Điểm sàn cao mà đời sống người thầy vẫn thấp thì ai thèm vào

18/08/2017 - 08:47

PNO - Hôm qua, 17/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về vấn đề điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm đang rất thấp và những khó khăn ở đầu ra.

Nhân sự kiện này, ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã có nhiều ý kiến hầu mong sẽ đóng góp thiết thực cho các kế hoạch xoay chuyển tình hình của Bộ GD-ĐT trong thời gian tới.

Diem san cao ma doi song nguoi thay van thap thi ai them vao
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

* Thưa ông, vì sao ngành sư phạm đang mất sức hút? 

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ bất cập trong tuyển sinh, đào tạo, quy trình tuyển dụng, chế độ đãi ngộ sau khi ra trường đến vị trí người thầy trong xã hội… khiến người khá giỏi không muốn làm thầy giáo. Nền tảng đầu vào không giỏi thì đầu ra khó xuất sắc được và nó lại tạo ra một vòng luẩn quẩn.

* Đã có lúc ngành sư phạm rất “hot”. Trước 1975, muốn đậu vào trường sư phạm người học phải thật sự giỏi. Vì sao xưa làm được, còn bây giờ 
thì không?

- Đúng là có thời điểm nghề giáo thực sự thu hút. Ngày trước, các trường sư phạm cũng chọn người học bằng hình thức thi tuyển nhưng chọn qua hai giai đoạn để đảm bảo chọn được người phù hợp, chứ không chỉ chọn người giỏi. Cụ thể, sau khi làm bài viết, tạm gọi là đạt về mặt lý thuyết, ứng viên phải qua bước thứ 2 là thi vấn đáp.

Ở bài thi vấn đáp, ứng viên sẽ bốc thăm chọn những câu chuyện làm người trong cổ học tinh hoa để đọc và trả lời các câu hỏi nhằm kiểm tra cách phát âm, khả năng đối đáp, ứng xử, đồng thời cũng để nhận biết được một phần tư cách đạo đức. Sau đó, ứng viên sẽ lên bảng viết chữ để kiểm tra nét chữ, nết người, dung mạo, tác phong, cách ăn mặc… Về cơ bản, cách tuyển này không chỉ chọn được ứng viên có năng lực mà sơ bộ chọn được người có tố chất phù hợp với nghề.

Quá trình đào tạo cũng được đánh giá rất chặt chẽ và đặc biệt ở đầu ra cũng được thực hiện theo quy trình hai vòng: thi viết và thực hành, công khai, nhằm tạo động lực cho người học. Trường căn cứ vào hai tiêu chí này để xếp hạng và phân công nhiệm sở.

Người xếp hạng cao được ưu tiên chọn chỗ làm trước và tuần tự cho đến người cuối cùng. Điều này có nghĩa là người học dở hơn sẽ có ít cơ hội lựa chọn chỗ làm hơn. Họ làm công khai, có sự theo dõi của tất cả mọi người, không làm âm thầm.  Cách làm đó tự khắc sẽ tạo ra nguồn GV có chất lượng. 

Diem san cao ma doi song nguoi thay van thap thi ai them vao
 

* Tuyển dụng GV hiện nay cũng có những ưu tiên dành cho người tốt nghiệp giỏi, có bằng thạc sĩ… Nhưng quy trình tuyển chọn lại kín như bưng?

- Hiện nay, quy trình xét chọn thường không công khai toàn bộ, người cầm cân không công tâm, thiếu trách nhiệm, nên dễ nảy sinh tiêu cực. Theo tôi, cũng với quy chế này nhưng cần công khai điểm của từng tiêu chí, nếu có thêm bằng thạc sĩ sẽ được cộng thêm bao nhiêu điểm, rồi công khai toàn bộ bảng xếp hạng, người giỏi nhất được ưu tiên chọn trường trước… sẽ thuyết phục hơn và hạn chế sự nghi ngờ.

* Chế độ đãi ngộ và những áp lực ngoài chuyên môn đang khiến nhiều người sợ làm thầy, thưa ông?

- Ngày xưa, nhà giáo trong xã hội có một vị trí nhất định, cùng với bác sĩ, rất được tôn trọng. Ra trường, lương đảm bảo cuộc sống, chồng dạy học có thể nuôi được vợ con; cuối tuần có thể chơi thể thao, câu cá rất thoải mái chứ không phải dạy thêm làm thêm như bây giờ. Với điều kiện như vậy chắc chắn sẽ thu hút được đầu vào tốt. Tất nhiên nghề giáo không giàu, nhưng vẫn sống trung lưu, ung dung, thoải mái.

Cách đánh giá GV ngày xưa cũng đảm bảo sự khách quan, công bằng và chặt chẽ nhờ công tác thanh tra giáo dục được thực hiện độc lập. Nếu dạy chưa tốt sẽ bị nhắc nhở, tái kiểm tra, không sửa chữa sẽ bị loại ra khỏi ngành. Người xứng đáng được khen thưởng, người không tốt bị loại khỏi ngành là hết sức cần thiết.

Thu nhập, vị trí trong xã hội, sự đánh giá công bằng… giúp cho nghề giáo ổn định nên thu hút được người tài. Ngày nay, hiệu trưởng dù than vãn giáo viên thế này thế kia nhưng khi nhận xét thì lại cả nể; hoặc ngược lại, không thích có thể  “đì”.

* Giải quyết vấn đề này phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- Muốn giải quyết đòi hỏi sự quyết tâm, đồng bộ và thẳng thắn nhìn nhận vấn đề. Đọc báo thấy Bộ trưởng nói sắp tới sẽ điều chỉnh điểm sàn, nhưng điều đó không giải quyết được vấn đề. Điểm sàn cao mà đời sống người thầy vẫn thấp thì ai thèm vào. Quan trọng là làm sao phải kết hợp được nhiều yếu tố để thu hút đầu vào cả về số lượng lẫn chất lượng. 

Cũng cần có dự báo nhu cầu GV để đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh. Chắc chắn không thể dự báo đúng 100% nhưng để không đào tạo quá thừa hoặc quá thiếu thì không khó. Người GV trong quá trình đào tạo cần được đánh giá chặt chẽ, có xếp hạng để được chọn nhiệm sở như trước đây.

Mọi việc vừa nêu nếu được thực hiện và thực hiện công khai sẽ khắc phục tình trạng “chạy chọt, lo lót”, khiến ngành giáo dục bị mang tiếng. 

* Xin cảm ơn ông. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI