Dịch vụ đẻ thuê trái phép đắt hàng tại Trung Quốc

17/02/2017 - 16:34

PNO - Cung cấp dịch vụ đẻ thuê cho các cặp vợ chồng vô sinh là việc làm bất hợp pháp tại Trung Quốc, nhưng thực tế, ngành kinh doanh này lại đang “ăn nên làm ra”.

Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc, mặc cho lệnh cấm mang thai hộ áp dụng trên toàn đại lục, các doanh nghiệp đẻ thuê vẫn phát triển mạnh, điển hình như sự tăng trưởng nhanh chóng của một công ty tại Thượng Hải.

Tờ China Newsweek số ngày 16/2 ghi nhận công ty AA69, một trong những doanh nghiệp đẻ thuê đầu tiên tại Trung Quốc, đã “sản xuất” thành công 10.000 trẻ em thông qua dịch vụ của mình kể từ khi ra mắt vào năm 2004.

Người sáng lập công ty, Lu Jinfeng, “bố già” ngành đẻ thuê của Trung Quốc nói rằng khách hàng phải trả khoảng một triệu nhân dân tệ (145.000 USD) cho mỗi em bé nhờ sinh hộ.

Dich vu de thue trai phep dat hang tai Trung Quoc
Chính phủ Trung Quốc nghiêm cấm bệnh viện, cơ sở y tế và nhân viên y tế hỗ trợ thực hiện mang thai hộ.

“Việc giám sát đẻ thuê hoàn toàn bỏ ngỏ bởi chính quyền. Căn cứ vào tỷ lệ vô sinh cao ở Trung Quốc ngày nay, các cơ quan chức năng rất khó thực hiện một cuộc đàn áp chống lại việc đẻ thuê,” Lu Jinfeng khẳng định. Theo ông Lu, việc kinh doanh đẻ thuê là “một truyền thống” được công nghiệp hóa và hoàn toàn “lộ thiên” chứ không lén lút như mọi người vẫn nghĩ.

Tại công ty AA69, nhân viên bán hàng chuyên tìm kiếm các cặp vợ chồng vô sinh và giàu có. Bên cạnh đó, một đội ngũ khác liên hệ thuê phụ nữ, chủ yếu từ các khu vực nông thôn, làm bà mẹ thay thế. Các bác sĩ cũng nhận hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm để quảng cáo cho dịch vụ của AA69, bên ngoài bệnh viện nơi họ làm việc toàn thời gian.

Công ty của ông Lu có chi nhánh tại Thượng Hải, Quảng Châu, Vũ Hán, Bắc Kinh và một thành phố nhỏ ở tỉnh Sơn Đông. Tất cả đều đăng ký dưới danh nghĩa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ sinh học.

Chính quyền Trung Quốc nghiêm cấm “thực hiện mọi biện pháp mang thai hộ” đối với các tổ chức và nhân viên y tế; đồng thời việc kinh doanh tinh trùng, trứng, trứng đã thụ tinh hoặc phôi thai cũng là phạm pháp. Nhưng Ông Lu cho biết rằng kể từ khi chính sách hai con bắt đầu có hiệu lực trong năm 2016, ngành công nghiệp lại trỗi dậy mạnh mẽ.

Dich vu de thue trai phep dat hang tai Trung Quoc
Từ khi chính sách một con được dỡ bỏ, số trẻ sinh ra tại Trung Quốc ngày càng tăng.

Ước tính, các cặp vợ chồng hiếm muộn phải chi tối thiểu 650.000 nhân dân tệ (95.000 USD) nếu họ tự cung cấp trứng và tinh trùng. Bằng không, giá cả có thể tăng gấp đôi. Tuy vậy, giống như những món hàng thông thường, dịch vụ cho phép khách trả góp.

Mặt khác, bà mẹ thay thế phải từ 24-32 tuổi, từng kết hôn và sinh con thành công. Do yêu cầu khó khăn, số lượng ứng cử viên cho vị trí này ngày càng khan hiếm.

Cuộc khảo sát năm 2012 của Hiệp hội Dân số Trung Quốc cho thấy có hơn 40 triệu cặp vợ chồng gặp cảnh hiếm muộn.

Gần đây, tờ China Daily’s công bố một phân tích dài về khả năng hợp pháp hóa dịch vụ đẻ thuê phi thương mại nhằm hỗ trợ các chính sách hai con. Tuy nhiên vài ngày sau đó, Cơ quan Y tế quốc gia và Ủy ban Kế hoạch gia đình lên tiếng tái khẳng định việc cơ quan chức năng tiếp tục trấn áp nạn đẻ thuê.

Mi Hong, giáo sư về các vấn đề công cộng tại Đại học Chiết Giang, cho rằng chính phủ nên thận trọng trong việc kiểm soát đẻ thuê, vì điều đó liên quan đến một loạt các vấn đề về pháp luật, đạo đức và quản lý xã hội. “Thật dễ dàng để mọi người tận dụng sơ hở của pháp luật,” giáo sư nhận xét.

Bảo Tùng (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI