Nhu cầu ít do người dân đã quen với dịch
Một nhân viên tại Công ty Trừ mối - côn trùng Hải Triều (TP. Thủ Đức) cho biết từ khi có dịch COVID-19, nhu cầu tìm đến dịch vụ phun khử trùng tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Trước đây, khách tìm đến dịch vụ chủ yếu là bệnh viện, trường học, công ty, nhà xưởng nhưng rồi nhiều hộ gia đình cũng tìm đến dịch vụ. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái (khi mới xuất hiện dịch COVID-19), lượng khách tìm đến dịch vụ giảm mạnh. Khách chủ yếu là các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp còn khách cá nhân rất ít. “Số lượng tổ chức và doanh nghiệp cho nhân viên làm việc từ xa cũng nhiều nên nhu cầu dịch vụ giảm” - anh nói.
Ông Đoàn Quang Huy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Khử Trùng Xanh (TP.Thủ Đức) - thông tin thêm: “Khi dịch mới xuất hiện đầu năm 2020, tâm lý nhiều người còn hoang mang, lo sợ nên nhu cầu sử dụng dịch vụ khử trùng tăng cao. Thế nhưng hiện nay, do người dân đã quen sống chung với dịch, không còn lo sợ nhiều nên nhu cầu ít lại. Ngoài ra, do kinh tế suy giảm, các đơn vị phải tiết kiệm chi phí nên cũng ít sử dụng dịch vụ. Trước đó, các doanh nghiệp sản xuất thường phun khử trùng với tần suất dày, nay tần suất thưa hơn”.
|
Khử trùng tại văn phòng doanh nghiệp, nhà ở |
Trong số các doanh nghiệp, chỉ có các siêu thị có tần suất khử trùng dày hơn do lượng khách tới lui mua hàng hóa nhiều. Đại diện một công ty chuyên khử trùng các siêu thị (có địa chỉ tại Q.8, TPHCM) cho biết, nếu trước đây các siêu thị thường khử trùng mỗi tháng một lần thì hiện mỗi tuần khử trùng một lần.
Theo các doanh nghiệp, lĩnh vực dịch vụ thường không có giá cố định. Năm 2020, nhu cầu cao, giá hóa chất khử trùng cũng tăng khiến giá dịch vụ phải tăng theo. Ví dụ, trong năm 2020, chi phí trọn gói khử trùng văn phòng nhỏ hoặc nhà ở lên đến 1,5 - 2 triệu đồng nhưng nay giá chỉ còn từ 600.000 - 900.000 đồng/căn nhà. Một số nơi còn giảm giá 20-30% cho diện tích dưới 100m2, nên giá dao động chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng/căn. Riêng về nhà xưởng sẽ tính theo diện tích và thường có giá chỉ vài trăm đồng/m2. Thông thường, diện tích khoảng 500m2 có giá từ 1 - 1,5 triệu đồng (tùy công ty).
Cẩn thận các công ty vệ sinh núp bóng khử trùng
Theo ông Đoàn Quang Huy, trước đây, việc thành lập công ty khử trùng rất đơn giản, chỉ cần đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay, do việc sử dụng hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường nên hoạt động này được Bộ Y tế đưa vào lĩnh vực cần phải quản lý. Doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động sẽ có tên trong “Danh sách cơ sở tự công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm theo Nghị định 91/2016/NĐ-CP” trên website của Sở Y tế TP.HCM.
Tại website này có đường link website các cơ sở đã đăng ký dịch vụ hoặc trên website công ty sẽ đăng thông tin về giấy phép. Hiện tại, rất nhiều công ty hoạt động nhưng không có tên trong danh sách được cấp phép. Đây là những công ty mới, chưa hiểu luật hoặc cố tình lách luật. Có những công ty vốn chỉ có dịch vụ vệ sinh nhà cửa nhưng vẫn quảng cáo có chức năng khử trùng COVID-19. Trình độ chuyên môn của nhân viên những công ty này chắc chắn không cao bằng trình độ chuyên môn những công ty được cấp phép và có nhiều năm kinh nghiệm. Từ đó, hiệu quả khử trùng không cao, tiềm ẩn một số nguy cơ sức khỏe cho nhân viên và cả người sử dụng dịch vụ.
|
Nếu không sử dụng dịch vụ khử trùng, các hộ gia đình có thể tự khử trùng vật dụng trong nhà bằng Cloramin B pha loãng, chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng... |
Ông Đoàn Quang Huy giải thích thêm, việc khử nhiễm chia làm ba mức độ. Nếu chỉ loại bỏ bụi bẩn, chất hữu cơ, hóa chất, vi sinh vật… gọi là làm sạch. Nếu tiêu diệt được hầu hết các loại vi sinh vật (vi khuẩn, vi-rút, nấm ký sinh trùng…), trừ bào tử vi khuẩn, nấm gọi là khử trùng. Nếu tiêu diệt được tất cả các loại vi sinh vật, kể cả bào tử, gọi là tiệt trùng. Vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn kỹ thuật khử trùng cho nhân viên các công ty. Các nhân viên này đều được cấp bằng “Kỹ năng khử trùng phòng, chống bệnh truyền nhiễm”.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khử nhiễm không đơn giản như vệ sinh nhà cửa. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình khử nhiễm gồm số lượng vi sinh vật, khả năng kháng hóa chất của vi sinh vật; loại hóa chất, nồng độ hóa chất khử nhiễm; thời gian tiếp xúc, nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, sự có mặt của chất hữu cơ, vô cơ… Ví dụ, số lượng vi sinh vật càng lớn thì yêu cầu thời gian khử nhiễm càng lâu.
Chẳng hạn, để tiêu diệt 10 vi khuẩn Bacillus subtilis cần 30 phút nhưng tiêu diệt 100.000 vi khuẩn Bacillus subtilis cần đến 3 giờ đồng hồ. Hầu hết hóa chất khử nhiễm có hoạt tính tăng lên khi nhiệt độ tăng và nước cứng (ví dụ nước đá) sẽ làm giảm hiệu quả của hóa chất khử nhiễm. Vi sinh vật tồn tại trong các khe hở khó khử nhiễm hơn. Mỗi loại hóa chất có nồng độ pha loãng khác nhau, thời gian tiếp xúc khác nhau để có khả năng diệt được vi sinh vật.
“Chính vì những yếu tố trên, dịch vụ khử trùng COVID-19 đòi hỏi nhân viên thực hiện phải có kỹ thuật, được tập huấn kỹ lưỡng, không giống như dịch vụ vệ sinh dọn dẹp nhà cửa hay diệt côn trùng” - ông Đoàn Quang Huy thông tin.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - cho biết, nếu không sử dụng dịch vụ khử trùng, các hộ gia đình có thể tự khử trùng vật dụng trong nhà bằng Cloramin B pha loãng, chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng, dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) pha loãng theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước… để giảm nguy cơ lây nhiễm từ bề mặt đồ dùng.
Đối với các vị trí nền nhà, tường, bàn, ghế, đồ vật, nhà vệ sinh… nên khử khuẩn ít nhất 1 lần/ngày. Còn những vị trí tiếp xúc thường xuyên (tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung…) nên được khử khuẩn 2 lần/ngày.
Luôn đọc và làm theo chỉ dẫn trên nhãn các sản phẩm vệ sinh và khử trùng để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Nên đeo khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ, tránh hóa chất rơi vào mắt. Dùng đúng liều lượng khuyến nghị, tránh sử dụng nhiều hơn với tâm lý càng đậm đặc càng diệt được nhiều vi sinh vật.
Đối với các bề mặt, vật dụng không chịu nước (điều khiển điều hòa, ti vi, công tắc đèn, máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử dùng chung khác...), sử dụng dung dịch chứa ít nhất 60% cồn để khử khuẩn bằng cách dùng khăn sạch nhúng vào cồn và lau bề mặt, để khô tự nhiên, không rửa lại với nước.
Trong quá trình sử dụng hóa chất khử trùng, phải mở cửa sổ, cửa ra vào hoặc bật quạt để tăng cường lưu thông luồng khí. Một số sản phẩm khử trùng có thể gây hen suyễn nên người đang bị hen suyễn cần tránh sử dụng, thay vào đó nên nhờ người không mắc hen suyễn làm sạch và khử trùng bề mặt đồ vật giúp. Trong thời gian khử trùng, nên tránh mặt và ở phòng khác. Có thể thay thế chất khử trùng bằng xà phòng hoặc chọn chất khử trùng ít có khả năng gây cơn hen suyễn như sản phẩm có chứa hydro peroxit hoặc cồn ethanol không quá 3%; sản phẩm không có chứa a-xít peroxyacetic hoặc a-xít peracetic.
“Ngay sau khi khử trùng, phải rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, rửa tay ngay sau khi tháo găng tay hoặc dùng dung dịch sát trùng tay có độ cồn 60%. Bảo quản và sử dụng các hóa chất tránh xa tầm với của trẻ em và vật nuôi” - bác sĩ Nguyễn Trí Dũng hướng dẫn.
Theo Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM), tính đến 15/6/2021, toàn TP.HCM có 125 công ty đủ điều kiện cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm theo Nghị định 91/2016/NĐ-CP. Khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể truy cập vào đường link để tìm đúng doanh nghiệp được cấp phép:
http://nghiepvuy.medinet.gov.vn/chuyen-muc/co-so-cong-bo-du-dieu-kien-cung-cap-dich-vu-diet-con-trung-diet-khuan-bang-che-c4540-46434.aspx. |
Thanh Hoa