Điểm tựa "yếu xìu" sẽ kéo theo sự hối hận

23/04/2022 - 09:58

PNO - Vấn đề giữa mẹ con tôi hiện giờ là chọn trường nào cho kỳ thi vào lớp 10. Con không cãi mẹ nhưng im lặng với vẻ bất mãn.

 

Làm mẹ cậu con trai tuổi dậy thì, tôi thấm thía những cú nổi loạn bất ngờ của con. Từ đứa trẻ ngoan ngoãn, tối nào cũng rúc vào nách mẹ đòi gãi lưng, hỏi đủ thứ trên trời dưới đất, con bỗng lảng ra, né tránh mẹ. Rồi con đòi ngủ riêng, đòi tự đạp xe đi học…

Tôi hiểu ra con đang học làm người lớn, nhưng vẫn không khỏi hụt hẫng như thể con tuột khỏi tay mình.

Tuổi dậy thì như cơn sóng ngầm, những chuyện nhỏ xíu với con cũng thành to tát, khó gỡ. Bị bạn phê bình vì con hay đùa giỡn trong giờ học, con cãi hăng, nói bạn kỳ thị. Con học tốt môn hóa nhưng cô giáo ít gọi con giải bài tập, con nghĩ cô thiên vị… Hàng trăm vấn đề tôi phải để mắt tới, kẻo con nổi loạn bất ngờ.

Con cần ba mẹ trong những đoạn chông chênh (Ảnh minh họa)
Con cần ba mẹ trong những đoạn chông chênh (Ảnh minh họa)

Trong talk show Cho con điểm tựa do báo Phụ nữ TPHCM tổ chức mới đây, tôi rất quan tâm ý kiến Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền: ba mẹ nên xây dựng mối quan hệ lành mạnh, an toàn với con, tránh đối đầu. Khi con gặp vấn đề, ba mẹ dù có cách giải quyết nhưng chỉ nên đặt câu hỏi gợi mở để con tự tìm giải pháp, để con rèn kỹ năng tự quyết định, tự giải quyết vấn đề…

Vấn đề giữa mẹ con tôi hiện giờ là chọn trường nào cho con khi sắp tới con thi vào lớp 10. Con chọn trường A., đơn giản vì nhiều bạn bè con chọn trường đó. Tôi thì muốn con vào trường B., dù có xa hơn nhưng là trường có nền nếp, thành tích tốt. Hai mẹ con căng thẳng từ đầu năm, sau đó con không cãi lại mẹ nhưng im lặng với vẻ bất mãn.

Chồng tôi nói: “Con học thì phải để con tự chọn trường, sao em phải làm việc đó thay con”. Tôi nghĩ con “ăn chưa no lo chưa tới” thì biết cái gì. Ba mẹ nhìn xa trông rộng, đương nhiên phải quyết định thay con.

Theo dõi talk show, tôi giật mình. Tôi chưa từng tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc của con, càng không có việc để con tự giải quyết vấn đề. Nói như Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền là con đã lớn khôn thì ba mẹ cũng phải điều chỉnh suy nghĩ, hành vi, cũng phải “lớn” theo con, đừng mãi xem con là con nít.

Chị bạn tôi có con trai học không giỏi. Chị và chồng đều là giảng viên đại học nên chị nghĩ con chị có năng lực đặc biệt nào đó mà thầy cô không quan tâm, không biết khai thác.

Nghe những điều đó hàng ngày, con chị ảo tưởng về bản thân. Cậu hay cãi thầy cô, làm ngược lại những gì thầy cô dạy bảo vì nghĩ mình khác biệt. Sau nhiều lần bị nhà trường mời lên vì con phạm lỗi, chị quyết định đưa con vào trường nội trú. Thằng bé không muốn chuyển trường vì phải xa bạn bè, vì cả tháng mới được về nhà (như qui định của chị), nhưng chị không thay đổi quyết định.

Lúc làm thủ tục, thầy hiệu trưởng nói kỷ luật ở trường rất nghiêm, học sinh phạm lỗi có thể sẽ bị phạt. “Thầy cô cứ phạt nhiều vào, tôi sẽ không trách. Thằng bé này ương bướng nên tôi mới phải gửi vào đây”, câu nói lạnh lùng đó sau này khiến chị hối hận khôn nguôi. Ánh mắt thất vọng, hụt hẫng của con - chị thấy nhưng cho qua, nghĩ rồi con sẽ thích nghi nhanh thôi.

Con chị không thích hợp môi trường mới nên học hành sút kém. Cậu bé nghĩ ba mẹ bỏ mình, thế giới chẳng còn ai hiểu mình, nên đã rơi vào trầm cảm. Ngày chị đưa con vào trường là một thanh niên mạnh khỏe, lúc đón con về là một cậu bé gầy còm, ánh mắt lơ ngơ. Có những sai lầm không thể cứu vãn khi ba mẹ không thấu hiểu con, quyết định sai con đường của con.

Đối diện với tuổi dậy thì của con chưa bao giờ dễ dàng như ba mẹ nghĩ. Những cơn sóng ngầm chực chờ đâu đó, có thể dậy sóng bất cứ lúc nào nếu ba mẹ thiếu quan tâm, thiếu tinh tế khi quan sát con, quyết định sai lầm khi định hướng tương lai, nghề nghiệp của con...

“Trao cho con quyền quyết định những việc liên quan đến cuộc đời con, nhìn con với tư cách người trưởng thành, khen ngợi những điểm mạnh, chấp nhận điểm yếu kém của con, để con tự do phát triển theo khả năng…”, câu nhắn nhủ của Tiến sĩ Huyền cảnh tỉnh các bậc phụ huynh.

Nhiều người giật mình khi bấy lâu chỉ là điểm tựa… yếu xìu của con. Những ước mơ bay cao bay xa của trẻ liệu có thành hiện thực khi thiếu đi điểm tựa vững chắc?

                                                                                                                                                                                                                                                         Yến Phượng (Q6.TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI