Điểm tựa cho những mầm non đặc biệt

04/12/2024 - 06:16

PNO - Giữa lòng TP Nha Trang sôi động, một ngôi trường đặc biệt ẩn mình tại số 7 Tản Viên, phường Phước Hòa. Đó là Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa, nơi mà các giáo viên không chỉ dạy học mà còn gieo hy vọng, khơi dậy niềm tin cho những mảnh đời kém may mắn.

Hơn 2 thập niên gắn bó và cống hiến

Trong khung cảnh bình yên của buổi sáng, chúng tôi tìm đến lớp học khuyết tật trí tuệ của cô Nguyễn Thị Hằng (47 tuổi). Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô không chỉ là một người thầy, mà còn như người mẹ thứ hai của biết bao thế hệ tại trung tâm. Với nụ cười hiền từ và ánh mắt cảm thông, cô Hằng là hình ảnh đại diện cho sự kiên trì, nhẫn nại trong công việc tưởng chừng như không thể làm được.

Có lẽ, cô chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ gắn liền với công việc dạy học ở một trung tâm dành cho trẻ em khuyết tật. Nhưng như định mệnh, cuối năm 2001 cô đã bước vào nơi này và gắn bó với học sinh đặc biệt từ đó. “Lúc mới vào nghề, tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ việc thấu hiểu tâm lý các em cho đến việc áp dụng phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả” - cô Hằng nói.

Cô Nguyễn Thị Hằng (bên phải) tận tình hướng dẫn học trò thực hiện bài tập tô màu
Cô Nguyễn Thị Hằng (bên phải) tận tình hướng dẫn học trò thực hiện bài tập tô màu

Trong lớp của cô, không chỉ các em nhỏ mà còn có cả những người trưởng thành. Một trong những học sinh đặc biệt ấy là chị T.T.P., đã 43 tuổi nhưng suy nghĩ như một đứa trẻ. Với chị P., cô Hằng không chỉ dạy viết, đọc, tính toán mà còn giúp chị học cách hòa nhập với cộng đồng. “P. có một trái tim rất nhạy cảm, đôi khi chỉ một lời nói vô tình đã khiến em buồn bã. Vì vậy, trong suốt quá trình dạy, tôi luôn chú ý đến cảm xúc của em, dùng lời nhẹ nhàng, kiên nhẫn để động viên” - cô Hằng tâm sự.

Không chỉ với chị P., mà với tất cả học sinh trong lớp, cô Hằng luôn chú trọng đến việc phát triển từng kỹ năng nhỏ nhất cho các em. Cô dạy các em từ cách cầm bút, cách nói chuyện lịch sự cho đến việc tự chăm sóc bản thân. Đối với các em khuyết tật trí tuệ, những việc ấy là cả một hành trình gian khó.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô Hằng đã chứng kiến không ít sự thay đổi trong cuộc đời của những học trò đặc biệt. Mỗi ngày trôi qua, những nỗ lực của cô không chỉ giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng sống mà còn mở ra cho các em một cánh cửa hy vọng mới.

Lắng nghe tiếng nói từ trái tim

Ở một góc nhỏ khác của trung tâm, khi chúng tôi bước vào lớp học của thầy Nguyễn Văn Quang (34 tuổi), điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là sự im lặng đến lạ thường. Nhưng giữa bầu không khí tĩnh mịch ấy, ánh mắt của các em và ngôn ngữ ký hiệu vẫn sống động.

Thầy Quang đã gắn bó với công việc này từ khi mới ra trường và không ngừng học hỏi để thấu hiểu cách mà những đứa trẻ khiếm thính cảm nhận thế giới xung quanh. “Các em không nghe, không nói được nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không hiểu hoặc không cảm nhận được yêu thương” - thầy Quang chia sẻ.

Thầy nhớ lại những ngày đầu bước vào lớp khiếm thính, khi đối mặt với ánh mắt ngơ ngác của các em nhỏ và không ít hoài nghi từ chính bản thân: “Tôi không nghĩ mình có thể làm được lâu dài”. Nhưng từng ngày trôi qua, khi chứng kiến những bước tiến nhỏ bé của học trò, thầy nhận ra niềm đam mê và sứ mệnh của mình trong việc giúp các em mở ra một cánh cửa mới của tri thức.

Thầy Nguyễn Văn Quang sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong giờ học để dạy các học sinh khiếm thính
Thầy Nguyễn Văn Quang sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong giờ học để dạy các học sinh khiếm thính

Qua 11 năm, không ít học sinh trưởng thành từ lớp học của thầy. Những em từng không thể diễn đạt được cảm xúc, không thể giao tiếp với người khác, nay có thể hòa nhập tốt hơn với xã hội. Thầy Quang không chỉ dạy các em “nghe” bằng mắt và “nói” bằng tay, mà còn dạy các em biết tự tin vào bản thân.

Chúng tôi nhờ thầy dùng ký hiệu để giao tiếp với các em. Khi được hỏi cảm nhận về thầy của mình, các em nhận xét: “Thầy là người vui vẻ, mạnh mẽ, yêu thương và vất vả chăm lo cho chúng con. Thầy dạy ký hiệu rất tốt, giúp chúng con có thể hòa nhập được với cộng đồng”.

Có những giấc mơ đang được chắp cánh trong lớp học nhỏ ấy, em Vương Viết Trí (13 tuổi) tâm sự: “Em muốn sau này lớn lên sẽ làm chú bộ đội, em rất yêu đất nước và muốn bảo vệ Tổ quốc”. Còn em Nguyễn Thanh Hoài Ân (13 tuổi): “Ước mơ của em là làm thợ cắt tóc. Em muốn tự tay làm đẹp cho mọi người”. Lắng nghe những ước mơ của các em qua lời của thầy, chúng tôi càng thêm hy vọng những giấc mơ đó sẽ được vun đắp và ngày càng bay xa.

Những năm tháng làm việc tại trung tâm, không ít lần thầy Quang phải đối diện với sự bất lực, khi không thể giúp học sinh tiến bộ như mong đợi. Nhưng chính những tình cảm từ gia đình, sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và lòng yêu nghề đã giúp thầy vượt qua. “Chỉ cần nhìn thấy nụ cười của các em, tôi lại có thêm động lực” - thầy chia sẻ.

Nhìn lại 11 năm đã qua, thầy Quang không nhớ hết bao đêm thức trắng soạn giáo án, bao lần cùng học sinh thực hiện những bài tập không lời. Điều thầy nhớ nhất là niềm hạnh phúc giản dị mỗi khi thấy học trò của mình có thể giao tiếp, có thể hòa nhập và mỉm cười tự tin. Phía sau những nỗ lực thầm lặng ấy là sự cống hiến không chỉ dành riêng cho nghề mà còn dành riêng cho các em học sinh thiệt thòi mà đôi khi xã hội dễ dàng bỏ quên.

Ánh sáng cuối hành trình

Cũng như cô Hằng, thầy Quang, công việc hằng ngày của các thầy cô ở trung tâm không chỉ dừng ở việc truyền thụ kiến thức mà còn là sự hy sinh về thời gian, sức lực và cả tinh thần.

Hằng ngày, họ phải đối mặt với những câu hỏi đầy thử thách: Làm sao để học trò hiểu bài? Làm sao để chúng hòa nhập? Những nỗi lo thường trực ấy không phải ai cũng thấu hiểu, nhưng sau tất cả, niềm vui lớn nhất của họ chính là khi nhìn thấy sự tiến bộ dù chỉ là nhỏ nhất của các em. Khoảnh khắc mà những đứa trẻ không nói được bỗng phát ra âm thanh đầu tiên, hay khi học sinh biết tự cầm bút, đều là những điều quý giá.

Những khoảnh khắc bình yên của buổi sáng giúp chúng tôi cảm nhận rõ sức mạnh của lòng nhân ái. Trái tim của những người thầy, người cô đã và đang thắp lên ngọn lửa đặc biệt, để rồi một ngày nào đó các em sẽ tự tin bước ra cuộc sống, mang theo trong mình ánh sáng của tình yêu thương và lòng tin về một tương lai tốt đẹp.

Năm học 2024-2025, Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 150 học sinh khuyết tật. Trước đó, năm học 2023-2024, trung tâm có 147 học sinh, trong đó có 110 học sinh khuyết tật trí tuệ, còn lại là học sinh khuyết tật nghe nói. Kết thúc năm học, 100% các em bậc tiểu học hoàn thành các môn học. Khối mầm non đa số phát triển tốt về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ và thẩm mỹ, tình cảm xã hội... Ngoài ra, trung tâm còn tiếp nhận tư vấn, can thiệp sớm cho gần 90 trẻ dưới 6 tuổi có rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, rối loạn giao tiếp, ngôn ngữ...

Trần Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI