6.George Lazenby (1969)
|
George Lazenby trong vai James Bond |
George Lazenby, diễn viên và cựu người mẫu người Úc là diễn viên thứ hai đóng James Bond trong tập phim On Her Majesty's Secret Service (1969). Đảm nhận James Bond ở tuổi 29, George Lazenby là diễn viên trẻ nhất được chọn vào vai diễn này. Sau On Her Majesty's Secret Service, George Lazenby từ chối trở lại trong các bộ phim James Bond tiếp theo dù ông vẫn tham gia nhiều vai diễn khác trong suốt thập niên 1970 như Universal Soldier (1971), Who Saw Her Die? (1972), The Shrine of Ultimate Bliss (1974), The Man from Hong Kong (1975) và The Kentucky Fried Movie (1977).
5.Pierce Brosnan (1995 - 2002)
|
Pierce Brosnan trong bộ phim James Bond năm 1997 |
Có mặt trong 4 tập phim, Pierce Brosnan đã thay đổi nhân vật James Bond từ khuôn khổ “truyền thống” như cách xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của tác giả Ian Fleming đến gần hơn chất điện ảnh của Hollywood. Một siêu điệp viên có phần hiện đại và mới mẻ hơn, kiểu tóc vuốt ngược, dáng vẻ “ngầu đời”, được trang bị những thiết bị tối tân. Không thể không nhắc tới chiếc siêu xe tàng hình khét tiếng trong phần Die Another Day. Nhiều nhà phê bình đánh giá không quá cao cho các phần phim James Bond do Pierce Brosnan thủ vai, nhưng công chúng không thể phủ nhận sự quyến rũ của Pierce khi hoá thân thành James Bond. Bên cạnh đó, kĩ thuật dàn dựng và hiệu ứng hình ảnh hiện đại lúc bấy giờ là những yếu tố làm nên sự thành công của loạt phim.
4.Roger Moore (1973 - 1985)
|
Roger Moore trong bộ phim James Bond công chiếu năm 1972 |
Roger Moore có 7 lần góp mặt trong loạt phim bom tấn này. James Bond của Roger Moore được người hâm mộ biết đến nhiều nhất với khiếu hài hước và sự giản dị khác hẳn với những James Bond trầm ngâm và lạnh lùng khác. Trong các bộ phim của mình, Moore đã đi vào vũ trụ, chiến đấu với một bầy cá sấu hay phá hủy một quả bom hạt nhân… dường như yếu tố hành động gay cấn đến nghẹt thở cũng là một trong những điều làm nên tên tuổi của siêu điệp viên do Moore thể hiện.
James Bond của Roger Moore:
Nhưng không ít lần bộ phim vấp phải những ý kiến trái chiều của nhà phê bình, khi họ cho rằng lời thoại của các nhân vật trong phim không được sâu sắc và tệ hơn là nội dung phim có phần “sơ sài”. Những lí do như vậy khiến cho loạt phim không đáng để xem lần thứ 2.
3. Timothy Dalton (1987 - 1989)
|
James Bond của Timothy Dalton |
Lí do khiến Timothy Dalton không đứng đầu sách này không phải vì anh diễn xuất tệ hay doanh thu tại phòng vé kém, mà vì sự góp mặt của anh trong vai James Bond khá ít so với những ngôi sao hàng đầu như Roger Moore, Sean Connery hay Daniel Craig.
Nhưng dù chỉ xuất hiện vỏn vẹn hai lần nhưng cả The Living Daylight" (1987) và License to Kill (1989) của Timothy Dalton là hai trong số những bộ phim được yêu thích nhất trong loạt phim bom tấn này. Vẻ lạnh lùng, bí ẩn của Dalton khi thủ vai điệp viên 007 đã thể hiện được giá trị cốt lõi của nhân vật trong những cuốn tiểu thuyết của Ian Fleming. Đáng tiếc, Dalton đã không thể xuất hiện trên màn ảnh rộng trong vai James Bond lần nào nữa do những mâu thuẫn pháp lý giữa hai nhà sản xuất phim là MGM và Eon Productions, dẫn đến việc ngừng sản xuất cho đến năm 1994 khi hợp đồng của anh hết hạn.
2.Sean Connery (1962 - 1967)
|
Sean Connery để lại nhiều ấn tượng khi hoá thân thành James Bond |
Người đóng vai James Bond đầu tiên, nam tài tử Sean Connery đã có một sự nghiệp điện ảnh được xem như huyền thoại, ông nhiều lần xuất hiện trong các bộ phim mang tính biểu tượng của Hollywood như Marnie (1964), Indiana Jones and The Last Crusade (1989) , The Untouchables (1987). Năm 1988 ông được nhận giải Oscar ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai cảnh sát trong phim The Untouchables. Nhưng người hâm mộ có lẽ sẽ nhớ đến ông nhiều nhất với vai diễn James Bond đầu tiên. Có một nghịch lý, trước khi được chọn trở thành James Bond, Sean Connery có được sự hâm mộ từ công chúng nhưng ông chưa bao giờ lọt vào “mắt xanh” của tác giả của loạt tiểu thuyết, Ian Fleming. Trong cuộc trò chuyện trên South Bank Show, ông cũng thừa nhận: “Tôi chưa bao giờ được giới thiệu cho Fleming, tới khi biết về sự góp mặt của tôi cho vai diễn, ông ấy đã không hài lòng”.
Bất chấp sự dè dặt của Fleming, Connery đã đóng vai mật vụ James Bond trong 7 bộ phim và phiên bản của anh được nhớ đến không chỉ là phần phim hấp dẫn nhất trong loạt phim mà còn là một trong những nhân vật quyến rũ nhất trong lịch sử điện ảnh. Connery đã hoàn toàn chinh phục được giới truyền thông lẫn các khán giả bằng chính diễn xuất và vẻ ngoài của một quý ông đầy sức quyến rũ. Nhiều nhận xét cho rằng Connery là diễn viên Bond duy nhất nói được câu cửa miệng "Martini, shaken, not stirred" ngầu nhất.
1. Daniel Craig (2006 - 2021)
|
Daniel Craig vai James Bond trong No Time to Die |
Các bộ phim về James Bond của Daniel Craig là phiên bản hoàn thiện nhất khi mang màu sắc đen tối, những cảnh quay hành động mãn nhãn pha lẫn với những tình tiết giải trí. Craig được đặt đầu danh sách còn vì anh đã mang lại vô số thành công cho loạt phim. Có thể còn những ý kiến phản đối sự sắp xếp vị trí này, nhưng những con số không bao giờ nói dối. Skyfall năm 2012, lần ra mắt thứ ba của Craig trong vai James Bond, và lần hợp tác đầu tiên với đạo diễn người Anh Sam Mendes đã thu về 1,1 tỷ USD tại phòng vé trên toàn thế giới. Đây là bộ phim Bond thành công nhất về mặt thương mại.
Trailer No time to die:
Mặc dù James Bond của Craig không hóm hỉnh như Moore hay mượt mà như Connery, nhưng Craig vẫn có một nét quyến rũ lạnh lùng nhất định khiến khán giả say mê mà không bao giờ khiến họ bị nhàm chán. Một sự thay đổi bất ngờ khi mật vụ James Bond sở hữu mái tóc vàng và một chiều cao khá khiêm tốn nhưng cũng chính Craig đã hồi sinh loạt phim và cải tiến nó thành một phiên bản mới sau phiên bản bị hắt hủi của Pierce Brosnan.
Với No Time to Die, Daniel Craig sẽ có lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng thủ vai James Bond trong loạt phim bom tấn Điệp viên 007, bộ phim được biết đến như một biểu tượng đình đám trong thể loại hành động siêu điệp viên. Suốt quãng thời gian thủ vai James Bond, Craig đã nhiều lần đạt được những thành công vang dội với những phần phim Casino Royale hay Skyfall, nhưng cũng không ít lần làm người hâm mộ thất vọng trong Quantum of Solace hay phần gần đây nhất là Spectre. “Kỉ nguyên Daniel Craig ” trong loạt phim James Bond sẽ kết thúc như thế nào với phần phim cuối cùng “No Time to Die”?
Sau hơn 1 năm bị trì hoãn do đại dịch, cuối cùng No Time to Die cũng ra mắt. Tuy không khỏi vấp phải vài ý kiến trái chiều, No Time To Die vẫn được phần lớn giới phê bình nhận định là một tác phẩm khá thành công và đáng để mong chờ trong năm nay. Nhà phê bình Mike Reyes của trang CinemaBlend cho rằng No Time to Die là một câu chuyện rất khác biệt về James Bond, một câu chuyện rất hay và thậm chí là hay nhất so với những câu chuyện đã được kể trong những phần phim trước. Đối với những khán giả khó tính còn đang băn khoăn liệu No Time to Die có truyền tải được trọn vẹn những gì họ đang mong đợi hay không? Mike đã mạnh tay cho bộ phim 5 sao chất lượng: “Khán giả có thể gác lại những nỗi lo ấy vì Daniel Craig và Cary Joji Fukunaga sẽ có một màn trình diễn tuyệt vời trong chuyến đi kết thúc lần này sau hành trình dài với loạt phim đình đám.” Trang Variety đã dành nhiều lời ca ngợi có cánh dành cho bộ phim, rằng đây là tác phẩm hay nhất của Craig và là bộ phim hay nhất về Bond, kể từ phần Casino Royale. Một nhà phê bình của trang không hề thích Skyfall, tuy nhiên cũng phải khen ngợi No time to die vì độ hoành tráng trong dàn dựng. Bộ phim hứa hẹn đem đến nhiều pha hành động gay cấn đến nghẹt thở cũng như khiến khán giả mãn nhãn với những cảnh quay đậm chất lãng mạn cổ điển đã trở thành thương hiệu của loạt phim. Bộ phim khá dài với thời lượng tổng cộng lên đến 2 tiếng 45 phút, tuy nhiên với nhiều nhà phê bình thì đây là khoảng thời gian vừa đủ để có thể truyền tải được trọn vẹn nội dung và thông điệp của bộ phim. Bên cạnh đó, thời lượng “siêu dài” còn được xem là “đặc sản” làm nên thương hiệu của các phần phim James Bond. Nhiều nhà phê bình đã đồng ý rằng No Time To Die sẽ là bộ phim mang lại thành công rực rỡ cho cả đoàn làm phim và Daniel Craig. Tuy nhiên, bộ phim cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều khi một bộ phận giới phê bình cùng người hâm mộ loạt phim bom tấn về Điệp viên 007 này cảm thấy thất vọng vì No Time To Die thiếu đi nhiều yếu tố của một câu chuyện về James Bond “truyền thống”. Tờ A.V Club cũng là một trong số đó khi nhận xét về phần phim này là “một phần phim về Bond không mấy ấn tượng, khá mờ nhạt vì thiếu đi những tình tiết “giật gân”. Điều này khiến cho bộ phim sẽ dần bị lãng quên trong lòng khán giả” Tóm lại, nếu bạn đã sẵn sàng cho một bộ phim Bond không hoàn toàn giống với khuôn mẫu truyền thống đã được sử dụng sáu thập niên qua, có lẽ bạn sẽ thích No Time To Die. Còn nếu đi xem phim Bond vì bạn thích những gì truyền thống nhất của loạt phim, có thể bạn sẽ thấy khá thất vọng. |
Tuấn Huy (tổng hợp)