Đã có bài thi văn đạt 9,75 điểm
Đây là năm đầu tiên, địa phương - cụ thể là sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) - chịu trách nhiệm chấm toàn bộ bài thi tự luận lẫn trắc nghiệm. Một số địa phương cho biết, tiến độ chấm thi không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Một số địa phương dự kiến hoàn tất chấm thi trước 20/8.
|
Đề thi tốt nghiệp THPT “dễ thở”, dự báo điểm chuẩn xét vào đại học sẽ tăng - Ảnh: Tam Nguyên |
Chiều 18/8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay đã chấm gần hết bài thi tự luận, dự kiến sẽ hoàn tất trong sáng mai (19/8). Hoàn tất khâu chấm sẽ kiểm dò, đối sánh, lên điểm vào phần mềm và báo cáo về Bộ GD-ĐT để công bố chung trên cả nước, dự kiến vào ngày 27/8. Riêng các bài thi trắc nghiệm đã được quét dữ liệu gửi về bộ, xử lý các lỗi kỹ thuật. Sau khi bộ cài đặt đáp án xong sẽ tiến hành chấm.
Được biết, các giám khảo làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật để đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác chấm thi. Theo một số giáo viên tham gia chấm thi tại TP.HCM, do đề thi tương đối dễ thở nên bài làm rất nhiều thí sinh trên trung bình và khá.
Sở GD-ĐT Nghệ An cũng dự kiến hoàn thành chấm thi vào ngày 19/8. Còn Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế đã quét xong dữ liệu các bài thi trắc nghiệm và gửi về Bộ GD-ĐT. Bộ phận trắc nghiệm đang chờ file đáp án từ bộ để tiến hành chấm. Sau ba ngày chấm thi môn văn, không ngoài xu hướng chung, mặt bằng điểm thi khá khả quan. Ở ngày đầu, hội đồng chọn ngẫu nhiên một số bài thi để chấm mẫu. Nhiều giám khảo cùng chấm để thống nhất cách thức, biểu điểm, đáp án. Trong số đó, có một bài đạt 9,75 điểm, còn lại là bài đạt khá, trung bình…
Theo Hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020 của Bộ GD-ĐT, sau khi công bố điểm thi, thí sinh có nguyện vọng phúc khảo nộp đơn tại nơi đăng ký xét tuyển, từ ngày 27/8. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được các sở GD-ĐT thực hiện và hoàn thành chậm nhất vào ngày 30/8. Chậm nhất ngày 4/9, thí sinh được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, học bạ và các loại giấy chứng nhận khác.
Điểm sàn, điểm chuẩn sẽ tăng mạnh?
Tình hình chung, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay được đánh giá “dễ thở” so với những năm trước, cộng với chỉ tiêu của phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 bị hạn chế vì phần lớn chỉ tiêu đã được xét bằng học bạ, ưu tiên xét tuyển thẳng cho học sinh đạt giải quốc gia, đạt giải cấp thành phố trở lên... nên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường sẽ tăng.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin Trường đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), dự đoán: nhiều khả năng điểm thi năm nay sẽ cao. Điểm thi cao sẽ kéo theo điểm xét tuyển đầu vào các trường ĐH tăng. “Chúng tôi vẫn phải chờ Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng mới có thể tính toán cụ thể. Tuy nhiên, với các ngành có sức hút truyền thống như nhóm ngành công nghệ thông tin thì điểm tuyển sẽ không thấp, các tổ hợp xét tuyển A01 và D01 chắc chắn rất cao...”, thạc sĩ Phùng Quán nhận định.
“Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM phụ thuộc vào điểm môn năng khiếu nên phải chờ kết quả điểm mới xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng có tăng hay không. Còn các ngành tuyển không có môn năng khiếu sẽ không nằm ngoài xu hướng tăng chung”, thạc sĩ Trần Minh Tuấn, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, phân tích.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho hay: “Hiện vẫn phải “nghe ngóng" phổ điểm chính thức từ Bộ GD-ĐT và sự điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh, từ đó mới tính toán ra điểm chuẩn. Trường đã xác định mức “sàn” nhận hồ sơ xét tuyển áp dụng đối với tất cả các ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo phải đạt từ 16 điểm trở lên bao gồm điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (nếu có)”.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, căn cứ vào đề thi, tình hình làm bài của thí sinh, khảo sát điểm của một bộ phận học sinh đăng ký thì điểm chuẩn khả năng sẽ tăng mạnh. Dự báo này đưa ra nhằm giúp thí sinh điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp. Theo đó, các ngành “hot” như robot và trí tuệ nhân tạo vẫn là ngành có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cao nhất trường, dự kiến 26 điểm. Một số ngành khác dự kiến có điểm nhận hồ sơ xét tuyển 23,5 là: công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế và sư phạm tiếng Anh. Các ngành còn lại dự kiến điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 20-22,5 điểm.
Còn một cơ hội điều chỉnh nguyện vọng
Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT 2020, thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng xét tuyển ĐH đã đăng ký trước đó. Theo quy định, từ ngày 9 - 18/9, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các chuyên gia tuyển sinh khuyên thí sinh nên cân nhắc sử dụng cơ hội này để điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng vì mặt bằng điểm năm nay sẽ cao.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: dù điểm thấp hay cao, thí sinh nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo thứ tự yêu thích của mình, không nên sắp xếp theo khả năng trúng tuyển. Thí sinh không nên quá tự tin đăng ký ít nguyện vọng vì rất có thể sẽ mất cơ hội đậu ĐH. Đồng thời, thí sinh cũng phải xem xét đến điểm sàn của từng trường, từng ngành. Nếu ban đầu thí sinh đăng ký quá ít nguyện vọng thì nên bổ sung thêm để tăng cơ hội trúng tuyển.
|
Tiêu Hà