'Điểm thấp, mẹ sẽ đuổi ra khỏi nhà'

22/05/2019 - 14:00

PNO - Đó không phải lời hăm dọa khi em cho biết, chính anh chị mình đã bị đuổi ra khỏi nhà vì kết quả học tập thấp.

Chỉ còn hai tuần nữa, 67.299 học sinh TP.HCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp Mười. Đang trong giai đoạn nước rút nên hầu hết các trường đều tăng tốc ôn tập. Dù chưa đủ tính chất để gọi là kỳ thi “quyết định” trong cuộc đời học sinh, tuy nhiên, có thể thấy, toàn bộ thời gian của các em hiện nay dồn hết vào cuộc “vượt vũ môn”, với hy vọng đáp ứng mong mỏi của mẹ cha.

'Diem thap, me se duoi ra khoi nha'
Ảnh minh họa

Vẻ căng thẳng trên khuôn mặt những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” gợi lên trong tôi nhiều kỷ niệm buồn. Tôi nhớ câu chuyện của cô bé học trò cách đây 5 năm, khi tôi còn là một giáo viên trực tiếp dạy em. Là con một trong gia đình khá giả, Gia Hân không thiếu thứ gì. Tuy nhiên, mới học cấp II, đôi mắt em lúc nào cũng mang vẻ u buồn nặng trĩu.

Khi Hân chuẩn bị lên lớp Năm, mẹ em đã đặt mục tiêu buộc em phải đậu vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Trước áp lực nặng nề đó, Hân dường như chẳng còn thời gian để vui chơi. Buổi chiều vừa ra khỏi cổng một ngôi trường Q.7, Hân ngồi sau lưng chú xe ôm, ăn vội hộp cơm chú mua sẵn để kịp đến trung tâm luyện thi ở Q.1.

Rã rời người khi về đến nhà lúc 21g, Hân vẫn phải giải quyết mớ bài tập ở trường sau khi ăn vội phần thức ăn mẹ chuẩn bị sẵn. Có những lúc quá sức chịu đựng, Hân gục khóc ngay tại bàn học. Đòn roi trên tay người mẹ ngày thường hết lòng thương con khi đó đã thẳng tay quật vào Hân với biết bao lời lẽ khó nghe: “Mày học hành như thế thì vài bữa chỉ còn cách ra đường xin ăn thôi!”.

Sau cơn tức giận, trái tim người mẹ nhũn ra khi thấy con mệt nhoài, rũ rượi đi vào giấc ngủ. Chị ôm con bật khóc. Vậy mà, chỉ vài ngày sau, nhìn thấy con mang về nhà một con điểm thấp, chị như biến thành bà mẹ khác. Trong cơn tức giận của chị, tập vở Hân bị ném tứ tung khắp nhà.

'Diem thap, me se duoi ra khoi nha'
Ảnh minh họa

Áp lực từ gia đình khiến mỗi ngày đến trường đối với Hân càng trở nên đáng sợ. Từ cô bé nhanh nhẹn, thông minh, Hân trở nên chậm chạp và lười tư duy. Không đậu được vào trường chuyên ở cấp II, mẹ Hân lại vạch tiếp kế hoạch cho cấp III tại Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, trong khi sức học của con ngày càng đi xuống. Sau một thời gian cố gắng nhưng thấy con chẳng đạt được kết quả như mình mong muốn, mẹ Hân bắt đầu không thèm đếm xỉa đến việc học nữa, để con sợ mà cố gắng.

Kỳ thi học kỳ 1 lớp Chín vừa qua, Hân thẽ thọt bên tai mẹ với vẻ biết ơn: “Mẹ, con thấy mình may mắn quá. Con chỉ được học sinh khá thôi mà mẹ không nói gì, trong khi các bạn của con xếp loại giỏi mà còn bị cha mẹ la quá chừng luôn”. Nghe con nói, mẹ Hân cạn lời: “Không biết nó ngây thơ thiệt hay giả bộ ngây thơ nữa”.

Một học sinh khác với tâm trạng hoang mang khi chuẩn bị bước vào kỳ thi, đã kể với tôi rằng: “Mẹ nói nếu con thi điểm thấp, mẹ sẽ đuổi ra khỏi nhà”. Đó không phải lời hăm dọa khi em cho biết, chính anh chị mình đã bị đuổi ra khỏi nhà vì kết quả học tập thấp.

“Đợt đối thoại với học sinh đã giúp các trường nắm không ít tâm tư của các em. Đặc biệt, đối với học sinh cuối cấp, hai chữ “áp lực” là điều các em rất hay chia sẻ với thầy cô. Trước mùa thi, có em bật khóc trước mặt giáo viên chủ nhiệm vì sợ không đạt kết quả cao, hay không đậu được vào trường cha mẹ mong muốn”, cô Phạm Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt (Q.7) chia sẻ. Cô cho biết thêm: “Áp lực học tập đè nặng con trẻ thường rơi vào những gia đình có phụ huynh thành đạt. Tuy gia đình luôn nói rằng không tạo áp lực cho con, nhưng sự kỳ vọng, cũng như ước mơ cha mẹ gởi vào con cái đã tạo nên những áp lực vô hình đè nặng tâm lý các em”. 

'Diem thap, me se duoi ra khoi nha'
 

Tôi chợt nhớ bức thư gởi đến phụ huynh của thầy hiệu trưởng một trường ở Singapore. Bằng những lời lẽ khúc chiết, chân tình, bức thư cũng là lời cảnh tỉnh các bậc cha mẹ, đừng vì thành tích, danh vọng mà tạo áp lực học tập cho con: “Nếu con bạn đạt điểm cao, đó là điều tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất sự tự tin và nhân phẩm của con. Hãy nói với con rằng: ổn thôi mà, đó chỉ là một kỳ thi. Con được sinh ra trên đời cho nhiều điều lớn lao hơn thế”.

Mong rằng các bậc phụ huynh đừng ép con phải trở thành siêu nhân. Đừng buộc con phải nai lưng ra thực hiện những ước mơ dang dở của mình. Sự kỳ vọng là tất yếu, nhưng xin hãy đặt những kỳ vọng ấy vào điều đơn giản nhất, là hạnh phúc của con. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI