Điểm sàn dưới - Lại vá víu chiếc áo cũ!

05/04/2013 - 14:36

PNO - PN - Ngay từ khi Bộ GĐ-ĐT “sáng tạo” ra điểm sàn vào năm 2005, dư luận đã nói nhiều về sự bất ổn của nó, gây nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường. Để sửa sai, trong kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ lại “sáng...

Nói không đi với làm

“Điểm sàn dưới” chỉ là cách gọi mỹ miều, nhằm đánh lạc hướng dư luận và để giữ... thể diện cho Bộ vì thực chất chỉ là hạ điểm sàn. Lâu nay, Bộ cứ khăng khăng: không thể hạ điểm sàn nhằm đảm bảo chất lượng tối thiểu để đào tạo ĐH đạt chất lượng, nếu bây giờ lại cho “hạ” điểm sàn thì chẳng khác nào “nói không đi đôi với làm” và thừa nhận điều mình “đoan chắc” bấy lâu là sai. Mà sai thật! Bởi, nói như TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM: “Điểm sàn không hoàn toàn dùng để đánh giá chất lượng đầu vào mà chỉ mang tính định hướng phân luồng sau THPT nhiều hơn. Hiện có nhiều chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài (cấp bằng nước ngoài) chỉ xét tuyển đầu vào với yêu cầu tốt nghiệp THPT, nhưng chất lượng đầu ra của sinh viên (SV) vẫn rất tốt”.

Khi cho phép các trường hạ điểm sàn cũng đồng nghĩa là Bộ cho hạ điểm chuẩn trong đợt xét tuyển cuối cùng. Điều này mâu thuẫn với quy định do chính Bộ đặt ra: điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng trước!

Ngoài ra, ai cũng thấy việc hạ điểm sàn của Bộ là nhằm nhượng bộ các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL) khi Hiệp hội của các trường này đã phải cầu cứu lên Thủ tướng trong thời gian qua.

Diem san duoi - Lai va viu chiec ao cu!

Thí sinh tại kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2012 - Ảnh mang tính minh họa. P.Huy

Nếu tính cho chính xác thì “điểm sàn dưới” đã là điểm sàn thứ ba, vì trước đó, trong kỳ tuyển sinh năm 2012, Bộ đã cho phép hạ điểm sàn đối với những thí sinh thuộc các tỉnh thuộc ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Đó là chưa kể những trường hợp thí sinh được xét theo điều 33 Quy chế tuyển sinh vào các trường và những thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên tại 62 huyện nghèo… được xét tuyển vào các trường ĐH mà không cần phải thi. Cho nên, dù vẫn còn những ý kiến đồng tình với việc đặt điểm sàn (chủ yếu là lãnh đạo Bộ và các trường ĐH công lập), nhưng cái lý luận “đặt điểm sàn là nhằm đảm bảo chất lượng” đã không còn đúng trên thực tiễn nữa.

40% sinh viên ngoài công lập - Chỉ là mơ thôi!

Kết thúc kỳ tuyển sinh năm 2012 trong cả nước, ở bậc ĐH chỉ tuyển được 88% chỉ tiêu, bậc CĐ tuyển được 78%. Việc không tuyển đủ chỉ tiêu chủ yếu rơi vào các trường NCL và ĐH địa phương. Tình trạng này cũng đã diễn ra hai năm trước đó với mức độ nhẹ hơn. Có nhiều lý do, nhưng không thể phủ nhận một nguyên nhân quan trọng là các trường NCL đang bị Bộ làm khó, trong đó có vấn đề “điểm sàn”. Thứ nữa, từ gần 10 năm trước, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần công bố kế hoạch xã hội hóa giáo dục là phấn đấu đến năm 2020, số SV các trường NCL phải đạt 40% tổng số SV trong cả nước. Tin vào điều đó, nhiều thành phần trong xã hội đã đầu tư mở trường ĐH. Nhưng cùng lúc, Bộ lại ồ ạt cho ra đời các trường ĐH công, cho nâng cấp nhiều trường trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH, dẫn tới tất cả các bậc đào tạo đều thiếu nguồn tuyển. Cho đến nay, tỷ lệ SV các trường ĐH- CĐ NCL chỉ chiếm 14%, trong khi SV các trường công là 86%. Con số 40% SV NCL, giờ đây có lẽ chỉ có trong mơ. Với tương quan ấy, trong khi nguồn thí sinh dự tuyển không thay đổi, chỉ cần các trường công tăng 10% chỉ tiêu thì các trường NCL sẽ mất đi 50% nguồn tuyển và bị bóp chết ngay lập tức, theo tính toán của TS Lê Trường Tùng- Hiệu trưởng Trường ĐH FPT.

Sẽ thay đổi việc tuyển sinh một cách căn bản, “điệp khúc” này được lãnh đạo Bộ GD-ĐT hứa rất nhiều lần. Công tác tuyển sinh cũng như đào tạo ĐH cần phải có một cách tiếp cận mới, nếu cứ tiếp tục vá víu chiếc áo cũ nhằm đối phó với thực tế thì biết đến khi nào mới có chiếc áo mới cho công tác tuyển sinh?

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI