Điểm học bạ lớp 12: 'Ảo' tung chảo!

28/08/2017 - 07:23

PNO - Điểm học bạ của học sinh (HS) lớp 12 toàn khá, giỏi và xuất sắc, nhưng kết quả thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia lại rớt nhiều như sung rụng.

Độ vênh về điểm số từ hai kỳ thi này vô tình làm “lộ” việc cho điểm “ảo” ở các trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tại TP.HCM. 

Học lực giỏi, thi dưới trung bình

Kết thúc năm học vừa qua, điểm trung bình của HS lớp 12 Trường THPT Quốc Trí đạt được là 8.14, nhưng thi THPT quốc gia các em chỉ đạt bình quân 4.30 điểm, lệch nhau 3.84 điểm. HS lớp 12 Trường THCS - THPT Phan Bội Châu có kết quả trung bình học bạ là 7.24, nhưng khi thi THPT quốc gia điểm bị tụt xuống còn 3.63 điểm, lệch nhau 3.61 điểm. 

Diem hoc ba lop 12: 'Ao' tung chao!
Thí sinh coi kết quả thi THPT quốc gia 2017

Tương tự, HS các trường TH - THCS - THPT Vạn Hạnh, THCS - THPT Bạch Đằng, THPT Phước Kiển, THPT Trần Quốc Tuấn, THCS - THPT Hoa Sen, phổ thông năng khiếu Thể thao Olympic… đều có điểm học bạ vào hàng khá, giỏi, xuất sắc nhưng điểm bình quân thi THPT quốc gia đều dưới trung bình. Rất nhiều trường THPT công lập như Đào Duy Anh, Thủ Thiêm, Nguyễn Văn Linh, Bình Tân… có điểm thi bình quân cũng đều dưới trung bình, dù trước đó chưa đầy một tháng, điểm thi học kỳ ghi trong học bạ của HS không hề thua chị kém em. 

Trong tổng số 216 trường và trung tâm GDTX được thống kê có 101 đơn vị có điểm lệch từ 2 - 3.84 điểm, 76 đơn vị  có điểm lệch từ 1,5 - dưới 2 điểm, 33 đơn vị có điểm lệch từ 1 - dưới 1,5 và chỉ có 6 đơn vị có độ lệch dưới 1 điểm.

Kết quả này không bất ngờ, bởi chuyện cho điểm “ảo” đã trở thành... thói quen ở nhiều trường THPT, khiến một số trường đại học (ĐH) đã thẳng thừng từ chối đặt niềm tin vào học bạ khi tuyển sinh. Và giờ đây, độ lệch giữa kết quả học bạ và kết quả thi THPT quốc gia là quá lớn khiến sự nghi ngờ của các trường ĐH như càng được củng cố. 

Nhưng câu chuyện trên là chuyện của TP.HCM - một trong vài địa phương hiếm hoi được tiếng là dạy học và thi cử nghiêm túc, “bệnh thành tích” còn nhẹ. Nếu xét trên bình diện cả nước, độ lệch chắc chắn sẽ khủng khiếp hơn. Thống kê mới đây của Trường ĐH FPT cho thấy, nếu chỉ xét tốt nghiệp căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia thì tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp của cả nước năm 2017 chưa tới 60%.

Nhưng với cách tính điểm xét tốt nghiệp bao gồm cả điểm học bạ 12 thì tỉ lệ tốt nghiệp đạt hơn 90%. Cách tính điểm xét tốt nghiệp dựa vào điểm học lớp 12 và điểm thi như hiện nay bắt đầu từ năm 2014 và hầu như năm nào tỉ lệ tốt nghiệp các địa phương cũng đều xấp xỉ 100%. "Công lớn" của kết quả “đẹp” này thuộc về cách cho điểm năm lớp 12 của các trường và các địa phương.

Một chuyên gia giáo dục thẳng thắn: “Nhìn vào tất cả các kỳ thi, có thể thấy sự chênh lệch điểm tổng kết trên học bạ và điểm thi vô cùng rõ rệt. Chẳng hạn, với 6.200 bài thi bị điểm liệt của kỳ thi năm nay, nếu làm một cuộc khảo sát về điểm tổng kết các môn học này của thí sinh ở lớp 12, hẳn nhiều người sẽ bất ngờ. Chắc chắn không có nhiều điểm thấp đến thế trong các cuốn học bạ”. 

Diem hoc ba lop 12: 'Ao' tung chao!
 

Tiến bộ thần tốc hay “cho” điểm vô tội vạ?

Dù đề thi THPT quốc gia năm nay được cho là quá dễ nhưng điểm thi bình quân của tất cả các trường phổ thông tại TP.HCM đều thấp hơn điểm trong học bạ lớp 12, thậm chí có trường điểm thi chỉ bằng một nửa điểm học bạ. Nghịch lý này mặc nhiên trở thành tự nhiên bởi ai cũng biết, điểm học bạ đang được các trường nâng lên một cách có chủ trương.

Thầy Nguyễn Khắc Khanh - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ - từng nhìn nhận: nhiều nơi đang chấp nhận sự nâng điểm cho HS như một lẽ tự nhiên, nhất là HS cuối cấp để đạt được những kết quả mong muốn. Với lớp 12, điểm học bạ có thể giúp các em trúng tuyển ĐH và “cứu” được tỉ lệ đậu ĐH của các trường. Nhiều em lớp 10,11 chỉ học bình thường, đến lớp 12 bỗng “bứt phá thần tốc” lên khá, giỏi.

Giáo viên một trường THPT ở quận 8 nói: “Khi nhà trường muốn, giáo viên muốn, thì HS khó mà thoát… giỏi”. “Chiêu” quen thuộc để “cải thiện” điểm cho HS một cách hợp lý theo giáo viên này là: cho HS kiểm tra lại, trả bài lại, với đề và câu hỏi lần sau phải “dễ chịu” hơn lần trước; hoặc trước mỗi kỳ kiểm tra sẽ cho HS ôn luyện có trọng tâm kiểu “ôn ba ra một”…

Nhưng giỏi thật hay ảo chỉ thật sự bại lộ khi các em tham gia vào kỳ thi mà thầy cô ở trường không thể can thiệp vào kết quả. Và điểm “lệch” đã “tố cáo” bản chất của việc cho điểm “ảo” ở trường phổ thông. 

Khi mà hầu hết các trường đều gian dối thì trường nào làm thật lại chịu thiệt thòi. Đối chiếu kết quả của 216 trường THPT và trung tâm GDTX trong kỳ thi năm nay tại TP.HCM, thật bất ngờ khi Trung tâm GDTX Lê Quý Đôn lại là nơi có độ “lệch” ít nhất với 0,29 điểm (điểm trung bình học bạ là 5.66, điểm thi bình quân là 5.37). 

Cho điểm sít sao liệu HS của mình có thiệt thòi? Ông Đặng Quốc Định - Giám đốc Trung tâm GDTX Lê Quý Đôn - thẳng thắn: “Trước hết là kết quả không đẹp. Nhưng chúng tôi vẫn chọn “thua thiệt” vì nghĩ rằng cho điểm “ảo” mới chết học trò. Cho điểm không thật với thực lực, khi lên ĐH các em học không nổi, ra đời vấp ngã ngay.

Cho điểm “ảo”, đánh lừa học trò, các em ảo tưởng vào năng lực của mình rồi đăng ký vào những trường quá cao để trở thành kỹ sư, bác sĩ, trong khi khả năng của các em chỉ phù hợp với học nghề. Như vậy là hại cho các em. Quan điểm của chúng tôi là đánh giá đúng thực chất, em nào không thể vào ĐH thì hướng vào học nghề”. 

Cho điểm “ảo” là chuyện chẳng hay ho, nhưng để bài xích hoặc chọn cách đứng riêng trong bối cảnh gian lận đang tràn lan là điều không dễ. Lợi ích trước mắt là giúp học trò dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, nhưng cái giá phải trả thì sớm muộn cũng sẽ đến và nó còn lớn hơn nhiều so với câu chuyện thi cử hôm nay.

Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng rất nhiều sinh viên sau khi đậu vào ĐH rồi phải bỏ dở giữa chừng vì học không nổi, năng lực không phù hợp... Khi ngồi nhầm chỗ, học nhầm nghề, lãng phí lớn nhất không phải chỉ là chi phí phải bỏ ra mà chính là công sức và thời gian gắn liền với cơ hội của người học. Đó là chưa kể, đôi khi người học còn chuốc lấy bi kịch cho cuộc đời mình. 

Trường đại học đòi tách kỳ thi vì chưa “tin” kết quả phổ thông

Nhiều cán bộ phụ trách tuyển sinh của các trường ĐH cho biết họ không tin vào kết quả đẹp như mơ của học bạ lớp 12 THPT. Nếu nhất thiết chỉ còn một kỳ thi quốc gia thì nên duy trì kỳ tuyển sinh vào ĐH, bỏ thi phổ thông. Bởi các trường ĐH chưa thể dùng kết quả phổ thông để tuyển đầu vào cho mình, cả hiện tại và trong tương lai gần.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI