Điểm thi cao hơn điểm sàn bao nhiêu thì chắc đậu?

16/09/2020 - 07:41

PNO - Các trường đại học đang công bố điểm sàn xét tuyển. Mức điểm này được cho là “an toàn” vì khá thấp so với mặt bằng điểm thi năm nay. Trong khi đó, thời hạn đổi nguyện vọng diễn ra từ ngày 19/9 sắp tới, thí sinh nên căn cứ vào đâu để quyết định giữ hay đổi nguyện vọng?

Đừng “bị lừa” bởi điểm sàn quá thấp

Đó là khuyến cáo đầu tiên của phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đối với thí sinh. Nhìn vào điểm sàn mà các trường ĐH vừa công bố sẽ thấy mức điểm phổ biến nhất là từ 16-21 điểm. Thậm chí, có trường còn xác định đúng một mức điểm sàn cho chung nhiều ngành trong khi điểm chuẩn trúng tuyển là tính riêng từng ngành. “Tôi cho rằng trường nào làm vậy là rất an toàn cho mình nhưng lại tệ với thí sinh. Phổ điểm thi năm nay rất cao, xác định sàn là 16 điểm thì chẳng khác nào 12 điểm của mọi năm”, PGS Dũng thẳng thắn. 

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 - Ảnh: Thanh Thanh
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 - Ảnh: Thanh Thanh

Theo PGS Dũng, Hội đồng tuyển sinh các trường thừa sức xác định điểm sàn sát với điểm chuẩn, trường tốt thì không lo thiếu nguồn tuyển. Trường “chốt” sàn quá thấp, thí sinh thấy điểm vừa đủ hoặc nhỉnh hơn một chút liền nộp vào vừa tốn lệ phí xét tuyển nhưng không có khả năng đậu, mất đi cơ hội. 

Trả lời câu hỏi điểm thi hơn điểm sàn bao nhiêu là đủ, thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói thẳng: “Thí sinh không dựa điểm sàn được, phải dựa trên điểm chuẩn năm 2019 và năm 2017 để xem xét trước khi quyết định giữ hay đổi nguyện vọng. Vì điểm thi năm nay có phổ điểm tương tự như 2017. Còn việc xem xét điểm chuẩn của 2019 là để xem xu hướng ngành học, tính cạnh tranh cao không để cân nhắc. Bởi điểm chuẩn là dựa vào điểm thi, chỉ tiêu xét tuyển và số lượng đăng ký quyết định”. 

Theo số liệu các trường công bố, chỉ tiêu mà các trường dành cho xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm còn khoảng 57% (các năm trước phương thức này gần như áp đảo các phương thức còn lại với khoảng 70% chỉ tiêu). Đó là chưa kể điểm thi tốt nghiệp THPT ở tất cả các môn thi năm nay đều có điểm trung bình cao hơn năm 2019. Như vậy, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ khá căng thẳng, điểm trúng tuyển sẽ không “dễ thở” như điểm sàn các trường công bố. 

Điểm chuẩn sẽ tăng trên 3 điểm ở nhiều ngành

Điểm thi khá cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến thí sinh nấn ná chờ vào được trường, ngành yêu thích bằng điểm thi THPT dù đã đậu bằng các phương thức khác. Tuy nhiên, như đã nói, chỉ tiêu bằng phương thức xét điểm THPT không nhiều như các năm trước nên điểm chuẩn theo phương thức này sẽ bị đẩy lên cao. Theo PGS Dũng, tính tổng điểm thi theo các tổ hợp xét tuyển năm nay cao hơn năm ngoái khoảng trên dưới 3 điểm nên điểm chuẩn sẽ tăng cũng tương đương mức này.

Thí sinh Võ Thùy Linh (TP.HCM) cho biết, đã trúng tuyển theo phương thức ưu tiên xét tuyển vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Tài chính Marketing nhưng không nhập học, chờ kết quả xét tuyển theo điểm thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, để chắc ăn, Linh vẫn để nguyện vọng 3-4 vào lại hai trường đã đậu để phòng trường hợp không trúng tuyển nguyện vọng 2-3.

PGS Dũng cho biết: “Khi tư vấn, tôi phát hiện có thí sinh đậu 10 trường. Phần lớn thí sinh được ưu tiên xét tuyển đồng thời cũng đậu vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Ngoại thương… Trong khi điểm thi tốt nghiệp THPT lại cao hơn năm trước nên các thí sinh có phần ngộ nhận, dù trúng tuyển cũng không chịu nhập học, muốn xét điểm thi THPT vào ngành “hot” hơn… Việc xét tuyển điểm thi tiềm tàng nhiều nguy cơ và rủi ro, đó là điểm cao vẫn rớt”.

Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhóm ngành công nghệ thông tin luôn là ngành “hot” nhất. Dự đoán, điểm chuẩn ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) 26-28 điểm (năm ngoái 24,6 điểm); nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin 26-27,5 điểm (năm ngoái 25); công nghệ thông tin (chất lượng cao) 24,5-26 điểm (năm ngoái 23,2 điểm); công nghệ thông tin Việt - Pháp 22-23 điểm… 

TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, tư vấn: Thí sinh có thể tạm chia thành ba nhóm ngành thuộc top trên, giữa và dưới. Những ngành khó tuyển được xếp vào nhóm dưới, thường có điểm chuẩn rất sát với điểm sàn. Nhóm trên thu hút nhiều thí sinh giỏi nên chắc chắn điểm chuẩn cách sàn nhiều điểm. Nhóm giữa độ chênh giữa điểm sàn và điểm chuẩn ít hơn.  

“Đặc thù năm nay nhiều phương thức xét tuyển nên mức ảo khá lớn và thực sự rất khó lường. Thí sinh không nên chủ quan dù điểm thi cao. Tuy nhiên, với ngành học thực sự yêu thích thì thí sinh nên ưu tiên ở các nguyện vọng đầu tiên. Sau đó vẫn có thêm những nguyện vọng ở nhóm giữa và dưới cho an toàn”, TS Lý đưa ra lời khuyên. 

Nguyên tắc xét tuyển là “lọt sàn xuống nia”. Vì vậy, tôi khuyên ở đợt điều chỉnh nguyện vọng sắp tới, thí sinh phải tận dụng cơ hội này để đăng ký thêm nguyện vọng xét tuyển. Khảo sát trong quá trình tư vấn cho thấy thí sinh thường đăng ký 4-5 nguyện vọng. Như vậy là mạo hiểm vì ngành “hot”, trường “xịn” sẽ khó đậu hơn mọi năm. Điểm chuẩn các ngành thí sinh ưa chuộng phải trên 26 điểm rất nhiều. Việc tăng thêm nguyện vọng xét tuyển vào các trường hoặc ngành khác sẽ tăng cơ hội trúng tuyển, giảm rủi ro.
Muốn điều chỉnh tăng thêm nguyện vọng, thí sinh lưu ý phải thực hiện điều chỉnh trực tiếp tại trường THPT. Việc điều chỉnh trực tuyến chỉ có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI