Tại Việt Nam, có bao nhiêu trường đại học thật sự có “trái tim” đúng nghĩa? Cùng Phụ Nữ Online điểm danh những trường đại học có thư viện hiện đại, tiện nghi nhất nhé!
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Thư viện của Đại học Tôn Đức Thắng mang tên Thư viện truyền cảm hứng, có tổng diện tích sàn xây dựng 8.678m2. Và dĩ nhiên, vốn đầu tư để xây dựng thư viện này thuộc hàng khủng nhất hiện nay: 129 tỷ đồng.
|
Thư viện "không ngủ" đầu tiên tại Việt Nam |
TDTU INSPIRE Library có 7 tầng và khu tự học hoạt động 24/7. Đây là thư viện ‘không ngủ” đầu tiên tại Việt Nam.
Thư viện có thể phục vụ cho hơn 3.000 người sử dụng cùng lúc. Giao tiếp trong INSPIRE được khuyến khích, yêu cầu sử dụng tiếng Anh.
Thư viện này tiên phong ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ mới trong quản lý vận hành, khai thác và quản lý phát triển được áp dụng tại thư viện các đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Oxford…
|
Công nghệ "phủ" khắp thư viện |
Ngoài ra, TDTU INSPIRE Library còn được trang bị các thiết bị quản lý tự động theo công nghệ RFID gồm: hệ thống phân loại tài liệu sau khi người đọc trả sách; máy làm sạch, diệt khuẩn cho tài liệu; hệ thống máy mượn – trả sách tự động; cổng an ninh tài liệu; hệ thống kiểm soát ra vào, máy in đa chức năng...
Trường Đại học RMIT
Thư viện Đại học RMIT có tổng diện tích khoảng 2000 m2 với hệ thống quản trị thư viện Spydus từ Civica Singapore.
|
Choáng ngợp với không gian thư viện của trường quốc tế đến từ Úc |
Thư viện mở cửa tất cả các ngày trong tuần, từ 8g sáng đến 21g tối.
|
Thư viện RMIT có kho học liệu tiếng Anh lớn nhất Việt Nam hiện nay |
Thư viện RMIT có khoảng 80.000 sách in bằng tiếng Anh, là một trong những kho học liệu bằng tiếng Anh lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Nguồn tài nguyên điện tử cực phong phú với hơn 300 cơ sở dữ liệu của các nhà xuất bản nổi tiếng thế giới: 350.000 e-book, 100.000 báo, tạp chí và các loại tạp chí chuyên ngành, báo cáo phân tích tài chính… Thư viện cung cấp quyền truy cập không giới hạn tới nguồn tài liệu trực tuyến từ Melbourne.
|
Sinh viên tự học trong thư viện |
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Hệ thống Trung tâm Thông tin – Thư viện của ngôi trường tư thục này có tổng diện tích xây dựng hơn 16.000m2, giá trị đầu tư hơn 50 tỷ đồng.
|
Thư viện có cần phải "sang chảnh" thế này không? |
Thư viện Đại học Nguyễn Tất Thành có thể phục vụ cùng lúc cho hơn 1.700 sinh viên, được chia thành 3 khu với nhiều công năng: phòng đọc, phòng tra cứu thông tin, khu tự học, hội thảo, họp nhóm...
|
Tất cả máy tính được kết nối các phần mềm hỗ trợ học tập hiện đại |
Thư viện có khoảng 11.484 đầu sách với 51.884 bản sách, hơn 50 đầu báo, tạp chí được cập nhật hàng ngày.
Hơn 400 máy tính được cài đặt sẵn các phần mềm hỗ trợ học tập như PMT-EMS Education, PMT-EMS Examsys test...
Thư viện này còn mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế như Tài liệu Khoa học và Công nghệ Việt Nam (STD); ProQuest Central; Springer Link; IEEE để phục vụ miễn phí cho người học.
Thư viện mở cửa liên tục các ngày trong tuần. Trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 2.000 lượt bạn đọc đến thư viện.
|
Trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 bạn đọc "check-in" thư viện trường đại học này |
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn
Thư viện có tên là thư viện Trần Nhân Tông, sở hữu lối kiến trúc phương Tây mới lạ và hiện đại, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế.
|
Thư viện của trường Đại học Quốc tế Sài Gòn do kiến trúc sư Pháp thiết kế |
Thư viện là được xây dựng theo mô hình không gian mở với các dãy cầu thang sách trải dài khắp các tầng lầu. Không gian tự học, không gian nghỉ ngơi dành cho bạn đọc rất rộng rãi, thoáng mát, có các trang thiết bị hiện đại.
Các gam màu đa dạng như: cam, xanh, vàng… được kết hợp hài hòa tạo một không gian trẻ trung, sáng tạo và năng động.
|
Trẻ trung, năng động, tiện ích là ưu điểm của thư viện này |
Trang web thư viện và các công cụ tra cứu tài liệu được thiết kế hiện đại, đơn giản mà bắt mắt giúp người sử dụng có thể truy cập, tìm kiếm và sử dụng thông tin dễ dàng.
|
Hành lang, cầu thang... đều có thể trở thành giá sách và nơi tự học |
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM
Thư viện có trị giá xây dựng hơn 20 tỷ đồng này không chỉ là địa điểm học tập lý tưởng mà còn trở thành địa điểm check-in yêu thích của sinh viên. Thư viện mở cửa đến 20g30 mỗi ngày.
|
Một trong những địa điểm thu hút đông sinh viên nhất là khu tự học ở thư viện trung tâm |
Diện tích sử dụng gần 2000 m2 gồm 4 tầng lầu được thiết kế theo mô hình Không gian học tập chung (Learning Commons) tiện nghi và thân thiện, đáp ứng được môi trường học tập, nghiên cứu chuyên nghiệp của giảng viên, sinh viên.
|
Đẹp, nhiều tài liệu như vầy bảo sao sinh viên không thích? |
Vận hành và quản lý thư viện bằng công nghệ hiện đại: cổng kiểm soát vào/ra bằng công nghệ RFID; máy mượn trả sách tự động RFID; thẻ/chíp RFID; trạm lập trình RFID, trạm lưu thông RFID...
|
Thư viện sáng đèn đến tận đêm để phục vụ sinh viên học tập, nghiên cứu |
Tài nguyên sách hiện tại hơn 17.000 bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài ra, nguồn tài liệu điện tử có hơn 1,3 triệu tài liệu bao gồm giáo trình, ebook, luận văn, bài giảng điện tử và mua quyền truy cập đến tài liệu điện tử của các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới như Springer Nature, Proquest Central, Science@Direct, IEEE Xplore Digital Library, ACS, Scopus…
Theo bạn, trường đại học nào có thư viện ấn tượng nhất?
Gia Tuệ