PNO - PN - Những ngày này, lòng bà mẹ ấy cứ cồn cào. Nơi đầu sóng của Biển Đông, cậu con trai thương yêu của bà, Thượng úy Hoàng Mạnh Thắng, đang sát cánh cùng đồng đội bảo vệ Tổ quốc. Bà nhắn với những người ra biển, nói giùm...
edf40wrjww2tblPage:Content
Vợ chồng Hoàng Mạnh Thắng - Đoàn Thị Thanh
BƯỚC CHÂN HAI THẾ HỆ
Bà mẹ ấy là bà Nguyễn Thị Hán, sinh 1952 ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 18 tuổi, bà viết đơn tòng quân, trở thành bộ đội của đường Trường Sơn anh hùng. Năm đó, ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, cùng tỉnh Nghệ An, chàng trai cùng tuổi với bà là Hoàng Văn Hào cũng xung phong sang nước bạn Lào tham gia kháng chiến. Hai năm sau, đơn vị bộ đội ở Lào bị Mỹ tập kích, ông Hào là một trong những thương binh nặng nhất, được cáng về. Ngày đất nước thống nhất, cô Hán năm xưa được đơn vị cho đi học, về làm y tá ở Trại điều dưỡng thương binh Nghệ An, nơi ông Hào cũng vừa được chuyển đến điều trị. Nhìn “lý lịch” thương tích của ông Hào, ai cũng nghĩ ông không thể sống nổi. Nhưng, cuối cùng ông đã tỉnh lại. Rồi ông nhờ cô y tá trẻ giúp mình đọc sách, mở đài nghe tin tức, tập vận động tay chân. Nghị lực và tinh thần ham sống, ham học hỏi của người thương binh truyền cho Hán một cảm xúc khó tả. Bà nhận lời yêu ông. Năm 1977, một năm sau ngày họ gặp gỡ, ông Hào được xuất viện, hai người thành vợ chồng.
Trở về quê ông, bà Hán vừa tảo tần làm vợ, làm dâu, làm mẹ, vừa tiếp tục làm y tá riêng cho chồng. Bốn người con lần lượt ra đời, gánh cơm áo nặng thêm nhưng hạnh phúc cũng tràn ngập. Biết bố bệnh tật, các con lớn lên thay nhau làm việc nhà giúp mẹ yên tâm kiếm tiền. Mùa đồng áng, năm mẹ con chạy dưới đồng, bố Hào cũng theo “ủng hộ tinh thần” trên bờ đê. Rồi Huyền, Lệ trở thành cô giáo, Mai theo chồng vào Bình Dương. Riêng Thắng ôm giấc mộng thành kỹ sư, nhưng lần thi đại học năm ấy, Thắng chỉ đủ điểm vào cao đẳng. Sợ con trai buồn, ông Hào gọi con đến tâm sự: “Bố vẫn muốn con theo bước chân bố mẹ”. Ông Hào thay con viết đơn xin vào Học viện Hải quân. Giải thích với cả nhà lý do vì sao đưa Thắng ra hải đảo, ông Hào nói: “Đất nước thống nhất rồi, làm lính thật sự bây giờ chỉ có hai nơi: biên cương và hải đảo. Bố mong Thắng hãy sẵn sàng”. Bà Hán lau nước mắt, tiễn con trai ra đi với niềm tin mãnh liệt: con sẽ trưởng thành!
Vợ chồng thượng uý Hoàng Mạnh Thắng trong ngày cưới
Thắng trưởng thành thật sự. Từ Học viện Hải quân, Thắng được chọn đưa ra Đà Nẵng tham gia khóa huấn luyện cảnh sát biển đầu tiên của Việt Nam. Gọi về cho mẹ, Thắng nói như reo: “Mẹ ơi, hôm nay con bắt đầu tuần tra biển”.
CƯỚI NHAU XONG, LÀ ĐI
Ông Hào tỉ tê với vợ: “Xưa mình đi chiến đấu trong thời chiến, phải xa gia đình, không dám có… “hậu phương” đã đành; giờ con làm lính thời bình, để vậy nó thiệt thòi quá”. Nghe lời chồng, bà Hán đi tìm “hậu phương” cho Thắng.
Bà kể: “Tôi nhìn quanh khắp làng chẳng tìm thấy ai. Tâm sự với người bạn láng giềng thân thiết, ngờ đâu cô ấy cũng đang lo vì con gái, nghe đâu nhỏ hơn Thắng nhà tôi năm tuổi, vào Đà Nẵng học rồi làm luôn trong ấy không chịu lấy chồng”. Mùa xuân năm đó, nhân dịp Thắng được về phép (ba năm Thắng mới được nghỉ phép đón xuân) ông bà Hào sắp đặt cho Thắng gặp Đoàn Thị Thanh, cô nhân viên ngân hàng SHB Đà Nẵng, con gái nhà hàng xóm…
Trở về biển, Thắng như có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Nhắn tin thăm hỏi, động viên nhau một năm rưỡi, Thắng không thể làm chàng lính cô đơn lâu hơn nữa. Khi sắp phải tuần tra trên biển dài ngày, anh nắm ngay “cơ hội” để cầu hôn. Thanh nhận lời chàng lính biển, Thắng gọi báo ngay cho bố mẹ xin cưới.
Gia đình sum họp
Cưới tháng 11/2013, ngay sau đó, Thắng phải lênh đênh trên biển làm nhiệm vụ, dù là những đợt tuần tra ngắn ngày, nhưng cũng đủ để Thanh tập sự làm vợ cảnh sát biển. Thanh kể: “Anh ấy mong có con để được lên chức bố lắm. Hết một tháng đầu, chẳng thấy vợ báo tin vui, anh ấy sôi cả lên”. Ngờ đâu, khi chồng ra biển rồi, Thanh mới biết mình đã đậu thai. Con đầu lòng hành Thanh tái xanh tái xám, nhưng mỗi lần chồng gọi về, Thanh vẫn khoe: “Em khỏe lắm!”. Nhiệm vụ chiến đấu căng thẳng, nhưng Thắng vẫn nhớ trách nhiệm làm cha. Từ biển xa, những lúc rảnh rỗi, anh lên mạng tìm tài liệu về việc chăm sóc thai kỳ đưa lên Facebook nhắn Thanh cùng xem. Thanh tâm sự: “Anh ấy trông cứng cỏi đến cộc cằn, nhưng cũng biết động viên vợ nhiều lắm. Đọc những lời nhắn hết sức dễ thương của chàng thuyền phó tàu CSB 4033, nhiều lúc rưng rưng”.
Đất nước bình yên nhưng Thanh vẫn phải sống cảnh của những người vợ thời chiến. Thắng ra biển đã đành, những ngày anh về bờ lại ngay dịp phải “cắm trại” trong căn cứ ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nên vợ chồng nào được gặp nhau.
Căn hộ chung cư Thanh thuê trên đường Khúc Hạo, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng nhỏ bé, nhưng những ngày hay tin tàu CSB 4033 của chồng bị tấn công, căn nhà ấy bỗng trở nên quá rộng với Thanh. Không liên lạc được với chồng, nỗi lo càng lớn thêm, làm chị bồn chồn suốt mấy đêm. Nhưng, Thanh tự trấn an mình, gọi điện về cho bố mẹ chồng ở quê: “Bố mẹ ơi, con vẫn bình yên. Con nghĩ nhà con vẫn an toàn đấy ạ!”. Người mẹ ở đầu dây bên kia nghẹn lời: “Tội nghiệp con dâu của tôi, vừa phải sống xa nhà, vừa phải xa chồng mà còn gắng động viên bố mẹ...”.