Điểm học bạ: 'Phao cứu sinh' giúp tỷ lệ tốt nghiệp cao chót vót

14/07/2017 - 16:30

PNO - Điểm thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia dù thấp lè tè nhưng học sinh (HS) vẫn đậu tốt nghiệp.

Có những địa phương, nếu xét điểm thi, tỷ lệ đậu tốt nghiệp chỉ đạt 43%, nhưng điểm học bạ đã "hô biến" thành tỷ lệ đậu lên 97%, cao hơn 2,2 lần. 

Điểm học bạ 8-9, điểm thi quốc gia 4-5!
Nguyễn Thanh Văn (tỉnh Phú Yên) là HS tiên tiến suốt ba năm THPT với điểm bình quân năm lớp 12 đạt 7,8 điểm, trong đó điểm trung bình các môn toán, lý, hóa - ba môn em chọn xét vào đại học (ĐH) - đều đạt từ 8.5 trở lên. Kết quả này giúp Văn tự tin đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH lớn.

Trớ trêu, kết quả thi THPT quốc gia của Văn lại tuột một cách thê thảm với 12 điểm cho ba môn toán, lý, hóa. Với kết quả này, Văn vẫn thừa điểm đỗ tốt nghiệp nhờ vào điểm học bạ nhưng còn cách xa “điểm sàn” xét tuyển ĐH đến 3,5 điểm. 

Gặp chúng tôi, chị Mỹ Dung, phụ huynh trường THPT Marie Curie (TP.HCM) cho biết đang rối bời với việc tìm một trường ĐH tầm trung để chuyển nguyện vọng cho cậu con trai vừa biết kết quả thi. “Học lực giỏi, kiểm tra, thi thử lúc nào cũng 8-9 điểm, hiếm lắm mới có con 7. Tôi đinh ninh con mình giỏi thật nên bảo cháu đăng ký vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô ở hai trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ai dè, tổng điểm ba môn thi chỉ được 15,5 điểm, thua xa ngưỡng xét vào ngành chứ nói gì đến đậu, nên giờ đành chuyển hướng qua xét học bạ vào các trường ngoài công lập”, chị Dung cho biết.

Khi kết quả thi THPT quốc gia được công bố, nhiều phụ huynh mới vỡ lẽ: điểm thi quá thấp so với điểm học lớp 12 là một thực trạng phổ biến. Trong số 853.000 thí sinh (TS) dự thi môn toán trong cả nước thì có đến hơn 412.000 TS dưới điểm trung bình, chiếm hơn 48%. Tương tự, tỷ lệ bài thi dưới điểm trung bình của môn vật lý là 40,92%, môn hóa - 44,84%, môn sinh học - 59%, môn lịch sử - 61%. Đáng nói nhất là ở môn tiếng Anh có đến 515.515 TS (chiếm 68,38%) có kết quả thi dưới trung bình, điểm phổ biến là 3,4 điểm. 

Diem hoc ba:  'Phao cuu sinh' giup  ty le tot nghiep cao chot vot
Điểm học bạ trở thành "phao cứu sinh" giúp nhiều thí sinh đậu tốt nghiệp

Chuyện điểm thi cao hay thấp ở một kỳ thi sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đề thi, công tác coi thi, chấm thi, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng TS. Và chất lượng TS ở kỳ thi này đã được “kiểm định” trước đó với tiêu chuẩn bét nhất là phải có học lực trung bình. Thế nên khi kết quả thi được công bố, nhiều người bàng hoàng đặt câu hỏi: vì sao học ở trường có kết quả đẹp như thế mà khi thi quốc gia, dù đề thi được đánh giá là dễ, nhưng kết quả thì thật tệ hại? Đâu mới là kết quả thực chất?

Hơn 30% TS đỗ tốt nghiệp nhờ… điểm học bạ!
Theo thống kê sơ bộ của Trường ĐH FPT, nếu cách xét tốt nghiệp THPT chỉ dựa vào điểm thi THPT quốc gia thì tỷ lệ TS tốt nghiệp của cả nước năm 2017 chưa tới 60%. Trong khi đó, theo cách tính hiện tại (điểm trung bình thi THPT quốc gia + điểm trung bình các môn học lớp 12 : 2) thì tỷ lệ đậu tốt nghiệp năm nay vẫn trên 95%.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT - nhận định: “Có thể thấy cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT như hiện nay đang “cứu” hơn 1/3 số TS đỗ tốt nghiệp. Số TS này sẽ trượt nếu chỉ dựa vào điểm thi”. Ông Tùng cho biết, cách tính điểm xét tốt nghiệp dựa vào điểm học lớp 12 và điểm thi như hiện nay bắt đầu từ năm 2014, và năm đó tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước tăng vọt, đạt mức kỷ lục là 99,1%. 

Thầy Thanh, một giáo viên dạy THPT tại TP.HCM nhìn nhận: “Khi sử dụng điểm học tập để xét tốt nghiệp, TS chỉ cần làm bài thi không bị điểm liệt là đủ tốt nghiệp. Thậm chí là với điểm thi bằng 2 nhưng điểm học thường ngày đạt 8.0 thì vẫn đủ tốt nghiệp”.

Cũng vì vậy mà nhiều người ví điểm học bạ như chiếc “phao cứu sinh” đối với nhiều HS, nhiều địa phương; nó giúp biến tỷ lệ tốt nghiệp từ thê thảm thành… đẹp như mơ. Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi 30 tỉnh thành vừa công bố tỷ lệ tốt nghiệp đều cho thấy sự “vươn lên” mạnh mẽ nhờ điểm học bạ.

Nếu chỉ tính điểm thi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 66,9% đạt trung bình, nhưng khi cộng thêm điểm học bạ thì tỷ lệ tốt nghiệp lên đến 98,05%. Tương tự, tỉnh Bắc Kạn vươn từ 45% lên 95,67%, tỉnh Bình Phước từ 54,6% lên 98,8%, tỉnh Điện Biên từ 48,2% lên 97,22%, tỉnh Đăk Nông từ 42,9% lên 96,98%; tỉnh Phú Thọ từ 50% lên 99,1%... 

Với sự “vươn lên” ấy, tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước năm nay được dự báo sẽ cao hơn 95%, dù có rất nhiều bài thi bị điểm liệt và dưới trung bình. Cũng vì thế mà dư luận vẫn không thể yên tâm về những tỷ lệ đẹp được công bố hàng năm. Liệu bản thân từng địa phương, từng trường, từng lớp, từng người thầy có trung thực khi dạy dỗ, đánh giá HS hay vẫn mải miết chạy theo những thành tích ảo? 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI