Điểm số không là thước đo trường học hạnh phúc

06/09/2024 - 12:21

PNO - Đây là nhận định của Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu. Theo ông, trường học hạnh phúc cần cởi được áp lực học hành cho học sinh.

Xây dựng trường học hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục TPHCM triển khai trong năm học 2024-2025.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận, trường học hạnh phúc trước hết cần cởi được áp lực học hành cho học sinh. Học sinh cần được học tập trong môi trường mà các em được bồi dưỡng, khuyến khích học tập, phát triển năng lực. Việc dùng kỷ luật răn đe, với những giờ học chỉ đòi hỏi một phía từ giáo viên là phương pháp giáo dục tiêu cực, chỉ mang đến căng thẳng cho học sinh.

Trường học hạnh phúc là nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM trong năm học mới
Trường học hạnh phúc là nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM trong năm học mới - Ảnh: Q.Tr.

Theo ông, một số giáo viên quan điểm dùng điểm số để “ép” học sinh học. Thế nhưng, với giáo dục hiện nay thì điểm số không thể hiện được toàn bộ năng lực của học sinh. Giáo dục hiện nay đánh giá theo quá trình. Có thể hôm nay học sinh đó chưa hiểu nên điểm có thể chưa cao, nhưng ngày mai khi em đã có sự tìm hiểu thì chắc chắn điểm số sẽ khác.

Đánh giá kết quả học tập của học sinh cần đánh giá quá trình, ghi nhận theo sự tiến bộ của học sinh chứ không phải là một điểm số chỉ đánh giá ở một thời điểm mà theo các em mãi. Với những điểm kiểm tra thường xuyên, giáo viên phải tạo điều kiện để học sinh học hành, tiến bộ, phải khuyến khích, động viên để các em tiến bộ.

“Nhiều năm nay, Sở GD-ĐT TP đã không đánh giá giáo viên theo điểm số của học sinh, không sử dụng tỉ lệ lên lớp của học sinh để không đánh giá giáo viên, không dùng tỉ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh để đánh giá trường này với trường kia. Bởi không có ngôi trường nào là xuất sắc tuyệt đối. Do đó, giáo viên không gặp áp lực gì về điểm số của học sinh, thầy cô cần phải cởi bỏ được quan điểm dùng điểm số để đánh giá học sinh, cần thay đổi phương pháp để khuyến khích học sinh tiến bộ…” - ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Ông đồng thời cho rằng, những đánh giá, so sánh mang tính đối chiếu về chuyên môn sẽ không nặng nề bằng những đánh giá, nhận định của học sinh, phụ huynh, xã hội về nhà trường.

Do vậy, theo ông, mỗi nhà trường phải tự lập biểu so sánh học sinh đầu vào với quá trình tiến bộ của học sinh. Mỗi nhà trường, thầy cô cần cố gắng xây dựng thương hiệu riêng cho trường mình, vun đắp tình cảm của học sinh với mình và với trường. Học sinh, phụ huynh và thầy cô cùng chung tay xây dựng văn hóa nhà trường. Đó là văn hóa chia sẻ, văn hóa cộng hưởng, văn hóa cùng tiến bộ.

Với trường học hạnh phúc, TPHCM không lấy điểm số học sinh làm thước đo
TPHCM không lấy điểm số của học sinh làm thước đo trường học hạnh phúc - Ảnh: Q.Tr.

“Hiện nay thời gian học sinh ở trường nhiều hơn ở nhà. Do đó, trường học thân thiện, hạnh phúc thì học sinh mới thoải mái, tự tin học tập, rèn luyện và trưởng thành, mỗi ngày đến trường mới thực sự là một ngày vui, chứ không phải là khẩu hiệu.

Mỗi thầy cô phải nêu gương trong đời sống của mình, trong mối quan hệ với đồng nghiệp, gần gũi và lắng nghe các em để các em thật sự tôn trọng, yêu thương, dám chia sẻ, bày tỏ, vun bồi trong các em những mối quan hệ tốt đẹp. Làm sao để có những đôi bạn gắn kết trong học tập, cùng nhau tiến bộ…” - ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

TPHCM bắt đầu triển khai xây dựng trường học hạnh phúc từ năm học 2023-2024. TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành bộ tiêu chí trường học hạnh phúc với 3 nhóm tiêu chuẩn và 18 tiêu chí thành phần.

Với trường học hạnh phúc, TPHCM hướng tới hình thành và xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong nhà trường với sự tôn trọng, thấu hiểu, yêu thương, tạo môi trường học đường thân thiện, lành mạnh để “Học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để việc “Lấy học sinh làm trung tâm”… không còn là khẩu hiệu, từ đó góp phần giúp mỗi nhà trường đạt được mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 hướng tới.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI