Điếc không sợ súng

31/07/2013 - 18:45

PNO - PN - Đến hôm nay, 18 ngày sau khi một mình tách khỏi đoàn trên đỉnh Fansipan và mất tích, vẫn chưa tìm thấy Phạm Ngọc Ánh, sinh viên năm II ĐH Mỹ thuật công nghệ Hà Nội dù các đơn vị hữu quan đã nỗ lực tìm kiếm. tỉnh Lào Cai cũng...

Trừ khả năng Ánh cố tình trốn để đùa chơi, việc sống sót với chừng đó ngày lạc hoặc bị tai nạn trên đỉnh Fansipan là chuyện không tưởng. Trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời còn bỏ ngỏ. Khi báo chí thông tin về tai nạn, mới hay, Ánh không có tên trong danh sách khách leo núi. Nghĩa là, Ánh và nhóm bạn leo núi chui, không hề đóng bảo hiểm? Việc này thể hiện sự tắc trách của đơn vị quản lý Fansipan. Theo quy định, vé tham quan các điểm du lịch đều có phần bảo hiểm cho du khách. Ánh không phải là nạn nhân đầu tiên ở Fansipan. Đã có vài du khách nước ngoài bị nạn, hầu hết do khách quan và nhờ đề phòng tốt nên ít trầm trọng hơn.

Diec khong so sung

Đường lên Fansipan nguy hiểm, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng của du khách lẫn đơn vị thiết kế tour - Ảnh: Internet

Tôi đã leo Fansipan và cũng đã leo Kinabalu (Malaysia), 4.095m, cao nhất Asean, hơn Fansipan gần ngàn mét. Cảnh quan mỗi nơi một vẻ, cách làm thì cũng một trời một vực. Leo Kinabalu chỉ hai ngày một đêm, mỗi ngày cho phép tối đa 120 người. Do vậy, phải đăng ký từ trước. Tất cả những người leo núi đều được tư vấn, tập luyện, kiểm tra sức khỏe chặt chẽ và có tour guide chuyên biệt. Dọc đường lên đỉnh, có những trạm dừng bắt buộc để dưỡng sức, ngoạn cảnh và chụp ảnh; có trạm y tế, có nhà vệ sinh và vệ sinh môi trường rất nghiêm nhặt. Trạm nghỉ đêm có phòng ngủ, nước nóng, tiện nghi tươm tất; ăn uống đảm bảo để du khách đủ sức “vượt qua chính mình”. Xuống núi, từng người được cấp huy hiệu và giấy chứng nhận trang trọng. Nếu không thể lên tới đỉnh, giấy chứng nhận cũng ghi rõ “Đã đến Kinabalu mountain”.

Nhìn lại Fansipan, sẽ thấy nhếch nhác hết cỡ. Bản đồ chỉ đường tại điểm xuất phát mờ câm. Nhiều chỗ khách phải lấy viết chú thích. Lên núi thì chỉ cần mua vé là xong. Ngay những mũi tên chỉ đường cũng xiêu vẹo, có cái chỉ thẳng lên trời. Không có điểm dừng quy định, cũng không có nhà vệ sinh. Điểm ngủ thì thiếu đủ thứ mà bao nhiêu người cũng chứa, có đêm cao điểm gần 500 người. Tuyệt không thấy y tế cứu hộ; các công ty tổ chức phải tự lo. Chưa nói đến tai nạn té ngã vì đường trơn trợt hay sẩy chân rớt xuống vực, chỉ cần khách bị ngất, đau ruột thừa, lên huyết áp… là nguy cấp. Sơ cứu kém thì cực kỳ nguy hiểm, còn khiêng xuống núi cũng phải ít nhất cả buổi. Vấn đề là phải tổ chức lại các dịch vụ vì leo Fansipan hay núi nào cũng vậy, đó là loại hình du lịch chuyên biệt, không phải công ty nào cũng tổ chức được.

Đành rằng loại hình du lịch này còn khá mới lạ ở Việt Nam, nên quá trình tổ chức thường gặp một số khó khăn như: cơ sở vật chất còn thiếu; cứu hộ cứu nạn, thiết bị cho các hoạt động mạo hiểm… nhưng không nên đùa giỡn với tính mạng của con người. Cụ thể, về phần khách hàng, tham gia các loại hình du lịch mạo hiểm, kể cả phượt tới những điểm mới, là hoàn toàn khác với... đi chợ. Không thể cứ hứng là rủ nhau đi. Phải lượng sức mình và chuẩn bị thật kỹ mọi thứ; từ sức khỏe, y tế, an ninh, cứu hộ đến bảo hiểm… Với các công ty lữ hành cũng vậy, đừng “thấy người ta ăn khoai là vác mai đi đào” vì “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Không chỉ leo núi mà cả đi rừng, đi biển; nếu là những điểm mới hoặc mình không rành thì nguy hiểm luôn rình rập. Tất cả đòi hỏi nhà tổ chức phải có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, để bảo đảm an toàn cho những người đi tìm sự mạo hiểm.

Chỉ có những người “điếc” mới “không sợ súng”. Còn các nhà quản lý, các doanh nghiệp và cả du khách đều... không điếc nên phải cẩn trọng, để hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn thương tâm.

 Nguyễn Văn Mỹ
(Công ty Dã ngoại Lửa Việt)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI