Dịch vụ mai mối ở Nhật “lên hương” trong đại dịch COVID-19

17/07/2020 - 12:01

PNO - Từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, dịch vụ mai mối trực tuyến ở Nhật Bản bỗng “lên hương”.

Gặp nhau qua video

Theo The Washington Post, dịch vụ làm mai đã trở nên rất phổ biến tại Nhật Bản với hàng chục ngàn người sử dụng để tìm bạn đời mỗi năm. Trong thời gian thực hiện việc giãn cách xã hội do dịch bệnh, dịch vụ này phải đau đầu với bài toán làm thế nào kết nối người có nhu cầu và thiết lập những cuộc hẹn. Các cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa hai “đương sự” thường mang ý nghĩa lớn với người Nhật. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra 200 USD/tháng để nhờ ngành kinh doanh mai mối tìm kiếm cơ hội chứ không muốn “lang thang” trên các trang web hẹn hò.

Các công ty đã thử sử dụng lại công cụ quen thuộc, đó là trò chuyện video riêng tư. Nó đã trở thành cơ hội bất ngờ cho ngành dịch vụ làm mai. Nếu không có công cụ trực tuyến này, Kazunori Nakanishi - 31 tuổi, nhân viên khách sạn ở thành phố Kumamoto - đã không thể nào gặp được người hiện là vợ mình. Dịch vụ làm mai đã sắp xếp cho Kazunori trò chuyện video với Ayako - làm công tác xã hội, lớn hơn anh đúng một con giáp, sống ở Tokyo, cách Kumamoto khoảng 885km.

Vào tháng Sáu, khi lệnh hạn chế đi lại được nới lỏng, cả hai đã hẹn gặp nhau lần đầu. Họ đã đăng ký kết hôn ngay ngày hôm sau. “Tôi nghĩ, người hay mắc cỡ có thể dễ dàng hẹn hò từ nhà mình bất chấp giãn cách xã hội. Việc đó xem ra lại dễ chịu hơn phải gặp nhau và bị choáng ngợp như trước” - Kazunori nêu kinh nghiệm bản thân.

Cô dâu Ayako thì nhận xét, việc chuyện trò trên mạng dễ dàng hơn gặp trực tiếp rất nhiều. “Bạn không phải mất nhiều thời gian để trang điểm, chọn quần áo rồi di chuyển tới một địa điểm xa lạ để gặp người kia” - cô nói.

Hẹn hò online ngày càng tăng

Kota Takada - Chủ tịch Công ty mai mối LMO - cho biết, phụ nữ Nhật thường rất miễn cưỡng khi phải chia sẻ thông tin cá nhân với các đối tượng tiềm năng. Họ cần dành nhiều giờ, nhiều ngày trò chuyện trước khi quyết định gửi hình ảnh với nỗi lo lắng thường trực rằng, không biết “người kia” có đáng tin không. 

Ayako (trái) và Kazunori Nakanishi tổ chức lễ kết hôn trong nhà nguyện - Ảnh: LMO
Ayako (trái) và Kazunori Nakanishi tổ chức lễ kết hôn trong nhà nguyện - Ảnh: LMO

“Lần đầu tiên trong mùa dịch, chúng tôi đã dùng ứng dụng Zoom để hai bên có thể thoải mái trò chuyện, bộc lộ con người thực của mình mà không cần trao đổi phương thức liên lạc cá nhân. Đây là cách hợp lý để tìm kiếm cơ hội mà không cần phải ra khỏi nhà, đồng thời vẫn cảm thấy an toàn” - Takada nói.

Công ty LMO của Takada cũng như nhiều công ty khác tạo ra các nhóm thông qua ứng dụng Zoom. Mỗi nhóm có một người điều phối nhằm tạo ra bầu không khí thoải mái. Mọi người tự giới thiệu, hỏi thăm xã giao, gợi chuyện về cuộc sống thường ngày và bày tỏ mong muốn kết hôn. Người tham gia sau đó có thể chọn cặp, vào phòng chat riêng. Nếu không “kết” nhau, họ sẽ đổi sang người khác. Trường hợp Kazunori và Ayako nêu trên đã kết nối với nhau ba lần theo cách này trước khi quyết định hẹn hò trực tuyến hôm 20/5. Trong tháng tiếp sau đó, họ dành phần lớn thời gian trò chuyện trên mạng với thời lượng tương tác có khi lên tới 8 giờ/ngày. Cả hai phát hiện có chung niềm đam mê với mô tô và chia sẻ ước mơ đi vòng quanh nước Nhật bằng xe máy. Kazunori cầu hôn Ayako ngày 19/6 khi đối diện trực tiếp với sự chứng kiến qua Zoom của Chủ tịch LMO.

Hiện các công ty mai mối ở Nhật Bản đã tái khởi động các dịch vụ làm mai trực tiếp khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, nhưng vẫn duy trì hình thức tổ chức các cuộc hẹn hò online.

Sau nhiều thập niên số người đăng ký kết hôn giảm kỷ lục, năm 2012, số lượng này ở Nhật tăng lên đáng kể sau các thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân. Yuko Okamoto - CEO của Công ty mai mối Hachidori, trụ sở ở Tokyo - tin rằng, COVID-19 có thể tiếp tục giúp cải thiện tình trạng này. Chính bà cũng hết sức ngạc nhiên khi thấy nhiều người sử dụng phương thức liên lạc từ các cuộc mai mối trực tuyến hơn bình thường. “Dường như mọi người thực sự sẵn sàng muốn lập gia đình khi chấp hành nghiêm túc lời khuyên ở nhà, làm việc tại nhà và bắt đầu cảm thấy cô đơn” - Okamoto chia sẻ. 

Nước Nhật từ lâu đã đối mặt với thực tế ngày càng nhiều người trẻ “lười kết hôn”. Lương thấp, áp lực nghề nghiệp và thời gian làm việc dài đã khiến người ta ngán ngại hôn nhân, con cái. Việc ngày càng độc lập hơn, được giáo dục đầy đủ hơn và có nhiều cơ hội trong công việc hơn cũng khiến phụ nữ Nhật không hào hứng với vai trò nội trợ sau kết hôn - vốn phổ biến trong các gia đình Nhật Bản.

Nước này chứng kiến làn sóng kết hôn bùng nổ vào thập niên 1970 với hơn một triệu cặp vợ chồng/năm. Tới năm 2019, con số này chỉ còn 599.000. Tỷ lệ nam giới từ 50 tuổi trở xuống chưa từng kết hôn tăng 23,4% vào năm 2015, so với 1,7% vào năm 1970. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI