Điểm tựa yêu thương của phụ nữ dân tộc

30/07/2024 - 06:00

PNO - Để hỗ trợ chị em phụ nữ dân tộc làm ăn, sinh sống, từ năm 2021, Hội LHPN xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TPHCM) đã thực hiện mô hình “Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số”.

Điểm tựa tinh thần

“Hanaphi có bạn gái rồi đúng không? Bữa cô Yến thấy con mua đồ ăn cho bạn gái nữa chớ. Hết hè, mình lên cấp III, qua trường mới, còn bạn gái vẫn học trường cũ thì làm sao đây ta?” - chị Lê Thị Hồng Yến - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Phước Lộc - dò hỏi Mohamach Hanaphi.

Bị hỏi bất ngờ, Hanaphi mắc cỡ, cười tít mắt, rồi thừa nhận: “Con chưa biết. Nhưng vẫn đi chung đò được mà cô!”. Chị Yến và 3 đứa trẻ nhập cư ngồi trò chuyện ngay cửa phòng trọ hướng mặt ra sông, chân cầu Tắc Bến Rô. Gió chiều lồng lộng. Cành bần đung đưa. Chuyện học hành, sinh hoạt hằng ngày trong dịp hè của 3 đứa trẻ kéo dài cho đến khi mặt trời đỏ quạch.

Một trong các lớp học tình thương được Hội LHPN xã Phước Lộc tổ chức  để hỗ trợ trẻ em nhập cư không được đến trường
Một trong các lớp học tình thương được Hội LHPN xã Phước Lộc tổ chức để hỗ trợ trẻ em nhập cư không được đến trường

Chị Yến dặn Nurayni - em gái Hanaphi - phải ráng học để năm sau tiếp tục xin học bổng, còn Salem - em trai út - không được phép nghỉ học (chị Yến nghe phong thanh rằng Salem không chịu đi học nữa). Thấy cô Yến nhắc đến mình, Salem gãi đầu, nói: “Nhưng năm nay con vẫn không lên được lớp Bốn”.

Hanaphi, Nurayni và Salem là con chị Mary - một phụ nữ dân tộc Chăm. Chị Hồng Yến không còn xa lạ với 3 em, bởi mấy năm nay chị thường xuyên lui tới thăm nom, hỗ trợ các em.

Gia đình chị Mary đến ở xã Phước Lộc từ năm 2012, khi Salem mới 1 tuổi. Dù đã cố gắng làm rất nhiều việc để có tiền trang trải, thế nhưng cuộc sống vẫn vô cùng chật vật. Chị Mary kể: “Lúc đó, tôi làm phụ bếp cho một nhà hàng Ấn Độ. Mẹ còn khỏe nên đỡ đần tôi chăm nom 3 đứa nhỏ. Thế nhưng tiền lương hằng tháng của 2 vợ chồng cũng không đủ đâu vào đâu”.

Biết được những khó khăn của gia đình chị Mary nên hằng năm, ngoài những suất học bổng dành cho Nurayni, Hội LHPN xã còn hỗ trợ những suất học bổng khẩn cấp để Hanaphi và Salem có điều kiện đến trường. Rồi dịch COVID-19 khiến vợ chồng chị Mary mất việc, Hội LHPN xã lại hỗ trợ vật chất và kêu gọi chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà giúp giảm bớt gánh nặng cho chị.

Về làm dâu xã Phước Lộc hơn 10 năm nay, nhưng hôn nhân không hạnh phúc khiến chị Trần Thị Lê Na (dân tộc Tày, quê ở Yên Bái) chọn làm mẹ đơn thân, một mình nuôi 2 con nhỏ. Không có người thân, họ hàng bên cạnh, hằng tháng lại phải đối mặt với mọi thứ chi phí, khiến nhiều lúc chị cảm thấy kiệt sức.

Thế nhưng, khi vượt qua giai đoạn khó khăn và chứng kiến con lớn lên từng ngày, chị Lê Na cảm thấy may mắn khi được Hội LHPN xã quan tâm đặc biệt. “Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khai giảng là con tôi lại được trao học bổng, được tặng sách vở. Điểm tựa tinh thần này giúp tôi vượt qua khó khăn và tự tin hơn trong cuộc sống” - chị Lê Na nhìn nhận.

Nâng đỡ phụ nữ, trẻ em các dân tộc

Xã Phước Lộc hiện có hơn 300 hộ dân tộc thiểu số với khoảng 600 nhân khẩu là phụ nữ, sống tập trung ở ấp 1 và ấp 4. Chị Hồng Yến cho biết, trăn trở trước đời sống còn nhiều khó khăn của chị em các dân tộc, cuối năm 2021, Hội LHPN xã đã thực hiện mô hình “Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số” để góp phần chăm lo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Chị Lê Thị Hồng Yến (bìa trái) - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Phước Lộc - thăm hỏi gia đình chị Mary và chuyện học hành của 3 đứa con của chị
Chị Lê Thị Hồng Yến (bìa trái) - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Phước Lộc - thăm hỏi gia đình chị Mary và chuyện học hành của 3 đứa con của chị

Tháng 6/2022, được sự hỗ trợ từ dự án phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em của tổ chức Save the Children, Hội LHPN xã Phước Lộc đã tổ chức 3 lớp học tình thương tại ấp 2 và ấp 4, với 36 trẻ nhập cư từ 6-14 tuổi, đông nhất vẫn là trẻ em dân tộc thiểu số. Để duy trì lớp học, hội đã vận động các thầy cô giáo là người địa phương tự nguyện đứng lớp. Hiện các em đã biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính đơn giản.

Các dịp lễ tết, hội cũng vận động tổ chức các chương trình để hỗ trợ, chia sẻ với những hoàn cảnh; tổ chức sân chơi kết hợp tặng quà, trao học bổng cho trẻ em; giới thiệu việc làm cho nhiều chị em dân tộc thiểu số…

Với đặc tính dân cư trên địa bàn, “Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số” đã góp phần tích cực trong việc nâng đỡ chị em phụ nữ và trẻ em các dân tộc.

Khánh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI