Nhiều ngành nhận hồ sơ từ 22-24 điểm
Tới ngày 27/8, thí sinh mới hết hạn xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, hiện nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố xét tuyển bổ sung sớm để kịp bắt đầu năm học mới.
Đợt này, Trường ĐH Văn Lang xét tuyển bổ sung (đến hết ngày 31/8) hầu hết các ngành đào tạo theo 3 phương thức: xét điểm học bạ THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. Đáng chú ý, mức điểm xét tuyển đợt 2 của trường cao hơn điểm chuẩn đợt 1. Nhiều ngành lấy từ 24 điểm trở lên đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và từ 700-750 điểm trở lên đối với phương thức xét bằng điểm thi đánh giá năng lực. Cụ thể là các ngành: truyền thông đa phương tiện, công nghệ điện ảnh truyền hình, y khoa, dược học, răng hàm mặt. Ngành quan hệ công chúng lấy từ 22 điểm trở lên, nhiều ngành khác cũng lấy cao hơn điểm chuẩn đợt 1: từ 19-19,5 điểm.
|
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Công nghệ TPHCM ngày 22/8 |
Học viện Hàng không Việt Nam tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu, điểm xét tuyển từ 16-18 với phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, từ 18-20 điểm khi xét bằng học bạ. Trong đó, ngành công nghệ thông tin tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu, các ngành còn lại mỗi ngành 50 chỉ tiêu.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng xét tuyển bổ sung gần 1.000 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo, nhận hồ sơ xét tuyển từ nay đến hết ngày 5/9. Trường nhận hồ sơ từ 15-22,5 điểm khi xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, từ 18-24 điểm xét bằng học bạ THPT. Riêng nhóm ngành sức khỏe, nếu xét học bạ, thí sinh cần đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Cụ thể với ngành y khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền và dược học: tổng điểm tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 24 điểm trở lên và học lực lớp Mười hai loại giỏi; ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm y học và kỹ thuật phục hồi chức năng - tổng điểm tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 19,5 điểm trở lên và học lực lớp Mười hai loại khá trở lên. Những ngành này nếu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải đạt từ 19-22,5 điểm trở lên…
Trường ĐH Hoa Sen xét tuyển bổ sung 1.500 chỉ tiêu cho 30 ngành đào tạo ở tất cả phương thức xét tuyển. Mức nhận hồ sơ khi xét bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM là 600; điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 15-18 điểm; xét bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội từ 67; xét bằng học bạ nhận hồ sơ từ 6 điểm trở lên.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển bổ sung tất cả các ngành đến ngày 31/8, với 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ THPT và điểm thi đánh giá năng lực. Mức điểm xét tuyển bổ sung tương đương với mức điểm chuẩn đợt 1. Trong đó, với phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, cao nhất là ngành y khoa 23 điểm; răng hàm mặt 22,5 điểm; y học cổ truyền và dược học cùng 21 điểm. Ngành điều dưỡng, kỹ thuật phục hồi chức năng, kỹ thuật xét nghiệm y học, y học dự phòng là 19 điểm. Các ngành còn lại, trường nhận hồ sơ từ 15 điểm.
Nhiều trường khác cũng ra thông báo sẽ xét tuyển bổ sung như: Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TPHCM…
Ngành "nóng" có thể tăng 0,5-1,5 điểm
Vẫn còn chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành “nóng” nhưng các chuyên gia cho rằng mức xét tuyển bổ sung sẽ tương đương hoặc tăng ít so với điểm chuẩn đợt 1 do lượng thí sinh không còn nhiều. Mức độ cạnh tranh ở đợt xét tuyển này vì thế cũng nhẹ nhàng hơn.
Dự kiến xét tuyển bổ sung khoảng 1.000 chỉ tiêu, ông Vũ Quang Huy - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TPHCM - thông tin, thí sinh còn khá nhiều cơ hội xét tuyển vào hầu hết các ngành. Dự đoán mức điểm chuẩn xét tuyển bổ sung nhiều ngành có thể bằng với điểm chuẩn đợt 1. Tuy nhiên, với một số ngành được thí sinh yêu thích như: công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, công nghệ kỹ thuật ô tô… có thể sẽ cao hơn 0,5-1 điểm.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM - cho biết, trường xét tuyển bổ sung tất cả các ngành với điểm nhận hồ sơ bằng điểm chuẩn đợt 1. Nhận định chung, dù nhiều trường tuyển nhưng số lượng chỉ tiêu không còn nhiều nên điểm chuẩn có thể biến động nhẹ. Những ngành khoa học môi trường, khoa học cơ bản, các ngành đặc thù… thường kén thí sinh nên điểm chuẩn sẽ tương đương đợt 1. Riêng những ngành hút thí sinh như nhóm ngành liên quan tới công nghệ, khoa học máy tính, kinh tế, tài chính… điểm chuẩn có thể tăng 0,5-1,5 điểm.
“Dù vậy, thí sinh vẫn nên cân nhắc thật kỹ trong đợt xét tuyển này, bởi đây là cơ hội cuối để các em chọn được ngành học phù hợp. Cần xem xét số điểm của mình so với điểm chuẩn của các trường, bởi điểm xét tuyển bổ sung sẽ bằng hoặc cao hơn đợt 1. Ngoài ra, thí sinh cũng nên tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo, học phí, học bổng… của các trường tuyển bổ sung để chọn trường tốt nhất” - ông Phạm Doãn Nguyên nói. Với thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 càng phải cân nhắc nhiều hơn giữa việc hủy xác nhận nhập học để xét tuyển bổ sung, hay học ngành mình đã đậu. Để có câu trả lời, các em cần ngồi lại xem xét những ngành nào, trường nào còn tuyển, chỉ tiêu bao nhiêu, điểm chuẩn thế nào… Nếu cảm thấy mình vẫn còn cơ hội trúng tuyển vào ngành học đúng sở thích, sở trường hơn thì mới nên thay đổi lựa chọn.
Theo thạc sĩ Trần Thúy Trâm Quyên - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - thông thường điểm chuẩn đợt bổ sung sẽ bằng hoặc tăng 0,5-1 điểm so với đợt 1. Trong đó, nhóm ngành sức khỏe có thể thu hút nhiều thí sinh điểm cao và có thể tăng nhẹ khoảng 1 điểm. Bà cũng lưu ý, thời gian xét tuyển bổ sung của các trường không giống nhau và thường rất ngắn nên thí sinh nếu có nhu cầu, phải chủ động tìm kiếm thông tin trên website các trường và đọc kỹ thông báo, tránh để qua thời hạn xét tuyển, mất cơ hội học ĐH. |
Nguyễn Loan