Điểm thi thấp, tốt nghiệp 97,57%: Ai thật, ai ảo?

13/07/2018 - 06:26

PNO - Kết quả thi THPT quốc gia rất thấp nhưng kết quả đỗ tốt nghiệp lại cao chót vót. Chuyện tưởng như đùa này lại là sự thật.

Phần lớn bài thi dưới trung bình

Bức tranh tổng thể kết quả thi THPT quốc gia năm nay khiến xã hội giật mình với số thí sinh có điểm dưới trung bình cao kỷ lục. Ở môn vật lý có 389.220 thí sinh dự thi thì có đến 188.375 em bị điểm dưới trung bình (chiếm 48.4%), trong đó có 637 thí sinh từ 1 điểm trở xuống. Đến môn hóa học, trong số 393.226 thí sinh dự thi có đến 198.981 em dưới 5 điểm (chiếm 50,60%), trong đó 815 thí sinh bị điểm liệt. Môn toán có 454.345 thí sinh làm bài dưới 5 điểm, trong đó có 1.558 em bị 1 điểm trở xuống. 

Diem thi thap, tot nghiep 97,57%: Ai that, ai ao?
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh:P. Huy

Tương tự, số thí sinh dưới trung bình ở môn sinh học là 244.671, chiếm 63,43% thí sinh dự thi, trong đó có 462 thí sinh có điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1. Sốc hơn, phải kể đến môn ngoại ngữ với 637.335 thí sinh có điểm thi dưới trung bình (chiếm 78,22%), trong đó có 2.189 em bị điểm dưới 1. Nhưng phổ điểm dưới trung bình của môn ngoại ngữ “không xi nhê” gì khi so với môn lịch sử,  83,24% thí sinh điểm dưới trung bình và hơn 1.200 em bị điểm liệt. 

Kết quả ở các môn địa lý và ngữ văn khả quan hơn, nhưng số bài thi dưới trung bình cũng chiếm 31,64-32,30% mỗi môn. 

Kết quả trên cho thấy, ở môn thi nào cũng có hàng trăm ngàn thí sinh dưới trung bình, bị điểm liệt hoặc bị điểm 0. Những môn sử, ngoại ngữ, sinh, hóa thậm chí còn quá nửa thí sinh dưới 5 điểm. Những con số ấy khiến những người quan tâm đến giáo dục đặt câu hỏi: nếu điểm thi phản ánh đúng chất lượng thì kết quả ở trường phổ thông là ảo? 

Trong khi những câu hỏi đó còn chưa lời đáp thì mới đây Bộ GD-ĐT đưa ra đánh giá chắc nịch: kết quả cho thấy, các đề thi có tính phân loại và độ phân hóa rõ ràng, đánh giá được năng lực của thí sinh, đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra của kỳ thi. Nói như bộ thì kết quả điểm học bạ ở trường phổ thông rất đáng ngờ. Bởi, để trở thành thí sinh tham gia kỳ thi này, học sinh phải có kết quả học tập lớp 12 đạt từ trung bình trở lên. Vậy thì lý do gì khiến hàng trăm ngàn học sinh trung bình, khá, giỏi lại có kết quả thi tệ như trên? 

Tỷ lệ tốt nghiệp vẫn cứ trăm phần trăm

Giới làm giáo dục vẫn bàn ra tán vào chuyện điểm thật, điểm ảo ở trường phổ thông. Có rất nhiều “chiêu” để hô biến kết quả học tập của học trò. “Lơ” bớt môn phụ, tập trung đẩy điểm các môn thi. Hoặc giáo viên cho điểm nới tay, hạnh kiểm đánh giá xong vẫn có thể xếp lại… “Các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên nâng điểm để học sinh đủ điểm đậu tốt nghiệp. Ngoài ra, các trường phổ thông cho điểm học bạ thật cao còn là cách giúp học trò xét tuyển vào các trường đại học tư thục. Nhiều em trúng tuyển, thậm chí trúng luôn 50% học bổng vì điểm học bạ đến 7,0-8,0, nhưng khi vào học thì mới hỡi ôi”, chuyên viên phòng đào tạo một trường đại học tư thục nhận xét.

Những nghi ngờ này càng rõ ràng hơn khi tỷ lệ tốt nghiệp cả nước xấp xỉ 100% dù kết quả thi thảm hại. Bộ GD-ĐT vừa công bố: tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 97,57% (hệ THPT đạt 98,36 % và GDTX đạt 88,37%). Các tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp cao trên 99% gồm Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Bắc Ninh... Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 98%. Một số địa phương có điều kiện dạy và học còn khó khăn như Cao Bằng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi cũng đạt tỷ lệ trên 92%. Một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn như Hà Giang cũng có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 89,35%.

Điểm xét tốt nghiệp THPT là điểm trung bình giữa điểm thi THPT quốc gia cộng điểm lớp 12. Cho nên, điểm thi tệ hại nhưng tỷ lệ tốt nghiệp vẫn đẹp như mơ! 

Các chuyên gia giáo dục khẳng định: lấy kết quả phổ thông để xét tuyển đại học khó có kết quả chính xác. Chính vì vậy, rất hiếm trường đại học có sức cạnh tranh cao chịu tuyển sinh chỉ bằng học bạ. Họ không tin vào học bạ. Xét tuyển bằng học bạ gần như là “chiếc phao” để các trường đại học cứu lấy chỉ tiêu tuyển sinh. Thậm chí, mùa tuyển sinh năm nay, các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM còn tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực riêng để tuyển người phù hợp với tiêu chí đào tạo.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường đại học Công nghệ Thực phẩm TP.HCM, lăn tăn: “Với kết quả trung bình thì tôi không hoàn toàn chắc chắn, nhưng với các em có kết quả loại khá, giỏi thì năng lực vẫn ổn hơn. Nếu có xét tuyển bằng học bạ thì không chỉ lấy kết quả của lớp 12 vì không đủ đánh giá cả quá trình, mà phải xét từ lớp 10, 11, 12 để có kết quả khách quan và thực chất hơn”.

Nhiều giáo viên ở trường phổ thông “đổ thừa” ngược lại: kỳ thi xa rời với cách dạy và học ở trường phổ thông, nhất là đề thi năm nay được đánh giá là… lệch chuẩn. Một kỳ thi thực hiện hai mục tiêu bằng một thước đo chung chắc chắn không ổn. Gom kỳ thi hai trong một có ưu thế giảm chi phí và áp lực xã hội, nhưng giảm chi phí có ý nghĩa gì khi nó không thực hiện hiệu quả nhất vai trò của mình. Những giáo viên này dự đoán thước đo của kỳ thi - đề thi năm sau chắc chắn sẽ lại dễ hơn năm nay bởi cách ra đề lâu nay nặng tính “mùa vụ” hơn là chuẩn khoa học. 

Các trường đại học có thể tin hoặc không tin ở kết quả trường phổ thông, nhưng các nhà giáo dục sẽ trả lời như thế nào cho niềm tin từ xã hội? Giáo dục phải là kết quả thực chất nhưng kết quả của chúng ta đang “đá” nhau chan chát. Rốt cuộc thì kết quả nào là chân thật? Hơn nữa, tỷ lệ tốt nghiệp gần như miễn nhiễm, không bị ảnh hưởng hay thay đổi bởi kết quả thi quốc gia. Vậy thật sự có cần tồn tại kỳ thi này hay không? 

 Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI