"Tiếng kẻng học bài" cho trẻ
19g30, hệ thống loa phát thanh xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phát lên một hồi kẻng. Hồi kẻng này được phát đều đặn mỗi tối trong suốt 7 năm qua. Đây là “tiếng kẻng học bài” của Câu lạc bộ (CLB) Khi bố mẹ vắng nhà. Nghe kẻng, nhiều trẻ đang chơi đùa tự giác đi vào bàn học bài.
Bà Trần Thị Nhung - Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Lộc - nói: “Phần lớn các em rất tự giác học bài. Thỉnh thoảng, chúng tôi phân công người đi kiểm tra đột xuất, đến từng nhà xem việc học hành của các em như thế nào. Nếu các em mê chơi, không chịu học bài, chúng tôi sẽ có biện pháp răn đe”. Bà cho biết, sau vài lần bị nhắc nhở, bị nhà trường phê bình, những học sinh “cứng đầu” nhất cũng dần đi vào nền nếp.
Ở xã Thuận Lộc, phần lớn người trong độ tuổi lao động đều rời quê ra nước ngoài làm việc, nhiều thôn, làng chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ. Bà Trần Thị Nhung cho hay, ông bà lớn tuổi khó quản lý hết con trẻ, nhiều em trốn học đi chơi, tụ tập, không chịu khó học bài. Năm 2016, Hội LHPN xã Thuận Lộc thành lập CLB Khi bố mẹ vắng nhà để các ông bố, bà mẹ yên tâm phần nào khi đi làm ăn xa, để các con ở quê nhà. CLB hiện có gần 200 học sinh từ lớp Một đến lớp Chín. Mỗi năm, ban chủ nhiệm CLB phối hợp cùng đoàn thanh niên, công an, nhà trường tổ chức sinh hoạt ít nhất 4 lần.
|
Phụ nữ xã Thuận Lộc đi kiểm tra, giám sát việc học của các học sinh có cha mẹ đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh: Phan Ngọc |
Xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 8.000 người, 1/4 số này hiện đang làm việc ở nước ngoài. Bà Trần Thị Hường - Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Liên - cho biết, từ hơn 10 năm trước, hội đã thành lập CLB Khi mẹ vắng nhà nhằm hỗ trợ những người chồng có vợ đi xuất khẩu lao động, đang nuôi con nhỏ.
“Các ông chồng tham gia CLB nhiệt tình, vui vẻ. Thậm chí, có ông thỉnh thoảng đến giao lưu với CLB khi vợ đã về nước. CLB là nơi kết nối những người có cùng hoàn cảnh, tạo sân chơi lành mạnh, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc chăm sóc con cái. Mỗi năm, CLB sinh hoạt 4 lần” - bà Trần Thị Hường cho hay.
Theo bà, một số ông không khéo léo việc nhà, hội viên phụ nữ xã Xuân Liên sẵn sàng đến tận nhà hỗ trợ chăm con nhỏ khi được nhờ đến: “Khi gia đình họ có việc cần giúp đỡ, như cần người cho con nhỏ uống sữa, ăn dặm, chúng tôi cử người đến tận nhà hỗ trợ. Một số ông không khéo léo trong việc dạy con học hay tâm sự với con đang ở tuổi mới lớn, chị em cũng sẽ hỗ trợ. CLB là nơi để các thành viên hỗ trợ nhau, như hỗ trợ vốn làm ăn, vốn cho con cái đi xuất khẩu lao động. Khi biết chồng tham gia CLB, vợ con đang làm ăn ở nước ngoài đều vui vẻ, tin tưởng, nhiều người còn tặng tiền để CLB liên hoan”.
Đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ hôn nhân, gia đình
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh (Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, kinh tế thị trường đã tác động đến đời sống gia đình, dẫn đến những cuộc ly hôn đáng tiếc. 20 năm qua, xảy ra hiện tượng “phân ly gia đình” do quá trình di cư trong nước và ra nước ngoài. Trong hàng trăm ngàn người di cư mỗi năm, phụ nữ và người trẻ tuổi chiếm tỉ lệ lớn.
Di cư góp phần đáng kể trong việc nâng cao mức sống gia đình, nhưng cũng kéo theo việc trẻ em thiếu sự chăm sóc trực tiếp và tình cảm yêu thương của cha mẹ. “So sánh giữa 2 cuộc điều tra lớn về gia đình năm 2006 và năm 2018 thì tỉ lệ cha mẹ biết rõ bạn bè của con giảm đáng kể: từ 71,8% năm 2006 xuống còn 46,8% năm 2018. Sự thiếu quan tâm của cha mẹ với con cái có thể dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực cả về mối liên hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng như tăng nguy cơ về các hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống” - tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh.
|
Các bạn trẻ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế tìm cơ hội đi xuất khẩu lao động - Ảnh: Thuận Hóa |
Theo bà Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - việc xây dựng gia đình an toàn là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh có những nguy cơ cũ và mới cùng nảy sinh trong xã hội. Gia đình phải an toàn về khả năng phòng vệ cũng như khả năng chống chịu rủi ro và thách thức từ môi trường bên ngoài hay các tình huống bất ngờ. Mỗi thành viên trong gia đình phải tự tu dưỡng, rèn luyện lối sống, kiến thức, kỹ năng, đồng thời có trách nhiệm với các thành viên khác trong gia đình.
Để giải quyết các vấn đề của gia đình trong bối cảnh hiện nay, bà Minh Thi cho rằng, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, cần triển khai thực hiện hệ thống dịch vụ phù hợp với sự phát triển của gia đình. Các dịch vụ gia đình đã xuất hiện ở nước ta nhưng vẫn đơn lẻ, chưa có tính hệ thống nên chưa tác động đến sự phát triển của gia đình. Các dịch vụ hỗ trợ hôn nhân và gia đình bao gồm tư vấn tiền hôn nhân, tư vấn về đời sống hôn nhân, hỗ trợ các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Những vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ vợ chồng cần được tư vấn bao gồm tâm lý tình cảm, ứng xử, sức khỏe sinh sản, đời sống tình dục, nuôi dạy con cái…
Là nhà khoa học chuyên đấu tranh cho bình đẳng giới và nghiên cứu các vấn đề gia đình, giáo sư Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - cho hay, đến nay, vẫn có không ít người quan niệm đơn giản rằng quan hệ hôn nhân và gia đình chỉ là sự thỏa thuận giữa 2 con người, nếu không có vấn đề gì thì thỏa thuận đó được thực hiện suốt đời, còn không thì đường ai nấy đi. Quan niệm như vậy là chưa đầy đủ. Gia đình không chỉ có ý nghĩa với người vợ hay người chồng mà còn với xã hội. Khi đăng ký kết hôn hay đứng trước nhiều người trong lễ thành hôn, ngoài xây dựng hạnh phúc lứa đôi, các cặp vợ chồng còn phải biết rằng, từ nay họ phải có trách nhiệm với gia đình 2 bên và với xã hội.
|
Giáo sư Lê Thị Quý - Ảnh: Minh Tâm |
Theo bà, ở nước ta, truyền thống dân tộc sẽ không có nếu không có truyền thống trong thiết chế gia đình. Việc khắc phục những mặt tiêu cực trong mối quan hệ giữa con người với con người trong nền kinh tế thị trường và xây dựng chuẩn mực mới gắn liền với những giá trị nhân văn truyền thống - trong đó có giá trị gia đình - là 2 mặt của 1 vấn đề. Chúng ta phải nhận thức, lý giải và giải quyết được một cách đúng đắn giữa phát triển kinh tế thị trường và bảo lưu các giá trị tốt đẹp, trong đó có giá trị gia đình truyền thống.
“Vấn đề là chúng ta phải có những chính sách để việc phát triển kinh tế thị trường không xâm hại đến những gì tốt đẹp mà cha ông ta đã gây dựng; không làm biến dạng hoặc méo mó những giá trị văn hóa, trong đó có giá trị gia đình của tổ tiên; không biến những giá trị tốt đẹp của gia đình, xã hội, cộng đồng thành sản phẩm cân đo theo thang bảng lên xuống của đồng tiền” - giáo sư Lê Thị Quý nói.
Phát triển các mô hình khởi nghiệp ở nông thôn Theo tôi, giải pháp căn cơ giúp dân không đi xuất khẩu lao động mà vẫn có thu nhập tốt, có thời gian ở nhà chăm lo hạnh phúc gia đình, đó là phải tạo ra thật nhiều việc làm có thu nhập ổn định ở vùng nông thôn. Để tạo được việc làm, chúng ta phải phát triển các mô hình khởi nghiệp từ thành thị đến nông thôn và đào tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp bà con vay vốn phát triển kinh tế tại địa phương. Hãy cho họ “cần câu” và hướng dẫn cách “bắt cá” lâu dài. Khi thu nhập được tăng cao, đời sống ổn định, tôi tin chắc rằng sẽ không ai muốn đi xa. Chính lực lượng lao động này sẽ giúp chúng ta hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương. Bà Lê Thị Hồng Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế |
Minh Tuệ - Phan Ngọc