Điểm yếu của ngành công nghiệp âm nhạc K-pop

25/02/2024 - 15:11

PNO - Nổi tiếng với các buổi concert đông nghịt khán giả trên thế giới, nhưng các nghệ sĩ K-pop lại thường gặp khó ở quê nhà, trong việc thuê địa điểm biểu diễn.

Thiếu hụt các địa điểm tổ chức concert

Khi nói đến âm nhạc, Hàn Quốc có hầu hết mọi thứ họ cần gồm ca sĩ, nhạc sĩ, vũ công tài năng và thậm chí cả những đội ngũ khác nhau để có thể nâng tầm biểu diễn lên một tầm cao mới. 

Các ngôi sao K-pop thường xuyên giành được vị trí dẫn đầu trên các bảng xếp hạng đáng mơ ước như Billboard, album của họ cũng cháy hàng ngay khi vừa ra mắt.

Theo dữ liệu từ Cục Hải quan Hàn Quốc (KCS), doanh số xuất khẩu album K-pop đạt mức cao mới lên đến 290 triệu USD vào năm 2023, tăng 25,4% so với năm 2022.

Dẫu vậy, quốc gia Đông Á vẫn thiếu hụt một điều khá cơ bản, chính là sân khấu lớn. Tại Hàn Quốc, các nghệ sĩ K-pop không thể tổ chức concert thường xuyên như họ mong muốn. Nếu họ có kế hoạch làm show, họ phải giành chiến thắng trong một cuộc chiến khó khăn để thuê địa điểm biểu diễn, vốn có nguồn cung hạn chế.

Blackpink  BLACK PINK biểu diễn trong buổi hòa nhạc cuối cùng của chuyến lưu diễn tại Gocheok Sky Dome
Blackpink trong buổi hòa nhạc của họ tại Gocheok Sky Dome, 9/2023.

Tính đến thời điểm hiện tại, các địa điểm trong khu vực đô thị Seoul có sức chứa hơn 10.000 khán giả chỉ có Khu liên hợp thể thao Jamsil, sân vận động trong nhà Jamsil, sân vận động World Cup Seoul, Gocheok Sky Dome…

Khu liên hợp thể thao Jamsil, sân vận động lớn nhất Hàn Quốc với gần 70.000 chỗ ngồi, vừa được cải tạo vào tháng 8/2023 và phải đến tháng 12/2026 mới hoàn thành.

Còn Gocheok Sky Dome, có sức chứa khoảng 20.000 người, sẽ mở cửa vào tháng 3/2024 sau khi nâng cấp. Tuy nhiên, các ca sĩ K-pop không thể biểu diễn ở đó trong mùa bóng chày kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10. 

Sân vận động World Cup Seoul có sức chứa 60.000 chỗ ngồi nhưng thường không được cấp giấy phép tổ chức các buổi hòa nhạc để tránh thiệt hại cho sân, bởi nơi đây được thiết kế cho các trận đấu bóng đá. Do đó, sự cạnh tranh về địa điểm biểu diễn càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Nhà phê bình âm nhạc Kim Do-heon nói với The Korea Times: “Hàn Quốc không có đủ số lượng sân vận động thể thao, chưa kể các địa điểm dành riêng cho buổi hòa nhạc. Tháng 3/2023, BoA đã tổ chức buổi hòa nhạc đánh dấu kỷ niệm 20 năm ra mắt tại Olympic Hall ở phía đông nam Seoul, nơi chỉ có khoảng 3.000 - 4.000 chỗ ngồi. Việc tổ chức một sự kiện ý nghĩa như vậy tại địa điểm nhỏ bé thực sự không ý nghĩa gì cả".

Ở Hàn Quốc, rất hiếm có các sân vận động, điểm tổ chức concert có sức chứa lớn.
Ở Hàn Quốc, rất hiếm các sân vận động, điểm tổ chức concert có sức chứa lớn.

Việc có ít lựa chọn hơn cũng đồng nghĩa với việc các ngôi sao K-pop phải biểu diễn ở cùng một địa điểm nhiều lần. Theo Kim, điều này có thể gây khó chịu cho những nghệ sĩ muốn làm điều gì đó mới mẻ và sáng tạo trong buổi hòa nhạc của họ.

Ông lưu ý: “Buổi hòa nhạc là chương trình giải trí ghi lại sự nghiệp của các ca sĩ và nêu bật triết lý âm nhạc của họ. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, thật khó để họ thể hiện hết mình và tạo thêm nét độc đáo cho màn trình diễn của mình”.

Không giống như Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ - những quốc gia có thị trường âm nhạc lớn - tự hào có nhiều đấu trường, mái vòm và sân vận động lớn có thể tổ chức các buổi hòa nhạc thu hút hơn 10.000 khán giả. 

Theo báo cáo, có 40 địa điểm như vậy ở Nhật Bản, bao gồm cả Tokyo Dome nổi tiếng. Chỉ riêng bang California (Mỹ) đã có 40 địa điểm, trong đó có cả sân vận động SoFi ở Los Angeles, nơi nhóm nhạc K-pop nổi tiếng BTS đã mê hoặc khoảng 70.000 người hâm mộ với buổi hòa nhạc vào năm 2021.

Lý do đằng sau sự thiếu hụt

Rất nhiều câu hỏi đặt ra tại sao Hàn Quốc có K-pop phát triển lại thiếu địa điểm biểu diễn? Một phần là do Hàn Quốc có diện tích đất tương đối nhỏ, khiến việc xây dựng các cơ sở quy mô lớn trở nên khó khăn. Các chuyên gia cho rằng có 1 lý do nữa là sự thiếu đầu tư của chính phủ vào văn hóa.

Nhà phê bình Kim nói: “Âm nhạc đại chúng chỉ bắt đầu được công nhận đúng mức vào giữa đến cuối những năm 1990. Hàn Quốc không có đủ thời gian để xây dựng cơ sở hạ tầng và cũng không đầu tư lớn vào lĩnh vực văn hóa. Họ chỉ bắt đầu thiết lập cơ sở mới sau khi âm nhạc Hàn Quốc có sức hút toàn cầu”.

BTS biểu diễn buổi hòa nhạc tại Sân vận động SoFi ở Los Angeles, năm 2021.
BTS biểu diễn tại sân vận động SoFi ở Los Angeles, năm 2021.

Ko Jeong-min, giáo sư tại Đại học Hongik nói thêm, phần lớn các cơ sở thể thao ở Hàn không cung cấp môi trường tối ưu cho các buổi hòa nhạc:

“Tokyo Dome của Nhật Bản, nó được xây dựng không chỉ cho các trận đấu bóng chày, mà còn cho các buổi biểu diễn. Tuy nhiên, các sân vận động ở Hàn Quốc được xây dựng chỉ dành cho các sự kiện thể thao”.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm, Hàn Quốc đang trong quá trình thành lập một số địa điểm mới dành riêng cho buổi hòa nhạc. CJ LiveCity Arena (tỉnh Kyunggi) và Seoul Arena (Seoul), có sức chứa lần lượt 60.000 và 18.000 khán giả, dự kiến ​​sẽ mở cửa trong vòng vài năm tới. 

Mặc dù có sự chậm trễ trong các dự án xây dựng do chi phí tăng và lạm phát, nhưng các địa điểm mới được kỳ vọng sẽ giải quyết thách thức hiện tại ít nhất ở một mức độ nào đó, nhằm thu hút thêm nhiều ngôi sao nhạc pop nổi tiếng đến Hàn Quốc.

Ông Ko giải thích: “Thêm nhiều địa điểm tổ chức hòa nhạc sẽ mang lại lợi ích cho các ngôi sao K-pop và cho phép Hàn Quốc thu hút nhiều khách du lịch hơn, cũng như nâng cao vị thế của mình. Nó sẽ thúc đẩy các ca sĩ nhạc pop như Taylor Swift biểu diễn tại đây, thay vì bỏ qua Hàn Quốc, làm phong phú thêm trải nghiệm các buổi hòa nhạc trực tiếp của mọi người”.

Hương Chung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI