Dịch vụ “đọc trộm tin nhắn, theo dõi chồng”: Lừa đảo kiểu mới

02/11/2023 - 06:08

PNO - Để sử dụng dịch vụ theo dõi chồng qua điện thoại, chủ thuê bao phải nộp phí và tải ứng dụng theo yêu cầu của các nhà cung cấp. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, người mua có thể mất tiền, mã độc theo đó có thể được cài để đánh cắp dữ liệu tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng… của người dùng.

Dụ người dùng cài ứng dụng 

Nghi ngờ chồng có quan hệ ngoài luồng, chị Nguyễn Trà My (TPHCM) lên mạng tìm kiếm các công cụ, dịch vụ có thể theo dõi điện thoại của chồng một cách kín đáo. Và chị bị thu hút bởi các gói “theo dõi chồng ngoại tình”, “đọc trộm tin nhắn”… trên fanpage Công ty Phần mềm IT Minh Phú. Chị My liên hệ và được người tên Phú - xưng là giám đốc công ty - yêu cầu chuyển trước 700.000 đồng và sẽ được hướng dẫn cài đặt phần mềm đọc trộm tin nhắn trên Zalo, Messenger của chồng. 

Trên internet hiện có rất nhiều nội dung quảng cáo dịch vụ theo dõi chồng ngoại tình,  đọc trộm tin nhắn
Trên internet hiện có rất nhiều nội dung quảng cáo dịch vụ theo dõi chồng ngoại tình, đọc trộm tin nhắn

Đối tượng sau đó thông báo, mức phí 700.000 đồng chưa đủ để kích hoạt gói theo dõi. Anh ta gửi cho chị My đường dẫn trang web phanmemquocte.com, trong đó có nhiều “gói theo dõi chồng” có giá tương ứng với thời gian sử dụng: 1 năm - 3,2 triệu đồng, 2 năm - 6 triệu đồng… và gói theo dõi không giới hạn thời gian - 15 triệu đồng. Vì không có đủ tiền để tiếp tục tham gia dịch vụ, chị My bị Phú chửi bới và chặn liên lạc. Hiện website và cả fanpage mà Phú cung cấp cho chị My đều không còn tồn tại. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những mẩu quảng cáo dịch vụ theo dõi hiện rất phổ biến trên các mạng xã hội. Các nhà cung cấp hầu hết tự giới thiệu là công ty công nghệ, phần mềm thám tử… Nội dung quảng cáo có điểm chung là “người mua dịch vụ chỉ cần tải ứng dụng về, nhập số điện thoại người cần theo dõi là có thể biết được đối tượng nhắn tin với ai”. Thậm chí, theo quảng cáo, các ứng dụng này còn có khả năng khôi phục lại tất cả tin nhắn mà đối tượng đã xóa (?). Chúng tôi thử liên hệ với một số nhà cung cấp dịch vụ nói trên thì đều được báo giá cài đặt ứng dụng từ 700.000 - 800.000 đồng. 

Hình thức lừa đảo mới 

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena - cho biết: dịch vụ này thực tế là một hình thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền phí của nạn nhân và lừa nạn nhân cài phần mềm độc hại vào thiết bị điện thoại rồi chiếm đoạt tài khoản Zalo, Facebook. 
Theo đó, thay vì giả mạo cơ quan chức năng lừa người dùng cài đặt các ứng dụng của Bộ Công an, dịch vụ khai thuế… rồi chiếm đoạt tài khoản ngân hàng như trước đây, thì nay, các đối tượng đã bày ra chiêu thức mới như “gói theo dõi chồng ngoại tình” hoặc “cài phần mềm đọc trộm tin nhắn”. Chiêu thức này dễ lừa các chị em phụ nữ do nắm bắt tâm lý của một bộ phận chị em muốn theo dõi “nhất cử nhất động” của chồng, người yêu mà không cần cài cắm thiết bị gì vào điện thoại của đối tượng. “Ngoài bị mất tiền, khi cài phần mềm này vào điện thoại, chính người dùng sẽ bị theo dõi, bị đánh cắp dữ liệu, tài khoản ngân hàng và tài khoản mạng xã hội” - ông Võ Đỗ Thắng nói.

Cùng chung nhận định, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng: đa phần mục đích của các đối tượng này là muốn chiếm đoạt tiền, sau đó khóa nick và chặn liên lạc với nạn nhân. Bởi không dễ để các đối tượng này có thể hack được tài khoản mạng xã hội rồi đọc trộm tin nhắn của người khác như quảng cáo. Nếu có đối tượng nào làm được thì phải hoạt động rất kín đáo chứ không phải rao bán, chạy quảng cáo với số tiền quá rẻ như vậy.

Theo ông Ngô Minh Hiếu, người dùng mạng xã hội không nên tin vào các dịch vụ này để vừa mất tiền, vừa vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 15, việc cố tình tìm hiểu, đọc trộm thông tin của người khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích là một hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ, hậu quả xảy ra.

Thời gian qua, công an đã khởi tố bắt tạm giam nhiều đối tượng liên quan đến dịch vụ lừa đảo này. Cuối năm 2022, Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện 1 đối tượng tên Lý Văn Thảo sử dụng nhiều tài khoản Facebook giả danh khác nhau để đăng tải nhiều nội dung như “khôi phục tài khoản Facebook, Zalo bị hack”, “nhận đọc trộm tin nhắn”. Khi có người liên hệ, Thảo yêu cầu đặt cọc tiền lệ phí, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của nhiều người với tổng số tiền lên đến 400 triệu đồng. Hay trong tháng 2/2023 vừa qua, Công an tỉnh Hải Dương đã bắt Phùng Đức Đạt - người thành lập fanpage “Công ty thám tử Hoàng Công 5.0” chuyên cung cấp phần mềm giám sát điện thoại rồi chiếm đoạt tiền của khách. 

Ông Ngô Minh Hiếu khuyến cáo: “Người dùng không nên nhấn vào các đường dẫn lạ, không nên tò mò tìm hiểu các dịch vụ vi phạm pháp luật. Tại website dauhieuluadao.com của Bộ Thông tin và Truyền thông luôn cập nhật các phương thức lừa đảo trên không gian mạng, người dân nên đọc, tìm hiểu để trang bị thêm kiến thức cho mình”.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI