bật hơn cả là cô nàng Bae Doo-na với loạt phim Cloud Atlas, Jupiter Ascending và Sense 8.
Với những kế hoạch đầu tư dài hơi, bài bản, cùng việc Chính phủ Hàn Quốc coi ngành công nghiệp giải trí là động lực chính cho nền kinh tế quốc gia, điện ảnh xứ Hàn đã có bước tiến nhảy vọt trong 5 năm qua. Ngoài ngân sách khủng từ Chính phủ, các tập đoàn lớn như Samsung, Daewoo và Hyundai cũng đóng một vai trò quan trọng, không ngần ngại vung tay đầu tư cho những dự án điện ảnh khó nhằn, giúp đội ngũ sáng tạo nội dung tự do bay bổng với các ý tưởng. Đạo diễn Kim Se-In tâm sự: “Tôi chỉ cần tập trung vào việc làm phim. Từ khâu viết kịch bản cho đến khâu hậu kỳ, Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Hàn Quốc đã hỗ trợ hết mình để tôi thành công. Tôi không phải lo lắng về thị trường và phân phối, bởi viện cũng sẽ giúp tôi”.
Dafna Zur - phó giáo sư về ngôn ngữ và văn hóa Đông Á tại Đại học Stanford - nhận định: Thành công của phim ảnh xứ kim chi chính nhờ những nét độc đáo và khác biệt so với các quốc gia khác. Những câu chuyện khá gần gũi và được xây dựng theo phong cách riêng, một hơi thở rất châu Á, rất Hàn Quốc.
Có thể khẳng định nền điện ảnh xứ kim chi ghi dấu ấn đậm nét trên trường quốc tế không hề nhờ ăn may, thành công của họ đến nhanh hơn nhờ tận dụng các yếu tố thiên, thời, địa, lợi.
Cú hích từ Ký sinh trùng trong năm 2020 giúp nền điện ảnh Hàn Quốc nâng tầm vị thế
Bài toán khó giải
Mặc dù ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc bắt đầu được công nhận trên toàn cầu, nhưng số tiền thu được từ thị trường nước ngoài là không đáng kể. Đạo diễn kiêm diễn viên Lee Jung Jae cho biết, bộ phim Hunt của anh được bán cho 144 quốc gia, tuy nhiên tổng thu nhập từ doanh thu nước ngoài của phim là rất nhỏ, nam tài tử từ chối đưa ra con số cụ thể.
Theo dữ liệu của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), kim ngạch xuất khẩu phim năm 2021 của nước này chỉ đạt 43 triệu USD, chiếm 5,5% tổng doanh thu ngành điện ảnh. Nhà phê bình phim Jung Ji-wook cho biết chính sự chênh lệch lớn về lợi nhuận trong và ngoài nước, nên một số nhà làm phim Hàn Quốc tập trung đẩy mạnh các nội dung phục vụ khán giả nội địa. “Khi các nhà làm phim trở nên quá phụ thuộc vào doanh thu bán vé nội địa, đôi khi vô tình khiến họ tạo ra những nội dung sáo rỗng. Nó có thể cản trở các nhà sáng tạo đưa ra những câu chuyện đa dạng, trong khi các nhà làm phim chỉ quẩn quanh hợp tác với các diễn viên quen thuộc” - Jung Ji-wook chia sẻ.
Nhà phê bình điện ảnh Yoo Tae-hee thì cho rằng việc tìm cách tăng doanh thu từ xuất khẩu phim ra nước ngoài không hề đơn giản. Ông nói: “Việc tăng doanh thu nước ngoài cho các tác phẩm không giúp ích trong việc cải thiện chất lượng phim Hàn Quốc, cho tương lai của ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà”. Ông Yoo chỉ ra đang có khá nhiều rủi ro khi có một số nước liên tục thay đổi chính sách nhập khẩu phim ảnh, điển hình là Trung Quốc.
Trailer phim Quyết tâm chia tay:
Không ít những tranh luận nổ ra, nhất là từ sau sự xuất hiện của các nền tảng phát trực tuyến như Netflix, Disney+… xâm nhập thị trường Hàn Quốc. Các “gã khổng lồ” này đã giúp các bộ phim xứ kim chi nổi tiếng toàn cầu và thu lợi hàng trăm triệu USD, trong khi đội ngũ sản xuất hầu hết là người Hàn lại không được hưởng lợi, vì bản quyền sản phẩm thuộc về các nền tảng nước ngoài.
Nhận thức được những bất cập này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tháng trước đã tiết lộ trong bốn năm tới sẽ chi tổng cộng 4,8 ngàn tỷ won (3,66 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất nội dung phát trực tuyến. Vừa nâng cao chất lượng phim ảnh vừa đảm bảo được doanh thu đang là thách thức không dễ vượt qua đối với các nhà làm phim Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, sẽ mất thêm nhiều năm để ngành công nghiệp phim ảnh xứ kim chi giải được bài toán khó này.