Kể từ năm 1970, thị trường phim Đông Nam Á đã có sự tăng trưởng ổn định cả trong và ngoài nước. Đến những năm 1990, ngành công nghiệp này liên tục nhận được sự chú ý với làn sóng trỗi dậy của các đạo diễn độc lập - từ Eric Khoo của Singapore, Pen-Ek Ratanaruang của Thái Lan đến U-Wei Saari của Malaysia - dần định hình điện ảnh địa phương bằng những tầm nhìn độc đáo thông qua các tác phẩm ấn tượng.
Trong hai thập kỷ kế tiếp, một số nhà làm phim trong khu vực, cả thương mại và nghệ thuật, cũng gặt hái được một số thành công nhất định. Phim hành động Ong Bak năm 2003, phim kinh dị Shutter năm 2004 và phim gia đình Ilo Ilo năm 2013, do Anthony Chen làm đạo diễn, đoạt giải Camera d'Or (giải Máy quay vàng) tại Liên hoan phim Cannes, đã giúp điện ảnh Đông Nam Á duy trì đà thăng tiến.
|
Thiên tài bất hảo là một trong những phim Thái Lan nhận được sự quan tâm của khán giả châu Á |
Nhưng xét trên bình diện toàn cầu, các nhà làm phim Đông Nam Á vẫn chưa thực sự được quốc tế công nhận, điều mà những đạo diễn khu vực Nam Á và Đông Á đã làm rất tốt. Tất cả xuất phát từ nhiều yếu tố.
Sự khác biệt về văn hóa
Từ lâu giới chuyên môn đã nói rằng điện ảnh là một ngôn ngữ chung. “Đó là ngôn ngữ của hình ảnh và mỗi hình ảnh có thể truy tìm đến một địa điểm cụ thể” - Abderrahmane Sissako, đạo diễn và nhà sản xuất phim người Malian (Mauritanie), cho biết.
Đạo diễn người Indonesia Mouly Surya lại cho rằng ngôn ngữ vẫn là một rào cản mà các nhà làm phim Đông Nam Á phải vượt qua: “Khi phim của bạn nói tiếng Anh, thị trường của bạn đương nhiên sẽ lớn hơn nhiều”.
Đối với những bộ phim nước ngoài thành công về mặt thương mại đến từ các quốc gia như Pháp, Trung Quốc và Hàn Quốc, sự tồn tại của một nền văn hóa điện ảnh mạnh mẽ trong thị trường địa phương được xem là nhân tố quan trọng mang lại cho họ một dấu ấn lớn.
Nhà làm phim người Singapore Kirsten Tan cho biết: “Những bộ phim khác nhau mang trong mình vốn văn hóa khác nhau tùy thuộc vào nơi chúng được làm ra. Nếu chúng ta có hai bộ phim được ca ngợi như nhau bước ra từ các liên hoan phim quốc tế, một bộ phim của Pháp và bộ còn lại là của Myanmar, hiển nhiên phim Pháp sẽ thu hút nhiều hơn vì đó là tiếng Pháp. Chúng ta cần nhận ra rằng có một chủ nghĩa đế quốc văn hóa cố thủ đang chống lại nhiều bộ phim và nhà làm phim Đông Nam Á. Chúng tôi (các nhà làm phim) cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có được bước đột phá".
|
Các nhà làm phim Đông Nam Á có những bước tiến nhất định trong vài năm qua nhưng vẫn chưa đủ để gây ấn tượng đậm nét |
Kinh phí
Các chuyên gia đều đồng ý rằng, để các bộ phim và nhà làm phim Đông Nam Á được công nhận nhiều hơn, phải có sự thay đổi bắt đầu từ chính nội tại.
Điển hình, ở Indonesia, có ít hơn 2.000 rạp chiếu phim phục vụ cho gần 270 triệu người - tức khoảng 0,6 rạp chiếu trên 100.000 dân (Mỹ có khoảng 12,5 màn hình trên 100.000 công dân, trong khi Trung Quốc có khoảng 4,3 màn hình trên 100.000). Điều này cũng hạn chế sự xuất hiện và thành công của các bộ phim Indonesia, mặc dù quy mô thị trường rộng lớn. Tuy nhiên trong những năm tới, khi chính phủ Indonesia nới lỏng các hạn chế về đầu tư quốc tế vào ngành điện ảnh nội địa, dự kiến sẽ có những bước phát triển đáng kể.
Trên thực tế, việc tiếp cận nguồn tài trợ và mạng lưới phân phối từ lâu vẫn luôn là một vấn đề phổ biến trong khu vực. Trong một sự kiện do Purin Pictures tổ chức tại Bangkok vào tháng 7/2019, biên kịch kiêm nhà sản xuất phim người Philippines Monster Jimenez cho rằng nhiều nhà đầu tư vẫn lầm tưởng các phim đến từ Đông Nam Á kém đa dạng về thể loại.
Tự do sáng tạo
Ở nhiều quốc gia trong khu vực, việc phim bị kiểm duyệt gắt gao cũng được xem là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của lĩnh vực điện ảnh địa phương. Ví dụ, ở Singapore, phim của đạo diễn Kirsten Tan và các đồng nghiệp phải tuân theo những nguyên tắc phân loại nghiêm ngặt.
“Nếu thực sự muốn nền điện ảnh của Singapore phát triển mạnh mẽ và thấy các nhà làm phim của chúng ta tạo ra những bộ phim táo bạo thu hút người xem lớn thế nào thì chúng ta nên xem xét và sửa đổi Đạo luật điện ảnh. Đạo luật hiện đang giới hạn cách kể chuyện gốc bằng cách hạn chế các tác phẩm đề cập vấn đề chính trị hoặc giới thiệu các nhân vật kỳ quặc” - Kirsten Tan nói.
Tương tự, ở Thái Lan - một trong những nước hiếm hoi ở Đông Nam Á có bước tiến lớn về lĩnh vực phim ảnh trong vài năm qua - cũng có những rào cản do chính phủ nước này tăng cường công tác kiểm soát.
|
Các rạp chiếu phim bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 |
Tính khả thi về mặt thương mại
Phần lớn điện ảnh Đông Nam Á ngày nay đã mạnh dạn khai triển những thể loại gai góc và đa dạng hơn như dòng phim cổ trang, hành động… với số tiền đầu tư lớn nhưng không phải lúc nào cũng thu được lợi nhuận.
Nhiều nhà làm phim trong khu vực muốn sản xuất những tác phẩm chân thực, phản ánh cuộc sống và không sao chép bất kỳ công thức nào, chỉ đơn giản để làm hài lòng khán giả trong nước. Nhưng thách thức lớn nhất của họ là làm sao để tất cả các thể loại phim nội địa trở thành "món ăn" không thể thiếu và được công chúng trong nước đánh giá cao.
Yêu tố có thể hỗ trợ các nhà làm phim Đông Nam Á mạnh nhất cho đến thời điểm này là các liên hoan phim. Các nhà làm phim là người được hưởng lợi lớn nhất từ sự kiện điện ảnh hàng năm, nơi mà giới chuyên môn có thể tìm kiếm những tài năng mới để bồi dưỡng. Đồng thời, các liên hoan phim cũng giúp điện ảnh khu vực xây dựng cộng đồng người hâm mộ mới và thu hút các nguồn tài trợ.
Chung Thu Hương