Dịch vụ giao hàng nhanh, đi chợ hộ “nghẽn mạng”

09/06/2021 - 07:30

PNO - Dịch COVID-19 khiến dịch vụ giao hàng nhanh, đi chợ hộ ăn nên làm ra. Nhưng, không phải đơn vị nào cũng chuyển sang bán hàng trực tuyến một cách thông suốt.

Gian nan đặt hàng qua mạng

Toàn chung cư đang ở bị phong tỏa do có cư dân bị dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, chị Thuận Hải (TP.Thủ Đức, TPHCM) không thể mua hàng trực tiếp như mọi ngày nên phải dùng ứng dụng của siêu thị Big C để đặt hàng. Mất cả giờ, chị mới đặt xong một đơn hàng do ứng dụng chạy chậm. Đơn hàng thứ hai đang đặt dở thì ứng dụng bị “treo”. Chị đặt hàng từ sáng nhưng đến chiều tối mới nhận được, có đơn phải đợi đến hôm sau. 

“Bình thường, cũng với ứng dụng của siêu thị này và những thao tác tương tự, lệnh đặt chạy rất nhanh và chỉ sau khoảng 2-4 giờ, hàng tới tay. Đây không phải là lần đầu TP.HCM giãn cách, nhưng dường như siêu thị vẫn chưa kịp thích nghi” - chị Thuận Hải nhận xét. 

Thông thường, chị Nga (TP.Thủ Đức) mua hàng ở siêu thị Lotte Mart Bình Dương vì gần nhà. Dịch bệnh, chị vào ứng dụng Speed L đặt hàng của siêu thị này, nhưng ứng dụng chỉ cho phép chọn đặt hàng ở siêu thị Lotte Mart Gò Vấp, cách nhà hơn 15km. Q.Gò Vấp lại đang bị giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên việc giao hàng rất khó khăn và gây bất an. Chị đành thoát ứng dụng này, tìm siêu thị, cửa hàng gần nhà nhất để gọi điện thoại mua hàng. 

Cách thức giao nhận hàng hóa phải thay đổi khi có nhiều khu vực bị phong tỏa  để phòng, chống dịch COVID-19
Cách thức giao nhận hàng hóa phải thay đổi khi có nhiều khu vực bị phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19

Trên một số diễn đàn, khách hàng than đặt mua hàng online ở cửa hàng Bách Hóa Xanh nhưng ba ngày sau mới nhận được hàng do đơn hàng tăng cao, quá tải. Một số khách đặt hàng qua ứng dụng GrabFood cho biết, trước nay, họ thường đặt món ăn tại một số cửa hàng, nay vào ứng dụng thì không thấy hiển thị. Phía Grab giải thích, do “lượng khách mua trực tuyến tăng mạnh khiến nhiều cửa hàng đối tác bán thực phẩm của Grab phải ngắt mạng vì hết hàng, không thể phục vụ kịp nhu cầu của khách”.

Đã thay đổi, vẫn “hụt hơi”

Đại diện Central Retail (sở hữu chuỗi siêu thị Big C) cho biết, do nhu cầu mua sắm online tăng cao trong mùa dịch nên hệ thống đã đầu tư khá nhiều cho các ứng dụng mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, hai ngày cuối tháng 5/2021, đơn hàng tăng khoảng năm lần so với ngày thường; những ngày đầu tháng 6/2021, đơn hàng có giảm bớt nhưng vẫn tăng khoảng 50% so với ngày thường. Đơn hàng tăng đột biến nên thời gian giao hàng bị chậm hơn ngày thường. Đại diện Bách Hóa Xanh cũng thừa nhận, dịch vụ đi chợ hộ của chuỗi bán lẻ này đang quá tải cục bộ do số lượng đặt lên đến 11.000-12.000 đơn/ngày, gần gấp đôi so với thường ngày và phần lớn đặt mua thực phẩm. 

Đại diện Lotte Mart Việt Nam cũng cho biết, từ khi TPHCM áp dụng việc giãn cách, số lượng đơn hàng đặt qua ứng dụng tăng gấp đôi, doanh số tăng 1,5 lần so với trước đó. Lotte Mart giao hàng cho khách toàn TP.HCM. Chấp hành quy định giãn cách và phòng dịch, với những đơn hàng ở Q.12, Gò Vấp, nhân viên giao hàng (shipper) cư trú ở các quận này đảm nhận việc giao hàng cho khách trong quận; với những đơn hàng giao đến các khu vực bị phong tỏa, nhân viên giao hàng đến chốt phong tỏa, khách xuống nhận hàng.

Theo ông Nguyễn Nhơn Quý - Trưởng phòng Truyền thông Aeon - để tránh tình trạng quá tải, siêu thị này phải tăng thời gian vận hành, đồng thời phối hợp với các đối tác để giao hàng nhanh trong ngày đối với một số nhóm sản phẩm. 

Đại diện Be - ứng dụng giao hàng và đi chợ hộ - thông tin, tỷ lệ đơn giao hàng và đơn nhờ đi chợ hộ đang tăng trưởng trung bình mỗi tháng 15-20% trong nửa đầu năm nay và tăng gấp năm lần so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, khi TP.HCM giãn cách xã hội, nhu cầu mua hàng hóa, thực phẩm qua mạng tăng cao hơn nên cách vận hành của các dịch vụ cũng phải thay đổi. 

Be đẩy mạnh giải pháp giao hàng đa đơn, đa điểm. Be cho phép mỗi chủ shop đặt 10 điểm giao trong cùng một đơn hàng và được đặt nhiều đơn hàng cùng lúc. Cách lên đơn này đặc biệt phù hợp với các cửa hàng đặc sản, đồ tươi sống, đồ đông lạnh hoặc thức ăn nóng do tốc độ giao nhanh hơn so với cách ghép đơn của nhiều chủ shop với nhau mà các ứng dụng chuyên giao hàng thường làm. Với cách này, nhân viên giao hàng thuận tiện sắp xếp đơn hàng giao, tránh tình trạng nhầm lẫn các đơn hàng của cửa hàng này với cửa hàng kia, chủ cửa hàng cũng dễ dàng theo dõi lộ trình, quản lý chặt chất lượng đơn hàng và tối ưu hóa chi phí.
Ông Phan Tường Bách - Giám đốc vận hành AhaMove - cho hay, trung bình mỗi ngày, đơn vị này giao hơn 100.000 đơn hàng trên toàn quốc; trong đó, đơn hàng tại TP.HCM chiếm 50%. Số đơn hàng tăng từ khi giãn cách, tập trung vào nhóm đồ ăn, thức uống, thực phẩm tươi sống. Thời điểm này, AhaMove đẩy mạnh giải quyết nhu cầu “đi chợ” cho khách và giải cứu vải thiều Bắc Giang thông qua việc hợp tác với các chuỗi siêu thị, nhà cung cấp thực phẩm tươi sống. AhaMove giao hàng độc quyền 100% cho Lazada ở mảng thực phẩm tươi sống, trung bình từ 2.000-3.000 đơn/ngày tại TPHCM, giao cho Big C trung bình khoảng 30.000 đơn/tháng. Con số này còn tăng hơn trong mùa dịch COVID-19 và chiến dịch giải cứu vải thiều. Tùy yêu cầu của đối tác, thời gian giao hàng từ 30 phút đến 120 phút; thực phẩm đông lạnh thường được giao trong vòng 30 phút và có túi giữ nhiệt. 

“Để tránh tình trạng quá tải khi đơn hàng tăng cao, ngoài 30.000 tài xế thường xuyên 
(TPHCM chiếm 50%), trung bình mỗi ngày, chúng tôi tuyển thêm từ 50-100 tài xế mới” - ông Phan Tường Bách chia sẻ. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI