Điểm tựa nào cho đứa trẻ kém may?

02/03/2018 - 09:17

PNO - N. bất hạnh không chỉ vì hoàn cảnh thiếu cha vắng mẹ, mà còn bất hạnh bởi không-nhận-đủ-tình-thương từ những người sống xung quanh. Mà, với mọi đứa trẻ, còn gì quan trọng hơn tình yêu của người lớn, để sống và để được...

Không có dấu hiệu đòn roi chứng thực cho một cơ thể non nớt bị bạo hành, song hình ảnh sợi dây xích nặng nề chảy dài từ cổ xuống thân người cậu bé Lê Bá N. (13 tuổi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã chỉ ra một danh dự bị xúc phạm, quyền tự do của con người bị coi nhẹ; đặc biệt, quyền trẻ em đã bị chà đạp.

Dư luận phẫn nộ, lên tiếng, đổ trăm lời cay nghiệt lên kẻ tạo nên hình ảnh xấu: người chú của cậu bé.

Diem tua nao cho dua tre kem may?
Bé Lê Bá N. bị chú ruột dùng xích trói vì… “hư”. Hình ảnh gây xôn xao cộng đồng mạng

Thế nhưng, khi cơn phẫn nộ qua rồi, người ta lại không khỏi chạnh lòng, xót xa cho hoàn cảnh được coi là bất hạnh của N.; cũng là của những người thân thích với em: mẹ N. mất sớm, cha đi làm ăn xa. Lớn lên trong vòng tay của nội và chú, N. sinh hư, nhiều lần bỏ học, trộm tiền của nội và chú để chơi game. Mới đây, do phải đi làm ăn xa, người chú không an tâm để lại cháu cho mẹ già gần 90 tuổi trông nom nên dùng xích trói N. vào cột.

Nhìn vào hoàn cảnh ấy, không khó nhận ra nguyên cớ khiến N. sinh hư, từ đó, phần nào cảm thông cho sự bất lực của những người lớn đang ở bên, trực tiếp dạy dỗ và nuôi nấng cậu bé.

Câu chuyện của N., nếu đặt câu hỏi, “cậu bé sẽ thế nào, làm gì nếu không bị xích lại?”, không ai dám đảm bảo N. sẽ thôi đến các cửa tiệm internet để chơi game hay không tiếp tục lấy trộm tiền người thân; càng khó ai có thể đưa ra giải pháp tối ưu, giải quyết được căn nguyên để biến N. trở lại thành đứa trẻ ngoan.

Có chăng, những giải pháp cũng chỉ mang tính… tạm bợ, tình thế: đưa N. đi cai nghiện game, cho cậu bé tham gia công tác cộng đồng, cha của N. cần trở về chăm lo cho con… Sau đó là hy vọng một sự đảo chiều những thói tật của N., để em không tiếp tục trượt dài trên con đường đánh mất tương lai.

Khó ai trả lời được câu hỏi N. sinh hư từ bao giờ, nhưng không khó để xác nhận đứa trẻ ấy thiếu một điểm tựa tình thương thực sự. Trong cuộc mưu sinh của người thân, em thành người đơn độc. Trong vòng tay của những người mà cuộc bươn bả mưu sinh đã oằn nặng đôi vai, chiếm hết lo toan, em thành kẻ bơ vơ.

Steve Biddulph - tác giả nhiều đầu sách tâm lý về trẻ em - từng công bố một nghiên cứu, rằng, trong một trận dịch bệnh hoành hành trẻ em, khi rất nhiều trẻ đang chữa trị tại các bệnh viện dã chiến - nơi có tất cả các thiết bị hiện đại và được chăm sóc chu đáo - tử vong thì những đứa trẻ vẫn ở lại trong các xóm làng đã vượt qua bệnh tật một cách thần kỳ.

Nguyên nhân rất đơn giản: trẻ em ở các bệnh viện dã chiến thiếu vắng cảm giác đón nhận được tình thương ấm áp và một mối quan hệ có tác dụng khích lệ - tức sự tiếp xúc, gần gũi, thân mật với một hoặc nhiều người cụ thể có khả năng trò chuyện, động viên thường xuyên. Điều này ngược với số trẻ vẫn ở lại xóm làng khi quanh chúng có những người bạn thực sự.

Một nghiên cứu khác kéo dài bốn thập niên của nhà tâm lý Emmy Werner, sau khi bà theo dõi đời sống của gần 700 trẻ em, trong đó có hơn 200 trẻ sinh thành trong nghịch cảnh, có gia đình bất hạnh (bị cha mẹ bỏ rơi, có người thân nghiện rượu…). Kết quả cho thấy: 2/3 trong số hơn 200 trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh, khi lớn lên, gặp phải nhiều vấn đề, dẫn đến “bị” xếp vào nhóm trẻ hư; 1/3 còn lại đã phát triển thành những người trưởng thành tài năng, tự tin và sống biết quan tâm đến người khác.

Diem tua nao cho dua tre kem may?
Ảnh minh họa

Emmy Werner chỉ ra nguyên nhân thành công ở nhóm 1/3 này chính là nhờ có mối quan hệ thân gần, bền chặt với một người chăm sóc, không hẳn là cha mẹ, ông bà mà bao gồm thầy, cô giáo hoặc bất kể một người quen nào có khả năng hỗ trợ, khuyến khích, định hướng tương lai.

Sau cùng, dạy dỗ một đứa-trẻ-hư, nghe thật trớ trêu, lại là đừng để chúng sinh hư, tiếp tục hư, bằng cách cho chúng một điểm tựa, bất kể cảnh huống xuất thân, hoàn cảnh gia đình nào. Đó là điểm tựa của tình thương, sự quan tâm đến từ một mối quan hệ gần gũi có khả năng khích lệ, chữa lành những tổn thương. 

Nuôi dạy một đứa trẻ nên người chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Điều đó càng trở thành áp lực và thách thức mạnh mẽ đối với một đứa-trẻ-hư. Chỉ có ở trong hoàn cảnh tồi tệ, người ta mới ý thức rõ ràng sự loay hoay, bất lực của mình, hòng ứng phó hoặc vùng thoát khỏi nó. Nhưng, suy cho cùng, cũng không thể viện hoàn cảnh để đổ lỗi, ngụy biện cho mọi hành vi, phương cách đối xử với người khác và đối phó với hoàn cảnh bằng cách đi ngược với tiến bộ xã hội.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI