Điểm dừng chân mới của ngành làm đẹp châu Á

10/11/2023 - 08:35

PNO - Trong khi thị trường mỹ phẩm tại Hàn Quốc và Nhật Bản đang bão hòa thì Đông Nam Á và Ấn Độ được xem là “thành phố vàng” mới nổi của ngành làm đẹp cao cấp.

 

Đầu tháng 10/2023, nữ diễn viên Athiya Shetty trở thành đại sứ thương hiệu đầu tiên  của Laneige tại Ấn Độ
Đầu tháng 10/2023, nữ diễn viên Athiya Shetty trở thành đại sứ thương hiệu đầu tiên của Laneige tại Ấn Độ

1. 
Kearney và Luxasia - 2 công ty tư vấn quốc tế - đều dự báo thị trường làm đẹp tại Đông Nam Á và Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 11% đến năm 2031 - tăng gấp 2 đến 3 lần so với mức tăng trưởng trung bình của ngành làm đẹp cao cấp toàn cầu chỉ ở khoảng 4 - 6%. Đến năm 2026, thị trường này có thể cán mốc 7,6 tỉ USD. Một nguyên nhân khác khiến 2 thị trường trên thu hút các doanh nghiệp mỹ phẩm cao cấp là do sự gia tăng của tầng lớp thượng lưu và trung lưu.Dự kiến, năm 2026, con số này sẽ cán mốc 1 tỉ người.

Siddharth Pathak - Giám đốc ngành tiêu dùng và thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Kearney - cho biết: “Đông Nam Á và Ấn Độ có mặt trong mọi chương trình phát triển chiến lược của các CEO làm đẹp cao cấp toàn cầu vì chúng hứa hẹn giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục tiếp theo”.
Hàn Quốc - quốc gia có kim ngạch xuất khẩu mỹ phẩm cao hơn các sản phẩm gia dụng, dược phẩm và điện thoại di động vào năm 2021, lên đến 10.000 tỉ won - đang mở rộng thị trường đa dạng hơn.

Trong số 153 quốc gia nhập khẩu mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Trung Quốc từng là khách hàng lớn nhất với thị phần 53,2%. Tiếp theo là Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, khi Trung Quốc phục hồi chậm và quan hệ Hàn - Trung đang thay đổi, nhiều doanh nghiệp Hàn đã rời khỏi Trung Quốc đồng thời xem một số quốc gia châu Á khác là thị trường tiềm năng để thay thế.

Mục tiêu của The Body Shop tại Ấn Độ là mở khoảng 30 cửa hàng mỗi năm
Mục tiêu của The Body Shop tại Ấn Độ là mở khoảng 30 cửa hàng mỗi năm

Korea Herald dẫn dữ liệu của Hiệp hội Mỹ phẩm Hàn Quốc được công bố hôm 26/6 cho thấy Việt Nam hiện đang là thị trường “màu mỡ” nhất đối với mỹ phẩm Hàn Quốc khi lượng mỹ phẩm xuất khẩu sang Việt Nam và các quốc gia châu Á khác vẫn đang tăng lên theo cấp số nhân. Cụ thể, tổng lượng mỹ phẩm Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 43,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 187,5 triệu USD.

2. 

Ngoài Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ nổi lên như vùng đất hứa mới, đầy cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như các thương hiệu làm đẹp toàn cầu. Không khó hiểu khi nhìn vào mức độ tăng trưởng đầy ấn tượng của quốc gia này trong năm 2022, lên đến 6,3%, cao hơn mức 5% của Trung Quốc. Ấn Độ cũng vượt Trung Quốc về quy mô dân số vào tháng Tư vừa qua. Theo số liệu từ Euromonitor International, truy cập internet phổ biến hơn, mức thu nhập tăng và dân số trẻ lớn nhất thế giới đã góp phần thúc đẩy sự bùng nổ trong thị trường làm đẹp: tăng từ 12,3 tỉ USD năm 2018 lên 15,6 tỉ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt 17,4 tỉ USD vào năm 2025.

Việt Nam hiện đang là thị trường “màu mỡ” nhất đối với mỹ phẩm Hàn Quốc
Việt Nam hiện đang là thị trường “màu mỡ” nhất đối với mỹ phẩm Hàn Quốc

Sau thất bại 6 năm trước, gã khổng lồ L'Oréal đã đưa thương hiệu Lancôme trở lại thị trường Ấn Độ. Tham vọng của L'Oréal Ấn Độ là thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại đây đạt trị giá 1 tỉ euro trong vòng 3 đến 5 năm tới. Tháng Chín năm ngoái, tập đoàn mỹ phẩm Nhật Bản Shiseido đã giới thiệu thương hiệu Nars tới các cửa hàng làm đẹp ở Ấn Độ. The Body Shop cũng đang mở rộng số lượng cửa hàng tại Ấn Độ, nơi thương hiệu này đã có mặt từ năm 2006 thông qua 200 cửa hàng. Mục tiêu của The Body Shop tại Ấn Độ là mở khoảng 30 cửa hàng mỗi năm.

Hãng mỹ phẩm AmorePacific lớn nhất Hàn Quốc cũng đã chọn Ấn Độ, Bắc Mỹ và châu Âu để đối phó với tình hình kinh doanh khó khăn hiện tại. “Ấn Độ là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý ở thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Thị trường Ấn Độ là bước tiếp theo của chúng tôi. Người Ấn rất quan tâm các sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên. Nhờ các loại mặt nạ dưỡng môi và da, thương hiệu Laneige của chúng tôi đạt mức tăng trưởng bình quân 77% mỗi năm trong 3 năm qua” - quản lý cấp cao của AmorePacific cho biết.

AmorePacific đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ, tập trung vào các nền tảng thương mại điện tử và cửa hàng đa thương hiệu. Hãng đã hợp tác với Nykaa - sàn thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ - để quảng bá các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc. “Chúng tôi hiện đang nhắm vào tất cả các nhóm tiêu dùng từ thanh thiếu niên đến trung niên. Mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi là đảm bảo thị phần đáng kể ở Ấn Độ và mở rộng dần dần” - đại diện AmorePacific nói. Hiện hãng có 4 thương hiệu tại Ấn Độ là Innisfree, Laneige, Etude House và Sulwhasoo.

Hãng mỹ phẩm AmorePacific lớn nhất Hàn Quốc cũng đã chọn Ấn Độ, Bắc Mỹ và châu Âu để đối phó với tình hình kinh doanh khó khăn hiện tại
Hãng mỹ phẩm AmorePacific lớn nhất Hàn Quốc cũng đã chọn Ấn Độ, Bắc Mỹ và châu Âu để đối phó với tình hình kinh doanh khó khăn hiện tại

Các hãng mỹ phẩm cũng chọn các ngôi sao địa phương làm đại diện thương hiệu tại thị trường này. Đầu tháng 10/2023, Laneige chọn nữ diễn viên Athiya Shetty làm đại sứ thương hiệu đầu tiên tại Ấn Độ.

Tiềm năng của thị trường Ấn còn được thể hiện qua việc các công ty toàn cầu không ngừng rót vốn đầu tư vào các thương hiệu nội địa. Vào tháng 5/2022, Sugar Cosmetics - một thương hiệu làm đẹp trẻ của Ấn Độ - đã hoàn tất việc nhận hỗ trợ 50 triệu USD với một nhóm nhà đầu tư bao gồm chi nhánh châu Á của L. Catterton, quỹ đầu tư Pháp - Mỹ do LVMH đồng sáng lập. Đến tháng 7/2022, tập đoàn Estée Lauder của Mỹ đã ký kết hợp tác với công ty Nykaa của Ấn Độ, một chuyên gia bán sản phẩm làm đẹp trực tuyến ra mắt nền tảng Beauty & You India…

3. 

Tuy nhiên, giống như Đông Nam Á, Ấn Độ sở hữu hệ sinh thái thị trường rất đa dạng. Điều này là cơ hội nhưng cũng là thách thức bởi độ phức tạp của thị trường và người tiêu dùng có thói quen hay thay đổi, nhất là khi họ có nhiều sự lựa chọn. “Các thương hiệu cao cấp ngày nay phải đối mặt với 6 thách thức lớn tại quốc gia này: mạng lưới bán lẻ đa chiều, sở thích sản phẩm địa phương không đồng nhất, cách tiếp cận tiếp thị khác nhau, khung pháp lý phức tạp, chuỗi cung ứng tốn kém và đặc biệt là lựa chọn đối tác trong bối cảnh thông tin không đồng nhất” - Kearney và Luxasia cảnh báo. 

 

Thư Hiên

 

Nguồn ảnh: Internet

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI