Bánh canh "Cô tóc bạc"
Chỉ cần quẹo vào đầu đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1, TP.HCM), đoạn giao với đường Võ Thị Sáu, thực khách sẽ bắt gặp một căn nhà nhỏ luôn rộng cửa vào thời gian khoảng 15h kém.
Vừa tấp xe vào lề, người đàn ông hô to “một tô giò lớn!”. Thì ra, người này là khách quen với chủ quán. Đây cũng là khẩu phần mà đa số người tìm đến đây lựa chọn. Ngôi nhà nhỏ được trưng dụng làm quán bán bánh canh hoàn toàn không có bàn, khách chỉ việc dùng một chiếc ghế đẩu để tô bánh canh, tiết kiệm không gian.
Quán không hề có tên, ai ăn quen thì thường gọi là bánh canh "Cô tóc bạc", vì ngồi bán là một phụ nữ người Hoa có mái tóc bạc trắng, không cười, không nói (vì vốn tiếng Việt còn ít).
Điểm đặc biệt, món bánh canh ở quán chỉ bán trong vòng 1 tiếng vì chỉ có một người đứng bếp. Thực khách ghé quán, cũng vì mê hương vị nước dùng sôi nóng, trong veo quyện lấy hương vị của giò heo luộc sẵn. Thịt giò mềm, thơm mà không ngán, sợi bánh canh thì vừa miệng, thêm ít hành và gia vị. Chỉ vậy thôi đã đủ sức khiến khách ăn thành ghiền.
|
Quán ăn "Cô tóc bạc" phục vụ khách từ 15h hàng ngày. |
“Quán này, theo tôi, ngoài nơi bán sạch sẽ, cô chủ nêm nếm vừa miệng thì nhìn từ ngoài, mâm giò đã làm mình có cảm giác không đói cũng muốn ăn”, một thực khách tại quán cho biết.
Nhưng cũng theo vị khách này, điểm hạn chế của quán là không gian nhỏ không có bàn. Chỉ do một người nấu và bán nên thường số lượng ít, ai đi muộn sẽ không còn để ăn.
|
Giò heo là điểm nhấn của quán vì được đánh giá là sơ chế kỹ và mềm ngon. |
Khoảng 15 phút khi mở bán, căn nhà nhỏ chỉ khoảng 4m2 đã chật kín khách. Thậm chí, khách mua mang về phải đứng đợi tràn ra đường. Cho đến 1 tiếng sau, quán bắt đầu “đuổi khách” vì bánh canh đã hết.
Đa phần khách đến đây chỉ để ăn giò thay vì bánh canh nhưng khi đi muộn khoảng 30 phút sẽ hết giò. Bánh canh không có giá 15.000 đồng, thêm giò sẽ dao động từ 30.000-50.000 đồng, tùy miếng giò lớn hay nhỏ.
“Các cụ tuy đã già nhưng làm giò rất sạch sẽ, không xơ cứng, không có mùi. Nhiều khi thèm quá, ghé chậm một chút là thường xuyên không có giò để ăn”, anh Hưng, khách quen của quán cho hay.
Bún gỏi vịt hơn 30 năm tuổi
Cùng khung giờ bán với quán bánh canh "Cô tóc bạc", quán bún vịt nằm sâu trong hẻm 281 đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) mở cửa vào lúc 15h30. Thế nhưng trước đó khoảng 30 phút đã thấy khách đậu xe đứng chờ trước quán.
Quán gỏi vịt này nổi tiếng vì cách chế biến thịt vịt sạch sẽ, gỏi vịt thì đậm đà, dậy mùi. "Tiếng lành đồn xa", mỗi ngày quán đón đến cả trăm lượt khách, xe máy xếp cả hàng dài trong con hẻm nhỏ.
|
Quán bún vịt Lê Văn Sỹ mở bán từ 15h30, sau 1 tiếng sẽ hết sạch. |
Chủ quán cho biết đã bán bún gỏi vịt tại đây được hơn 30 năm. Mỗi ngày chỉ bán khoảng 20 con vịt, hết thì... nghỉ. Mặc dù khách đông nhưng chủ quan không tham, làm số lượng nhiều vì thịt vịt phải chế biến công phu và đảm bảo.
Theo chia sẻ của chủ quán, vịt muốn làm sạch để bán, phải mất nguyên cả ngày từ nhổ lông, làm sạch, khử và luộc chín. Khâu sơ chế tốn nhiều thời gian hơn những món khác.
Ngoài thịt vịt thơm ngon, quán còn "quyến rũ" thực khách bởi hương vị đặc trưng của nước chấm. Gừng cay nồng được giã nhuyễn, quyện trong hương vị mắm ngọt, pha chút ớt tươi the mát. Chấm qua miếng vịt dai mềm, thực khách chỉ có thể hít hà tán thưởng.
|
Nước chấm gừng là điểm nhấn của quán. |
Và tất nhiên, khách đến sau 16h thường sẽ hết thịt vịt, chỉ còn duy nhất cổ và cánh. Khách quen, nếu muốn ăn được gỏi vịt đặc trưng của quán (kèm bún tươi) thì phải canh đúng... khung giờ vàng.
Tuy nhiên, cũng không ít khách không quen với khẩu vị của người miền Nam sẽ có cảm giác nước chấm của quán chế biến khá ngọt. Hiện giá mỗi đĩa gỏi vịt tại đây khoảng 100.000 đồng, một tô bún vịt có giá 30.000 đồng.
Quán cơm dát đầy hoa phục vụ 25 suất tại Sài Gòn
Quán ăn độc đáo này khiến thực khách "xiêu lòng" không chỉ bởi cách chế biến cơm thuần hương vị miền Nam, mà món ăn còn được trang trí tinh tế bằng hoa tươi. Từ chén cơm trắng, đến những món kho tộ, canh chua… đều đính hoa và lá, tạo cảm giác bắt mắt và tăng thêm khẩu vị cho người dùng.
Quán cũng kinh doanh theo tôn chỉ "nhanh chân thì còn, chậm chân thì mất". Mỗi ngày, quán chỉ bán ra đúng 25 suất cơm trưa và khách đến thưởng thức, cũng phải gọi điện đặt trước một ngày.
Được biết, khởi đầu quán chỉ kinh doanh hoa tươi, về sau thấy khách thích không gian quán nên chủ quán quyết định bán thức ăn theo hình thức "nhà làm". Khách đến quán, vừa ngắm hoa, vừa nếm trọn hương vị những bữa trưa đậm đà dân dã. Chính vì thế mà quán là địa điểm yêu thích của dân văn phòng, muốn dùng cơm trong không gian riêng tư và yên tĩnh.
“Mình muốn mọi người khi tới đây sẽ có một không gian nhẹ nhàng, thoải mái để cảm nhận về hoa tốt hơn, ăn ngon hơn. Đa phần dân văn phòng chỉ có một ít thời gian rất là ngắn vào buổi trưa, nên cần thoải mái ăn ngon để bắt đầu một buổi làm việc hiệu quả hơn”, chủ cửa hàng cho hay.
|
Thực khách sẽ không biết trước sẽ ăn món gì cho đến khi nhân viên dọn cơm lên bàn. |
Điểm đặc biệt của quán, cũng gây tò mò cho khách khi menu hoàn toàn… giấu kín. Khách sẽ không biết mình được ăn trưa món gì mà thực đơn sẽ phụ thuộc vào người đi chợ. Sáng sớm người nấu bếp thấy món gì ngon và tươi thì hôm đó khách sẽ được thưởng thức món đó.
Tuy nhiên, thực đơn các món trong tuần thường sẽ không trùng lặp nhau, mỗi suất cơm khách thường được thưởng thức một món mặn, rau xào hoặc luộc ăn kèm với canh, không khác gì một bữa ăn tại nhà.
Quán nằm ngay khu vực quận 1 (đường Nguyễn Thị Hồng Gấm) nên khá đông đúc. Mỗi ngày, khách đến nhận bàn đúng 12h trưa, quán chỉ phục vụ đúng 25 suất cơm, khách ngồi khoảng 6 - 7 bàn là hết.
|
Thường khách sẽ nhận bàn vào đúng 12h trưa. |
Giá mỗi suất cơm tại quán hiện tại là khoảng 120.000 đồng. Buổi sáng hoặc chiều (sau 15h) khách khi đến sẽ được phục vụ cà phê và trà. Đây cũng là nơi thú vị cho những người yêu thích cắm hoa nghệ thuật.
Mộc Trà