Dịch vụ rút tiền 'chui' từ thẻ tín dụng vẫn... sống khỏe

04/03/2019 - 07:12

PNO - Theo quy định của NH Nhà nước, hành vi rút tiền “chui” tại máy POS là giao dịch bị cấm. Dù Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động này vẫn cứ tiếp diễn.

Dù Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đơn vị chấp nhận thẻ thông đồng với chủ thẻ thực hiện giao dịch thanh toán khống để rút tiền từ thẻ tín dụng, nhưng trên thực tế, hoạt động này vẫn cứ tiếp diễn.

Mang máy POS đến tận nhà giao dịch

Khi sở hữu thẻ tín dụng, chủ thẻ chỉ có thể rút tối đa 50% tổng hạn mức được cấp với mức phí 4% trên tổng số tiền rút, đồng thời ngân hàng (NH) sẽ tính lãi ngay từ thời điểm rút với lãi suất 2 - 3%/tháng. Nhưng thực tế, nếu chủ thẻ rút tiền tại máy POS (thiết bị chấp nhận thẻ) của các điểm bán hàng, mức phí sẽ thấp hơn, đồng thời còn được hưởng lãi suất 0% trong 45 ngày. Theo quy định của NH Nhà nước, hành vi rút tiền “chui” tại máy POS là giao dịch bị cấm. 

Dich vu rut tien 'chui' tu the tin dung van... song khoe
Rút tiền “chui” từ thẻ tín dụng là hành vi kinh doanh tiền tệ nên cần phải xử lý triệt để

Trên thực tế, các đơn vị có dịch vụ thanh toán qua máy POS vẫn tiếp tục cho rút tiền, chỉ khác là hoạt động thận trọng hơn trước. Thay vì giao dịch rút tiền tại cửa hàng, các điểm này chuyển sang giao dịch bên ngoài. Khi chúng tôi vào trang web taichinhnhanh247.com, một thanh niên tên Huân - chủ trang web này - hỏi chúng tôi ở đâu, cần rút bao nhiêu tiền, để anh ta đem máy POS đến tận nhà giao dịch. 

Nếu trước đây, các điểm dịch vụ này sẵn sàng cho rút số tiền 10 - 20 triệu đồng/lần quẹt thẻ thì nay chỉ cho rút từ 50 - 100 triệu đồng/lần quẹt thẻ. “Khách rút số tiền lớn mới có nhu cầu thật và đa phần là người kinh doanh. Khách rút ít, chúng tôi không có lời, tốn thời gian di chuyển” - Huân nói. 

Đa phần các điểm có dịch vụ chấp nhận thẻ đều ưu tiên khách quen, do sợ người của cơ quan chức năng trà trộn. Liên hệ đến 5 điểm dịch vụ đề nghị rút tiền, chúng tôi đều nhận được câu hỏi: “Ai giới thiệu, người giới thiệu tên gì”. Thậm chí, khi tìm đến địa chỉ có dịch vụ này, nhân viên ở đây nhìn mặt chúng tôi rồi lắc đầu, thông báo đã nghỉ. Nhưng thực tế, họ vẫn đang hoạt động. 

Các đối tượng đứng ra mở dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng đa phần là người đang làm hoặc từng làm trong lĩnh vực NH. Họ móc nối với các nhân viên tín dụng khác giới thiệu khách hàng rồi ăn chia theo phần trăm lợi nhuận. 

Ngân hàng biết nhưng làm ngơ

Theo các chuyên gia NH, việc các đơn vị chấp nhận thẻ vẫn “sống” được là do các NH không quyết liệt dẹp bỏ, bởi bên hưởng lợi từ dịch vụ này không phải là khách hàng mà chính là các NH.  

Phó giám đốc một NH thương mại cổ phần tại TP.HCM cho biết, nguồn lợi tức chính của các NH không phải là cho các công ty lớn vay tiền mà do tiền lời và lệ phí thu được từ các thẻ tín dụng với mức lời rất cao. Ví dụ, NH cấp cho khách thẻ tín dụng với giới hạn tiêu dùng là 20 triệu đồng và phí hằng năm từ 299.000 đồng (hạn mức càng cao thì phí thẻ thường niên càng lớn, có thể lên tới 20 triệu đồng/năm), lãi suất là 19,9 - 31%/năm. Nếu khách sử dụng quá hạn mức tín dụng, lãi suất tăng thêm từ 6 - 7%, còn khi quá hạn thanh toán, lãi suất lên đến 150%. Mỗi lần vượt quá giới hạn, trả trễ, khách sẽ bị phạt khoảng 907.000 đồng. Nếu làm bài toán cộng, sẽ thấy mỗi khách hàng phải tốn rất nhiều tiền cho NH. 

“Khi khách hàng có khả năng thanh toán, các NH thu về khoản tiền lớn nhờ việc chứng khoán hóa các khoản nợ của khách và bán cho nhà đầu tư. Ví dụ, họ có thể phát hành trái phiếu dựa trên khoản nợ của khách. Còn khi không nhận được thanh toán đúng hạn và để bù đắp thua lỗ trong những lĩnh vực khác, NH sẽ tăng lãi suất, đặt ra mức phạt cao và nhiều chi phí mới” - vị phó giám đốc này nói. 

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính NH - các NH luôn kêu rằng khó dẹp bỏ tình trạng rút tiền bằng giao dịch khống trên, rằng khó kiểm soát là do các giao dịch đều lách dưới hóa đơn, chứng từ thực. Nhưng thực tế, thông qua việc cung cấp giấy phép kinh doanh khi làm hồ sơ đăng ký lắp máy POS, các NH nắm rất rõ các điểm chấp nhận thẻ đang hoạt động kinh doanh lĩnh vực gì. Không lý gì một cửa hàng kinh doanh bách hóa hay quần áo lại có giao dịch vài chục triệu, vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng/lần giao dịch mà NH không thấy khác lạ để kiểm tra.

Theo tiến sĩ Hiển, dịch vụ rút tiền “chui” từ thẻ tín dụng là hành vi kinh doanh tiền tệ để tăng lợi nhuận. Nếu NH Nhà nước không có chế tài đủ mạnh, sẽ không thể nào ngăn chặn được hành vi này. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI