Điểm chuẩn không 'chuẩn'

06/08/2018 - 06:30

PNO - Một người bạn báo tin không vui: con mình vừa trượt nguyện vọng vào một trường kỹ thuật công lập nổi tiếng tại TP.HCM, mặc dù năm nay điểm chuẩn của trường này, cũng như nhiều trường đại học “tốp trên” phía nam, đã giảm đáng kể.

Bạn nói có ngành đã giảm xuống 17 điểm, nhưng vấn đề không phải là ngành nào cũng được, mà phải là ngành học con mình có khả năng, có đam mê, có yêu thích. Anh buồn, tất nhiên rồi thì thằng bé cũng sẽ vào được một trường đại học nào khác thôi, nhưng lòng tin rằng vào đấy sẽ học tốt, sẽ nên nghề nên nghiệp, thì có giảm đi. Trong cơn lốc đại học hóa thị trường, hay thị trường hóa đại học này, vẫn còn một vài thành lũy đứng vững để niềm tin của phụ huynh, của thí sinh nương náu.

Diem chuan khong 'chuan'
 

Nay không vào được những trường ấy, nhìn một loạt điểm chuẩn của các trường đại học đã công bố từ chiều 5/8, anh bảo, vì đề thi năm nay khó, vì con mình (và mình nữa) thật thà, điểm thi thấp, nhưng cũng còn vì đâu đó nhiều nơi vẫn còn điểm “ảo”, bị lộ hay chưa bị lộ, những điểm thi cao “ảo” ấy đang chiếm chỗ trong danh sách xét tuyển, mình bức xúc chứ. 

Điểm chuẩn đã công bố, danh sách trúng tuyển đã công bố, nhưng năm nay, có điều gì đó đặc biệt khác với các năm: người ta không tin hoàn toàn vào kết quả thi, không tin rằng, chuyện thi cử thế là đã xong. Người ta nghi ngờ - một sự nghi ngờ oan uổng đối với những thí sinh điểm thi cao do thực học, nhưng không phải không có cơ sở khi cả kỳ thi đã và đang bị bóc dần lộ ra những tiêu cực kinh người.

Khi lòng tin của người lớn vào hệ thống thi cử, vào đạo đức của những người cầm cân nảy mực, đang lung lay dữ dội, thì lòng tin của con trẻ làm sao vững vàng cho được. Điểm “chuẩn” là mức thang đo, là mức đánh giá chọn lọc, trường đại học và cơ quan quản lý mất bao nhiêu công sức để chạy hệ thống “lọc ảo”, để ra nguyện vọng xét tuyển thực, rồi mới ra được điểm chuẩn phù hợp với chỉ tiêu của trường. Không ai phê phán gì điểm “chuẩn” ấy, chỉ là, gần như toàn bộ hệ thống thi cử, đo lường để cho ra kết quả làm cơ sở cho việc xét chuẩn đã có vấn đề, đã không thực sự đáng tin, thì “chuẩn” liệu có còn chuẩn mực?

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 thực sự là một quả đắng đối với không chỉ riêng ngành giáo dục mà đối với toàn xã hội. Và dư vị đắng ngắt ấy đang ngấm dần, gây những hệ lụy dài lâu, từ điểm chuẩn đầu vào, đến chất lượng dạy học, đến tốt nghiệp, đến những thế hệ đang chuẩn bị cho kỳ thi sau… “Đường xa, nghĩ nỗi sau này mà kinh”.

Lối thoát nào cho năm tới? Không chỉ ngành giáo dục đặt câu hỏi này. Khi đã tới mức phải tìm “lối thoát”, đã là bức bách lắm rồi, đôi khi vì cái bức bách ấy mà người ta sẽ vội vàng vớ lấy những giải pháp chưa thỏa đáng. Nhưng vấn đề là vẫn chưa có lối thoát nào khả dĩ. Các giải pháp vẫn nghiêng về hướng kỹ thuật, trong tổ chức, quản lý kỳ thi. Có tham gia kỳ thi năm nay, mới thấy thực tế các khâu kỹ thuật tổ chức kỳ thi đã chi tiết, tỉ mỉ đến mức nào. Rồi mới thấy thực tế người ta đã “sáng tạo” đến mức nào trong việc tìm ra cách để đối phó, để gian lận.

Những gì báo chí và các cơ quan hữu trách đã lôi ra ánh sáng có thể vẫn là chưa hết, chưa đủ. Khi con người vẫn chưa được tính đến như là nhân tố trung tâm, nhân tố quyết định trong mọi hoạt động, thì tác dụng tích cực của các giải pháp về mặt kỹ thuật cũng chỉ ở mức tương đối.

Những thay đổi sẽ tốn rất nhiều thời gian, nhưng rõ ràng đã phải bắt đầu. Xét trên quy luật lượn sóng, những tiêu cực của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 đã là đáy của lượn sóng? Mọi sự thay đổi đều bắt đầu từ một thời điểm nào đó, khi người ta nhận ra sự bức thiết, phải thay đổi để sống còn. Phần Lan đã mất 40 năm để thay đổi nền giáo dục của mình, bình đẳng, không trường chuyên, lớp chọn nhưng tập trung vào năng lực thực sự của mỗi học sinh. Liệu các nhà làm giáo dục Việt Nam có lộ trình nào cho thay đổi? Chưa có năm nào câu hỏi ấy khắc khoải như năm nay. 

Những đứa trẻ vừa ra khỏi kỳ thi đã vướng vào cú sốc vì bạn mình học làng nhàng điểm thi cao vọt, còn mình cày ngày cày đêm vẫn không làm hết đề; những đứa trẻ buồn buồn tâm sự bây giờ cứ nghe đến học sinh tỉnh này tỉnh nọ là người ta nhìn điểm ngờ vực; những đứa trẻ chớm ngưỡng cửa thành nhân cay đắng nhận ra mình rớt đại học không phải vì mình kém, mà vì có nhiều đứa khác chạy điểm cao đã xếp hết hàng của mình…

Điểm chuẩn đại học năm nay thật khác, thật khó đảm bảo “chuẩn”, ngay với chính trường đại học. Đã đến lúc cách xây dựng điểm chuẩn trên cơ sở lấy từ cao xuống thấp bộc lộ nhược điểm của mình. Khi giáo dục biến thành cuộc đua điểm cao, điểm “chuẩn” đã bắt đầu trở nên bất lực. 

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI