Điểm hẹn của những nghệ sĩ lão thành ngày cuối năm

16/01/2020 - 18:00

PNO - Nhiều nghệ sĩ đến từ rất sớm để gặp gỡ, chuyện trò với những đồng nghiệp cũ mà mỗi năm, chỉ có dịp này họ mới có thể cùng nhau hàn huyên tâm sự, bùi ngùi xúc động nhắc nhớ người mất, người còn.

Gần 20 năm nay, năm nào nghệ sĩ (NS) Thúy Liễu cũng chờ đợi những ngày cuối năm để đến Viện Dưỡng lão nghệ sĩ nhận quà tặng do Ban Ái hữu nghệ sĩ (Hội Sân khấu TPHCM) vận động, quyên góp từ các Mạnh Thường Quân chăm lo cho nghệ sĩ nghèo đón một cái tết ấm áp, đủ đầy.

NS Thúy Liễu xúc động khi nói về tình cảm của các mạnh thường quân, khán giả dành cho NS nghèo khó, neo đơn
NS Thúy Liễu xúc động khi nói về tình cảm của các Mạnh Thường Quân, khán giả dành cho NS nghèo khó, neo đơn

Tết năm nay, cùng 300 NS già yếu, khó khăn, NS Thúy Liễu được nhận một phần quà gồm kẹo bánh, nhu yếu phẩm, 20kg gạo và 1 triệu đồng tiền mặt. 74 tuổi, mưu sinh bằng công việc “làm mướn” (theo cách nói của bà) thì 1 triệu đồng là khoản tiền không nhỏ. Bà nói: “Có số tiền này tui đỡ lo chạy vạy kiếm tiền cuối năm. Bánh kẹo được tặng, chỉ cần mua thêm ít trái cây, hoa lá chưng bàn thờ. Tết với tôi vậy là đủ”.

Theo đoàn hát từ năm 8 tuổi, NS Thúy Liễu bắt đầu có chút tên tuổi khi về Đoàn cải lương Út Bạch Lan - Thành Được. Nhưng không bao lâu, đoàn hát tan rã, bà theo hết đoàn này đến đoàn khác; không đi đoàn thì lại tiếp tục hát ở các quán nghệ sĩ cho tới lúc trên dưới 60 tuổi. Cả cuộc đời gắn với sân khấu, ánh đèn, đem lời ca tiếng hát phục vụ khán giả, rời sân khấu, bà không biết làm nghề gì khác ngoài việc “ai kêu gì làm đó”.

 

Tranh thủ hỏi thăm người nhà của nhau trước khi chia tay
Tranh thủ hỏi thăm người nhà của nhau trước khi chia tay

Nhà có 3 cô con gái, từ nhỏ theo mẹ đi cùng các đoàn hát, không được học hành. Tới khi họ lập gia đình, sinh con, cuộc sống chật vật, cũng chẳng thể giúp được gì nhiều cho mẹ.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, NS Thúy Liễu vẫn ở trong căn phòng mướn, “còn sức khỏe để làm thuê đã là may mắn lắm rồi” – bà bộc bạch. Gần hai mươi năm nay, bà vẫn hạnh phúc với những phần quà, phần tiền được Ban Ái hữu nghệ sĩ tặng vào dịp cuối năm. “Nó không chỉ giúp những ngày tết của tôi đầy đủ hơn mà còn cho tôi niềm vui, sự ấm áp vì cái tình của khán giả dành cho những người NS như tôi” - bà bày tỏ trong sự xúc động .

NS thôi đoàn hát thì còn có giọng ca để hát quán, hát đám tiệc mưu sinh kiếm sống. Nhưng những công nhân hậu đài, chị bếp… khi rời sân khấu phải bươn chải bằng sức lao động. Ngặt nỗi, không ít người khi rời đoàn hát thì tuổi không còn trẻ, không nghề nghiệp, không ruộng vườn… cái nghèo khó bám hoài theo họ. Vợ chồng ông Tiến, bà Sáu là một trong những trường hợp đó.

Chồng làm hậu đài, vợ nấu ăn cho đoàn hát; khi các đoàn hát rã gánh, vợ chồng ông Tiến dắt díu con cái về quê ở Tiền Giang. Không mảnh đất cắm dùi, 9 người con theo cha mẹ đi đoàn đều thất học, nghèo khó. Nhưng may mắn, nhờ chăm chỉ họ cũng dành dụm mua được một mảnh đất nhỏ, để sau đó có một Mạnh Thường Quân về cất cho căn nhà che nắng, che mưa.

 

Nụ cười của bà Sáu Tiến , người lo từng bữa ăn cho cả Đoàn cải lương Sài Gòn 2
Nụ cười của bà Sáu Tiến, người một thời lo từng bữa ăn cho cả Đoàn cải lương Sài Gòn 2

Tám người con lớn mỗi người một nơi, vợ chồng ông Tiến giờ sống với vợ chồng anh con trai út. Mấy năm nay, ông Tiến phải nằm một chỗ sau lần bị tai biến. Bà Sáu cũng hơn 80 tuổi, loanh quanh ở nhà, lâu lâu mới có người kêu phụ việc. Anh con trai út đi làm thuê, mỗi ngày được khoảng hai trăm ngàn, cộng thêm tiền vợ ở nhà đan giỏ thuê được vài chục ngàn nữa, nuôi cả nhà sáu miệng ăn. Bệnh tật của hai vợ chồng già đã có bảo hiểm lo.

Điều ngạc nhiên ở bà Sáu là nụ cười hồn hậu, trái ngược với khuôn mặt in hằn vết thời gian. Bà nói mình không có gì buồn, không phàn nàn về cuộc sống hiện tại, cứ liệu cơm gắp mắm, cả nhà chưa đói bữa nào. Con cái ở xa, ai phụ được cha mẹ thì phụ, ông bà không đòi hỏi.

"So với thời lang thang theo đoàn hát thì giờ mình sướng hơn nhiều chớ, có cái nhà để ở một nơi, vợ chồng, con cái, bà cháu quây quần bên nhau. Vui nhất là hơn 20 đứa cháu nội ngoại, đứa nào cũng được đi học chớ không phải chịu cảnh thất học như cha mẹ hồi trước. Hạnh phúc còn hơn món quà được nhận là vợ chồng tôi, dù chỉ chạy cảnh, nấu ăn vẫn được nhớ tới mỗi năm” - Lặn lội từ Tiền Giang lên Sài Gòn nhận quà, bà cười móm mém.

Cứ đến cuối năm, bà Thanh Thủy (nhân viên hóa trang, phục trang Đoàn cải lương Nam bộ) lại trông ngóng để được đến Viện Dưỡng lão nghệ sĩ nhận quà. Điều bà trông mong gấp nhiều lần những món quà được nhận là niềm vui gặp lại những NS từng gắn bó từ khi đi đoàn.

 

NSƯT Thanh Dậu say sưa nhắc kỷ niệm thời ở Đoàn cải lương Nam bộ với bà Thanh Thủy - nhân viên phục trang hóa trang của đoàn
NSƯT Thanh Dậu say sưa nhắc kỷ niệm thời ở Đoàn cải lương Nam bộ với bà Thanh Thủy - nhân viên phục trang, hóa trang của đoàn

NSƯT Thanh Dậu tíu tít nhắc chuyện mỗi ngày cứ đến giờ hát là vợ chồng bà lại chạy quanh kiếm bác Thủy để nhờ giữ con. Rồi những ngày con quấy khóc, không kịp ăn cơm trước khi ra hát, NSƯT Thanh Thủy lại được chị Thủy phục trang đưa cho phần ăn mà bà cất để dành từ chập tối… Những kỷ niệm từ cách đây hơn nửa thế kỷ chợt ùa về như mới ngày hôm qua. Phút chốc họ như trẻ lại, nhiệt huyết và ấm áp tình nghĩa dành cho nhau.

Trong số 300 NS, nhạc công, công nhân sân khấu được nhận quà tết hôm nay (16/1), có những người vừa mất cách đây chưa lâu, người thân đến nhận thay để lo bàn thờ ba ngày tết cho thêm phần ấm cúng; để dẫu có đi xa họ vẫn cảm nhận được tình cảm của đồng nghiệp, của khán giả dành cho mình.

Cũng có những người quá già yếu, không thể tự mình đi nhận quà nên con cháu phải đi thay. Một điều rất đặc biệt là dẫu ba mẹ, cô chú hôm nay vắng mặt thì vẫn có rất nhiều NS khác “nhận diện” được người đi nhận quà thay để hỏi thăm "ba mẹ, cô chú… của con lúc này ra sao?"; "Cho cô chú gởi lời thăm ba mẹ, cô chú… con".

 

Chở quà về cho mình và
Chở quà về cho mình và "thồ" quà giúp đồng nghiệp

Buổi sáng cuối năm, khoảng sân của Viện Dưỡng lão nghệ sĩ bỗng nhộn nhịp hơn. Nhiều NS đến từ rất sớm để được gặp gỡ, chuyện trò với những đồng nghiệp cũ mà mỗi năm, chỉ có dịp này họ mới có thể cùng nhau hàn huyên tâm sự, bùi ngùi xúc động nhắc nhớ người mất, người còn.

Có NS không chú ý nghe đọc tên mình lên nhận quà; quên mất việc mình còn phải vô ký nhận khoản tiền mặt 1 triệu đồng vì niềm vui hàn huyên chưa dứt. Nắng đã lên cao, tạm quên những gói quà, những bao gạo đang bị “phơi nắng”, những mái đầu bạc vẫn ngồi bên nhau ôn lại những câu chuyện cũ, kỷ niệm vui buồn...

          Bài, ảnh: Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI