Điểm tựa của học trò sau bão, lũ

23/09/2024 - 06:52

PNO - Bão số 3 (Yagi) đã để lại biết bao khó khăn chồng chất. Đường đến trường của học trò vốn đã xa nay lại càng thêm cách trở. Trường, nhà các thầy cô cũng như nhà các em học sinh đều chịu nhiều hư hại. Song, các thầy cô đã gác lại những ngổn ngang trong đời sống riêng để làm điểm tựa cho trò, giúp các em thêm vững vàng vượt qua đoạn đường đầy gian khó.

Đi bộ 5km cõng lương thực cho học trò

Sạt lở kinh hoàng xảy ra ở xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai hôm 9/9 làm các tuyến đường bị tê liệt. Ngày 15/9, các thầy cô mầm non A Lù và Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học và THCS A Lù phải gửi xe máy ở nhà dân, đi bộ vào trường để hôm sau đón học sinh trở lại lớp.

Hôm ấy, xe hàng cứu trợ cũng phải dừng lại, không thể vào A Lù. Thầy cô đã xách, cõng, gùi hàng cứu trợ, đi bộ 5km trên những đoạn đường sạt lở cheo leo để đem về trường cho học trò.

Trường PTDTBT tiểu học và THCS A Lù có 480 học sinh. Từ hôm các em trở lại trường, thầy cô phải mua lương thực, thực phẩm trong dân để duy trì bữa ăn bán trú. Nhưng, nguồn cung trong dân có hạn, đường vào trung tâm xã A Lù và trường học vẫn còn ách tắc, chưa biết đến bao giờ hàng hóa mới có thể lưu thông. Nên các đoàn thiện nguyện lên hỗ trợ dừng ở đâu là các thầy lại thay nhau vượt những con đường sạt lở để đến đó nhận đồ cứu trợ cho học trò.

Thầy cô giáo  Trường phổ thông dân tộc bán trú  tiểu học Bản Khoang đón học sinh từ điểm trường lẻ, vượt đường dốc sạt lở về điểm trường chính  - ẢNH: L.H.
Thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Khoang đón học sinh từ điểm trường lẻ, vượt đường dốc sạt lở về điểm trường chính - ẢNH: L.H.

Hôm 18/9, đoàn thiện nguyện đưa gạo và nhu yếu phẩm lên cho học sinh phải dừng lại ở thôn Phìn Chải 2. Trời mưa, bùn đất vừa mới se bề mặt lại nhão nhoẹt, Hiệu trưởng nhà trường Vũ Văn Minh vẫn cùng 11 thầy giáo lên đường. Vác bao gạo 30kg trên vai, thầy Nguyễn Văn Cường phải dò dẫm từng bước chân trên con đường mòn, sạt lở trơn trượt. Đưa được hết gạo, đồ cứu trợ về đến trường, thầy Cường, thầy Minh… gần như đã không còn chút sức lực nào.

Thế nhưng ngày 20/9, nhận được thông tin có đoàn thiện nguyện lên hỗ trợ, thầy Minh liền cùng 12 giáo viên lại lập tức lên đường đến thôn Séo Phìn Chư để lấy gạo, mắm, sữa… về cho học sinh. Hôm ấy, vừa vác đồ đi bộ vừa được xe máy hỗ trợ, các thầy cô mang về được cho các em khoảng 3 tạ hàng hóa. Không kịp nghỉ ngơi, 20g30 cùng ngày, thầy cô lại phân công nhau đến thôn Khoa Sán Chải cõng, chở hàng hóa cứu trợ, vượt đêm tối và đường núi đồi sạt lở về trường.

Cô giáo Phương Thúy chia sẻ: “Thầy hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cùng các thầy cô phải đi bộ 5km - đường vòng sang Ngải Thầu - gần Y Tý để lấy gạo, mì tôm, sữa, thuốc… của đoàn thiện nguyện gửi cho học sinh. Chân tay ai cũng trầy xước. Có thầy vì bê đồ nặng, quá mệt mà suýt lăn xuống vực.

Những lúc này, các thầy cô chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng. Bởi con đường lúc này không chỉ là con đường mang cái chữ, đó còn là con đường giúp đảm bảo đời sống cho các em sau thảm họa thiên tai”.

Tất cả vì học sinh

Xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Đường đến điểm chính và 1 điểm lẻ của Trường PTDTBT tiểu học Bản Khoang vẫn bị chia cắt. Những ngày trước, các thầy cô đã tạm gác nhiều ảnh hưởng, thiệt hại riêng để bám trường, bám lớp dọn lũ.

Trước ngày trở lại trường (16/9), các thầy cô không liên lạc được với gia đình nhiều học sinh. Không để các em chậm ngày đến lớp, các thầy cô đã phân công nhau lội bùn đến nhà từng học sinh, đón các em về trường. Trước tình trạng đường sá kém an toàn, trường đã phối hợp với cán bộ thôn bản và thống nhất với phụ huynh sẽ đưa học sinh bán trú từ điểm lẻ Kim Ngan, Xà Chải về điểm chính.

Các thầy cô đi bộ 5km từ điểm chính đến 2 điểm lẻ, rồi lại dẫn học sinh đi bộ 5km đường đất lở, vỡ về điểm chính. Nhiều em lớp Một, Hai bé xíu, các thầy cô phải cõng, bế qua các điểm sạt lở. Bọn trẻ cũng không đủ sức để đi một mạch trên con đường khó. Trong lúc dừng nghỉ, thầy cô lại tiếp sữa, bánh để các em tiếp tục hành trình.

Nhìn thầy trò dắt díu nhau trên dốc đường sạt lở, chúng tôi lại nhớ lời động viên, cũng là quyết tâm của ngành giáo dục Lào Cai: “Các thầy cô giáo và các em cố gắng thật nhiều nhé! Chuyến đò năm học này của ngành giáo dục Lào Cai sẽ chở nặng tình thương hơn rất nhiều!”.

Thầy cô trên cả nước cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho các em học sinh vùng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Thầy Phạm Tiến Dũng (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) - từng có mấy năm công tác ở Trường tiểu học - THCS Việt Tiến (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) - biết tin học sinh của trường mất hết sách vở, đồ dùng học tập… nên đã tìm các nguồn vận động, hỗ trợ giúp học trò trường cũ. Chiều 21/9, thầy lên đường với gần 2.000 vở viết, 16 bao sách giáo khoa, xoong, nồi, chén, dĩa… Sáng 22/9, thầy có mặt ở trường để trao tặng các em.

Trong trận sạt lở ở xã A Lù, anh em Thào A Nhe, Thào Thị Dè đã mất cả cha và mẹ. Hôm ấy, Nhe đang ở tỉnh Hải Dương làm công nhân và Dè đang ở Trường THPT số 2 huyện Bát Xát. Biết tin dữ, các thầy cô trong trường đã động viên, giữ Dè ở lại ký túc xá chứ không để em về A Lù trong khi đang mưa gió, sạt lở tan hoang. Chỉ đến khi anh trai Nhe đến đón, thầy cô mới để Dè về.

Từ hôm cha mẹ mất, cô giáo chủ nhiệm Đỗ Thị Hồng Nhung luôn động viên em vượt qua khó khăn cùng sự hỗ trợ của thầy cô và nhà trường. Để bù đắp những mất mát và giúp em đứng lên sau thảm họa, Trường đại học Điện lực đã nhận nuôi Dè ăn học cho đến khi tốt nghiệp THPT. Sau đó, trường sẽ tạo điều kiện xét tuyển và có chính sách phù hợp để em tiếp tục học đại học.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và Trường Marie Curie (TP Hà Nội) đã triển khai “Dự án nuôi trẻ em và học sinh Làng Nủ sau lũ quét”. Dự án sẽ nuôi tất cả trẻ em, học sinh may mắn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Các em sẽ được cấp 3 triệu đồng/tháng để ăn học từ nay cho đến năm 18 tuổi. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cũng đã nhận Nguyễn Văn Hành - học sinh lớp Mười hai trở nên côi cút sau thảm họa - làm “cháu nội”, động viên Hành theo học hết bậc THPT…

Có những thiệt hại không thể nào đong đếm được

Sau cơn bão số 3, thiệt hại của ngành giáo dục là rất lớn, về trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; cùng những thiệt hại không thể nào đong đếm được, là những tính mạng của giáo viên và học sinh, là sang chấn tâm lý của học sinh. Việc giáo viên thiệt hại về nhà cửa, đồng thời với thiệt hại ở trường đã khiến các thầy cô hoảng sợ, lo lắng, cảm thấy mất cân bằng trong cuộc sống. Rồi những thiệt hại khi việc dạy và học bị gián đoạn.

Quá trình nối lại hoạt động sau bão lũ, thiên tai cũng rất khó khăn. Ngay sau khi bão đổ bộ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định thành lập tổ công tác cứu trợ bão, lũ ở các trường học, ngành giáo dục của các tỉnh bị ảnh hưởng. Hiện, tổ công tác đang chỉ đạo các sở GD-ĐT tiếp tục dùng nguồn lực được hỗ trợ đó để hỗ trợ giáo viên có phương tiện đến trường, có phương tiện liên lạc, có đủ các thiết bị, đồ dùng cũng như các vật dụng đời sống thường ngày.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI