“Điểm đến” của phụ nữ nhập cư

08/08/2014 - 09:16

PNO - PN - “Nhóm làm đồ dùng trẻ em” của Hội LHPN Q.7 (TP.HCM) được Thành Hội đánh giá là mô hình sáng tạo khi vừa làm ra những sản phẩm an toàn cho trẻ em, vừa tạo việc làm cho nhiều phụ nữ. Mô hình này hiện đã “lan tỏa” khắp...

edf40wrjww2tblPage:Content

Căn nhà của dì Nguyễn Thị Kim Dung, 56 tuổi, trưởng nhóm làm đồ dùng trẻ em tại P.Bình Thuận, Q.7 từ lâu đã trở thành chốn lui tới của sáu thành viên đến học nghề cắt may cặp sách, ba lô cho trẻ em. Bên những chồng nguyên liệu ngổn ngang xen lẫn những chiếc cặp táp, ba lô xinh xắn với đủ màu sắc, dì Dung hồ hởi: “Những mẫu mã cũng như màu sắc trên từng chiếc cặp sách đều do tôi thiết kế, hạn chế dùng các chất liệu nhựa, ni lông độc hại để đảm bảo an toàn cho trẻ. Sau khi hoàn thành công đoạn cắt, các thành viên sẽ lấy hàng về ráp thành phẩm. Thành viên trong tổ đa phần là dân nhập cư, lại lớn tuổi, muốn tìm công việc tại nhà vừa có thu nhập vừa tiện chăm sóc gia đình”. Nếu cần mẫn, siêng năng, thu nhập mỗi ngày cũng được 100.000-120.000đ. Nguồn hàng có đều đặn, công việc lại ổn định nên nhiều chị ở xa cũng đến lấy hàng về làm. Dì Dung hỗ trợ máy may nên chị em có điều kiện làm ăn. Còn với riêng dì, nhờ “bám” nghề mà đã trang trải được cuộc sống gia đình, sửa chữa nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học thành tài.

Lựa chọn hướng đi riêng, nhóm làm đồ dùng trẻ em tại P.Tân Hưng, Q.7 đã chọn mặt hàng thú nhồi bông là “cần câu cơm” cho các thành viên. Trên nền nhà, chị Lê Thị Kim Anh, 31 tuổi, người phụ trách nhóm, chất đầy các sản phẩm nhồi bông với đủ các mẫu mã siêu nhân, người nhện, búp bê… Cầm trên tay con búp bê có kích cỡ vừa phải, chị giới thiệu: “Để có thành phẩm như thế này phải qua nhiều công đoạn cắt, in, may, dồn gòn, nhuộm… Mỗi thành viên đảm nhận một khâu, tùy theo tay nghề của các chị. Vì là đồ chơi trẻ em nên tổ dùng hoàn toàn gòn Việt Nam để làm ruột thú bông, an toàn cho trẻ”.

“Diem den” cua phu nu nhap cu

Nhóm làm đồ dùng trẻ em vừa tạo ra những sản phẩm an toàn cho trẻ, vừa giải quyết việc làm cho phụ nữ nhập cư

Hiện nhóm của chị Kim Anh phụ trách có gần 20 thành viên, phần lớn là phụ nữ trẻ nhập cư có hoàn cảnh khó khăn, một số làm việc tại cơ sở, số khác mang hàng về nhà làm để tiện việc chăm sóc con cái. Công việc không mấy vất vả, chỉ cần chịu khó, chăm chỉ thì “lên tay” rất nhanh. Những chị mới vào nghề thì kiếm 90.000-100.000đ/ngày, người làm giỏi có thể được 120.000-150.000đ/ngày. Chị Nguyễn Thị Thanh Nghĩa, nhà ở huyện Bình Chánh, cho biết, là dân ở nơi khác đến đây sinh sống, không xin được việc, gia đình chị rơi vào cảnh chật vật. Khi biết tổ sản xuất thú nhồi bông này, chị liền đến tìm hiểu và đã có được công việc ổn định.

Trước thực trạng nhiều phụ nữ trên địa bàn quận chưa có việc làm, một số chị còn là “trụ cột gia đình”, đời sống nghèo khó… thì sự ra đời của nhiều tổ, nhóm làm đồ dùng trẻ em có ý nghĩa quan trọng. Chị Hồ Thị Kha - cán bộ phụ trách Ban vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững của Hội LHPN Q.7 cho biết: “Hiện nay, dân nhập cư tại địa phương rất nhiều. “Nhóm làm đồ dùng trẻ em” không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương mà còn ở các vùng lân cận. Đồng hành với các tổ, nhóm sản xuất trên, thời gian qua Hội LHPN quận đã hỗ trợ phát vay cho các chủ cơ sở, thành viên trong tổ để tái đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế… Sắp đến, Hội sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để “Nhóm làm đồ dùng trẻ em” phát huy hiệu quả hơn”.

 Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI