Điểm chuẩn đại học dự báo tăng nhẹ

19/07/2024 - 06:11

PNO - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, các trường đại học đã đưa ra điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển. Nhiều chuyên gia dự báo điểm chuẩn bằng phương thức này có thể tăng nhẹ.

Điểm sàn biến động

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, phổ điểm trung bình năm nay của 6/9 môn tăng nhẹ. Trong đó, môn toán là 6,45, tăng 0,25 điểm; môn ngữ văn là 7,23, tăng 0,37 điểm; môn địa lý là 7,19, tăng 1,04 điểm; môn lịch sử là 6,57, tăng 0,53 điểm; vật lý là 6,67, tăng 0,1 điểm; tiếng Anh là 5,51, tăng 0,06 điểm… 3 môn còn lại tuy giảm nhưng không nhiều: môn hóa là 6,68, giảm 0,06 điểm; môn sinh học là 6,28, giảm 0,11 điểm; môn giáo dục công dân là 8,16, giảm 0,13 điểm.

Dựa trên phổ điểm này, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của nhiều trường đại học (ĐH) có xu hướng tăng nhẹ. Trong đó, một số ngành của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) tăng 0,5 điểm so với năm ngoái, từ 16,5 lên 17 điểm gồm: sinh học; nhóm ngành vật lý học, công nghệ vật lý điện tử và tin học, công nghệ bán dẫn; ngành kỹ thuật hạt nhân.

Đáng chú ý, nhiều ngành có điểm sàn là 24 gồm: khoa học dữ liệu, nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ thông tin (chương trình tăng cường tiếng Anh), khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) và trí tuệ nhân tạo. Nhiều ngành khác của trường nhận hồ sơ từ 20 điểm như: hóa học, công nghệ sinh học, vật lý y khoa, công nghệ kỹ thuật hóa học; nhóm ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông - thiết kế vi mạch…

Tương tự, 2 ngành thương mại điện tử và công nghệ tài chính của Trường ĐH Công Thương TPHCM tăng 2 điểm so với năm trước, từ 16 lên 18 điểm. Nhiều ngành khác của trường lấy mức điểm sàn xét tuyển khá cao - từ 20 điểm - như: công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc…

Trường ĐH Công nghệ TPHCM dao động từ 16-19 điểm. Trong đó, nhiều ngành tăng 1 điểm so với năm trước như ngành truyền thông đa phương tiện và marketing cùng lấy 19 điểm; ngành công nghệ ô tô điện, quan hệ công chúng, khoa học máy tính… tăng từ 17 lên 18 điểm.

Điểm nhận hồ sơ xét tuyển ở Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM dao động từ 16-19 điểm. 2 ngành có mức điểm cao nhất là logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế với 19 điểm. Các ngành luật quốc tế, công nghệ truyền thông, marketing, truyền thông đa phương tiện, quan hệ quốc tế có mức điểm nhận hồ sơ là 18. Trong đó, có một số ngành tăng 1 điểm như: logistics và quản lý chuỗi cung ứng, marketing, digital marketing, truyền thông đa phương tiện, ngôn ngữ Anh.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Lạc Hồng có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15 với tất cả các ngành. Riêng các ngành khoa học sức khỏe và sư phạm, ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ do Bộ GD-ĐT quy định.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THCS Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp, TPHCM)
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THCS Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp, TPHCM)

Điểm chuẩn xét tuyển có thể tăng nhẹ

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công Thương TPHCM - nhận định: mặt bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm ngoái. Do chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của các trường còn nhiều nên điểm chuẩn sẽ đỡ áp lực.

Dù vậy, với những khối ngành xét tuyển bằng tổ hợp các môn xã hội (ngữ văn, địa lý, lịch sử, giáo dục công dân), điểm chuẩn có thể tăng 1-1,5 điểm trở lên do phổ điểm chung các môn này rất cao. Ông dự đoán điểm chuẩn các trường tốp trên xét tuyển bằng các tổ hợp môn xã hội có thể lấy từ 25-29 điểm, phần lớn các trường ĐH khác có điểm dự kiến trúng tuyển là từ 21-24 điểm.

Riêng Trường ĐH Công Thương TPHCM, với 60 - 70% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nên theo ông Phạm Thái Sơn, điểm chuẩn sẽ khá ổn định, dao động từ 16-23. Trong đó, các ngành kinh tế có khả năng tăng từ 0,5-1,5 điểm, khoảng 22-23 điểm, nhất là các ngành “nóng” như marketing, kinh doanh quốc tế, logistics và chuỗi cung ứng. Các ngành như kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, công nghệ thực phẩm... dự kiến điểm chuẩn từ 21-22, còn lại một số ngành từ 16-18 điểm.

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) - phân tích: số thí sinh đạt điểm trung bình từ 5 trở lên và điểm cao (7-8 điểm) tăng, đặc biệt ở các môn như địa lý, vật lý, hóa học… Do vậy, dự báo điểm chuẩn các tổ hợp xét tuyển như A00, A01, B00, C00, D01, D07… có thể sẽ tăng.

Theo thạc sĩ Phùng Quán - chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) - mức điểm chuẩn của những ngành “nóng” có thể cao hơn điểm sàn từ 2-4 điểm. Riêng các ngành khoa học cơ bản, dự đoán điểm chuẩn có thể bằng hoặc cao hơn 0,5-1,5 điểm so với điểm sàn.

Ông ví dụ, nhiều ngành của trường lấy mức điểm sàn từ 24 điểm vì những ngành này có mức điểm chuẩn vào khá cao trong nhiều năm gần đây. Cụ thể: khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) là 28,05 điểm; trí tuệ nhân tạo là 27; nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin là 26,5…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TPHCM - dự đoán điểm chuẩn của trường chênh lệch so với điểm sàn khoảng 1-3 điểm, dao động từ 16-21. Trong đó, những ngành được thí sinh ưa chuộng có tỉ lệ “chọi” cao, điểm chuẩn có thể biến động nhiều hơn, như: truyền thông đa phương tiện, marketing, digital marketing, thiết kế đồ họa, quan hệ công chúng, công nghệ thông tin, khoa học máy tính, quản trị kinh doanh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ngôn ngữ Anh...

Nguyễn Loan

Cách đặt nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển

Từ ngày 18/7 đến 30/7, thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, điểm sàn xét tuyển chỉ là mức điểm để các trường lọc hồ sơ đầu vào, thí sinh cần lưu ý đây không phải là điểm chuẩn trúng tuyển. Tùy vào số lượng hồ sơ đăng ký, điểm chuẩn có thể bằng hoặc cao hơn so với điểm sàn, thậm chí có ngành điểm chuẩn cao hơn 4-5 điểm.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn, sự chênh lệch giữa điểm sàn và điểm chuẩn của trường mình muốn xét tuyển trong 2-3 năm gần đây để có tính toán phù hợp. Khi chọn ngành, thí sinh cần suy xét thêm về ngành nghề, nhu cầu nhân sự, sự phù hợp với bản thân… Sau khi đã chọn lựa nhóm ngành rồi, các em cần tính tiếp điều kiện kinh tế của gia đình, mức điểm của bản thân để chọn trường.

Với những thí sinh đã trúng tuyển sớm nếu muốn học ngành mình đã trúng tuyển thì nên đặt ngành đó vào nguyện vọng 1. Còn nếu muốn đăng ký xét tuyển ngành khác bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì phải cân nhắc sắp xếp nguyện vọng này lên đầu tiên. Bộ GD-ĐT sẽ xét tuyển, lọc ảo theo thứ tự nguyện vọng từ trên xuống dưới, nếu thí sinh đã trúng tuyển (một nguyện vọng duy nhất) đầu thì những nguyện vọng sau không được xét tiếp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI