Điểm tựa xây dựng tương lai

30/03/2024 - 06:27

PNO - Ở mọi quốc gia, những giá trị truyền thống, niềm tự hào về quá khứ luôn là điểm tựa để xây dựng tương lai bền vững.

Câu hò đất mẹ - vở cải lương về cuộc đời 2 nhà cách mạng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Ninh Lộc
Câu hò đất mẹ - vở cải lương về cuộc đời 2 nhà cách mạng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Ninh Lộc

Từ nhiều thập niên trước, văn học, nghệ thuật đã luôn đồng hành cùng vận mệnh của dân tộc. Từ sau khi Đảng ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học, nghệ thuật đã có sự thay đổi sâu sắc. Cách mạng Tháng Tám thành công đưa dân tộc Việt Nam từ những người nô lệ trở thành những người làm chủ vận mệnh đất nước, làm chủ chính cuộc đời mình.

Đến nay, đã gần 80 năm nhưng những vần thơ, lời ca của những tháng năm ấy vẫn khiến lòng người trào dâng niềm hạnh phúc, tự hào: “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời” (Huế Tháng Tám - Tố Hữu). “Gió vút lên/ Ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới/ Gió vút lên/ Đây bao nguồn sống mới dạt dào” (ca khúc Ba Đình nắng - nhạc: Bùi Công Kỳ, lời thơ: Vũ Hoàng Địch).

Tinh thần, cảm xúc của những người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình không chỉ là tiền đề tạo nên những tên tuổi của một thế hệ văn nghệ sĩ đầy nhiệt huyết với những nhận thức mới như các nhà thơ, nhà văn Tố Hữu, Nam Cao, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, nhạc sĩ Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, đạo diễn Thế Lữ, Đoàn Phú Thứ… mà còn là nguồn cảm hứng cho những sáng tác lạc quan trong suốt 2 cuộc kháng chiến gian khổ. Tinh thần chủ đạo ấy đã hình thành dòng văn học, nghệ thuật cách mạng hào hùng nhưng cũng đầy chất thơ.

Có lẽ không có một dân tộc nào đi vào cuộc chiến tranh sinh tử bằng tinh thần lạc quan, phơi phới niềm tin vào tương lai như dân tộc Việt Nam. Hôm nay, đọc những vần thơ “Xe không kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng…” (Tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật) hay nghe những câu hát “Ta đi trong gió ta đi trong mưa/ Từng ngày từng tháng là từng bài ca/… Từng đồi từng núi là từng bài thơ” (Trên đỉnh Trường Sơn ta hát - Huy Du)… hẳn trong mỗi chúng ta lại vang lên niềm tự hào, kiêu hãnh khi nhớ về những tháng năm đã qua. Mưa bom, lửa đạn của kẻ thù không thể khuất phục tinh thần, ý chí của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Giữa chiến tranh ác liệt, tàn khốc, hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu không chỉ đẹp như một bức tranh mà còn đầy ắp khát vọng hòa bình, thấm đẫm tính nhân văn, thẩm mỹ.
Những bộ phim về đề tài đấu tranh cách mạng dẫu được sản xuất trong điều kiện khó khăn, vẫn giành nhiều giải thưởng cao tại các liên hoan phim quốc tế, như Lũy thép Vĩnh Linh (đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Quỳnh), Cánh đồng hoang (đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Hồng Sến), Con chim vành khuyên (đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Văn Thông)… Và còn nhiều tác phẩm khác về đề tài này đã trở thành tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam.

Văn học, nghệ thuật đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước xuyên suốt nhiều thập niên, xây dựng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần lạc quan và những giá trị nhân văn trong tâm hồn nhiều thế hệ người Việt.

Ở mọi quốc gia, những giá trị truyền thống, niềm tự hào về quá khứ luôn là điểm tựa để xây dựng tương lai bền vững. Hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam hiện nay phải được xây dựng dựa trên nền tảng là những giá trị đã được vun đắp hàng ngàn năm. Đó là các phẩm chất yêu nước, dũng cảm, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, hiếu học, nghĩa tình, nhân văn, hòa hiếu… Từ những phẩm chất đã trở thành chuẩn mực ấy, mỗi người sẽ soi vào để thấy tình yêu đất nước, trách nhiệm với cộng đồng, với nhân dân, từ đó điều chỉnh nhận thức, tình cảm, hành vi của mình.

Với văn học, nghệ thuật hôm nay, bên cạnh những đề tài về công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế thì mảng đề tài lịch sử đấu tranh cách mạng tiếp tục có một vị trí quan trọng, gần gũi, thủy chung. Đây là những chiếc cầu nối, giúp chuyển tải những giá trị cốt lõi của dân tộc, bồi đắp cho đời sống văn hóa, tinh thần hôm nay, góp phần xây dựng đất nước, con người Việt Nam có bản sắc riêng đi tới tương lai.

Thay vì đổ lỗi thế hệ trẻ không quan tâm đến lịch sử, đội ngũ văn nghệ sĩ hãy tìm những phương thức sáng tạo sinh động, hấp dẫn nhất để kể những câu chuyện chân thực, lay động về lịch sử của dân tộc với giới trẻ hôm nay.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI