Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, điểm chuẩn vào đại học (ĐH)năm nay cao, những ngành “hot” rất cao, là chuyện rất bình thường. Bởi đề dễ, điểm thi cao nên chắc chắn điểm chuẩn sẽ cao. Đó là chưa kể các trường đều có nhiều phương thức xét tuyển, “chiếc bánh chỉ tiêu” được chia nhỏ nên chỉ tiêu để xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT cũng không còn nhiều, làm cho điểm chuẩn đã cao càng thêm cao. Điều này đã được dự báo trước, và thí sinh cũng được dặn không nên chủ quan. Vậy điểm cao mà vẫn rớt có phải lỗi hoàn toàn thuộc về thí sinh?
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM Ảnh: Thanh Thanh
Nếu mỗi môn thi được 9 điểm, tổng điểm thi 27 điểm đăng ký xét tuyển vào ngành báo chí thì có chủ quan không? Chúng tôi cho rằng không! Bởi 27,50 điểm (đối với tổ hợp C00) là mức điểm chuẩn cao kỷ lục của ngành báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong mười năm qua. Phải nói rằng, đến các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cũng chưa từng cảnh báo những thí sinh từ 27 điểm trở xuống không nên xét tuyển vào ngành này. Điểm chuẩn cách điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đến 7,50 điểm. Thí sinh làm sao có thể ngờ rằng mỗi môn thi 9 điểm mà vẫn rớt?
Thí sinh Nguyễn Phạm K.T. có điểm thi 25,75 nhưng trượt từ trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)… đến nguyện vọng thứ chín mới đậu vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Thực tế, T. có một quá trình chọn lựa kỹ càng, không chủ quan hay ảo tưởng. “Tôi biết năm nay điểm thi cao nên khi có cơ hội đổi nguyện vọng đã cẩn thận làm theo các thầy cô tư vấn, lấy điểm chuẩn 2017 làm căn cứ vì năm nay có phổ điểm tương tự. Tôi thấy ngành kinh doanh quốc tế, tài chính ngân hàng có điểm chuẩn là 24,50. Điểm thi của tôi cao hơn điểm sàn xét tuyển của trường khá nhiều. Tôi đã tăng từ 5 lên 10 nguyện vọng nên khá yên tâm nhưng rớt hết tám nguyện vọng", T. nói.
Quy chế xét tuyển khiến cuộc cạnh tranh có rất nhiều ẩn số mà “người chơi” không thể biết. Trường ĐH biết phổ điểm cao nhưng cũng không dám đưa ra mức điểm sàn quá cao bởi chuyên gia cũng sợ mạo hiểm, sợ hụt chỉ tiêu. Thí sinh dựa vào điểm sàn để đăng ký xét tuyển, trừ hao bao nhiêu là vừa khi không biết có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh, đối thủ đó có thực lực thế nào. Trừ hao ít thì rớt đau, trừ hao nhiều thì bỏ lỡ cơ hội tốt. Chọn đường nào cũng khó, nhất là với những thí sinh mới rời trường phổ thông đứng trước sự chọn lựa “cân não” và cam go, sai một li đi… một năm.
Trước những cuộc lọc ảo và thấy rõ số liệu, có chuyên gia nào dám khẳng định điểm chuẩn khoảng bao nhiêu không? Nếu chuyên gia cũng không thể chắc chắn thì đừng trách thí sinh chủ quan.
Cơ hội nào ở đợt xét tuyển bổ sung?
Với những thí sinh điểm cao mà rớt tức tưởi thì còn cách nào không? Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), thừa nhận: “Thuốc chữa” hiện nay còn rất ít. Bởi, các trường "xịn" đã gần như tuyển đủ chỉ tiêu từ các phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, đánh giá năng lực và điểm thi tốt nghiệp THPT. Khả năng tuyển thêm ở đợt bổ sung của các trường top trên gần như không có.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: tuy thí sinh chưa làm thủ tục nhập học đầy đủ nhưng nhiều khả năng trường sẽ không xét tuyển thêm ở đợt bổ sung. Đại diện Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, còn khẳng định “chắc nịch” là trường sẽ không tuyển thêm ở đợt 2.
Theo thạc sĩ Phùng Quán, có năm phương án dùng được trong thời điểm này: “Thí sinh phải giỏi ngoại ngữ và có điều kiện kinh tế để vào học các chương trình liên kết quốc tế từ 80-200 triệu đồng/năm, học trường ĐH tư có học phí khá cao, học cao đẳng nếu ít tiền và muốn đi làm sớm, đi học nghề, học năm sau thi lại và tập trung ôn ngoại ngữ”.
Như Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dự kiến không tuyển bổ sung cho các chương trình đào tạo chính quy lẫn chương trình chất lượng cao. Hiện chỉ còn tuyển bổ sung khoảng 100 chỉ tiêu cho ba ngành thuộc chương trình cử nhân quốc tế: quản trị kinh doanh, quản trị chuỗi cung ứng, bảo hiểm-tài chính-ngân hàng“.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường chỉ tuyển bổ sung cho hai phân hiệu, với tám ngành. Còn cơ sở tại TP.HCM chỉ tuyển thêm không nhiều chỉ tiêu cho nhóm ngành lâm nghiệp, công nghệ chế biến lâm sản”. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng chỉ xét tuyển bổ sung cho sáu ngành học tại phân hiệu Vĩnh Long và chỉ tiêu còn lại vẻn vẹn 145 cho hai phương thức: xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) dù có điểm chuẩn đợt 1 khá cao nhưng vẫn tiếp tục xét nguyện vọng bổ sung cho 16 ngành do trường cấp bằng với điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển từ 18-22,5 điểm; 10 ngành thuộc chương trình liên kết với ĐH nước ngoài có điểm sàn xét tuyển là 18 điểm. Thời gian nhận hồ sơ từ nay đến ngày 20/10.
Tương tự, phó giáo sư - tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết sẽ tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển theo điểm thi THPT. Theo đó, các thí sinh có điểm thi THPT chưa trúng tuyển vào trường, hoặc không được vào ngành học yêu thích, với mức điểm thi cao hơn hoặc bằng điểm chuẩn ở đợt 1 có thể nộp hồ sơ từ ngày 5-15/10. Ở đợt 1, điểm chuẩn cao nhất là ngành răng-hàm-mặt và y khoa 22 điểm; ngành giáo dục mầm non 18,5 điểm; giáo dục thể chất 17,5 điểm. Các ngành còn lại 15 điểm.