Dịch vụ đáo hạn nợ chui đua nhau móc túi khách hàng

02/08/2024 - 15:10

PNO - Các điểm làm dịch vụ đáo hạn khoản vay, thẻ tín dụng, ví trả sau đang đua nhau tăng phí. Họ đang hoạt động “chui” bằng các thủ đoạn...

Sôi động dịch vụ đáo hạn ví, thẻ

Chủ tài khoản được quẹt hoặc cà thẻ tín dụng, ví điện tử khi mua hàng và có thể trả sau 30 hoặc 45 ngày mà không phải chịu lãi nhưng không được rút tiền mặt hoặc được rút với mức phí rất cao. Thủ tục đăng ký tài khoản ví trả sau được xét duyệt online trong vòng 3-5 phút nên số người sở hữu ví trả sau ngày càng tăng.

Tuy nhiên, thay vì dùng ví để mua hàng, rất nhiều người muốn rút tiền mặt từ ví nên các điểm dịch vụ hỗ trợ rút tiền ra đời. Chủ tài khoản ví sẽ giả mua hàng, các điểm dịch vụ sẽ đưa tiền mặt và trừ phí dịch vụ. Đến hạn trả tiền vào ví, nhiều người không có hoặc không đủ tiền sẽ nhờ các điểm này làm dịch vụ đáo hạn. Do số người yêu cầu rút tiền, đáo hạn ví điện tử tăng nên các điểm này cũng tăng phí dịch vụ.

Nhân viên một điểm dịch vụ tại quận 3 cho chúng tôi xem quyển sổ bảo lưu rất nhiều thẻ tín dụng của khách
Nhân viên một điểm dịch vụ tại quận 3 cho chúng tôi xem quyển sổ bảo lưu rất nhiều thẻ tín dụng của khách

Nhân viên một điểm dịch vụ đáo hạn thẻ trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM cho biết, phí đáo hạn tháng 6/2024 là 4,5%/giao dịch, nay tăng lên 5,5%/giao dịch. Tính từ cuối năm 2023 đến nay, điểm dịch vụ này đã tăng phí thêm tổng cộng 3,7%/giao dịch. Còn theo nhân viên điểm dịch vụ trên đường Võ Văn Tần, quận 3, phí đáo hạn tại đây là 1,8%/giao dịch, giảm 0,2% so với trước nhưng khuyên khách bảo lưu thẻ để đáo hạn hằng tháng, phí bảo lưu là 0,5%/tháng: “Có khách hàng nợ thẻ 30 triệu đồng, thanh toán trễ 1 ngày là phải đóng phí phạt đã hơn 1 triệu đồng. Chị bảo lưu thẻ thì bên em nhắn tin nhắc để chị đáo hạn đúng ngày”. Cô lật quyển sổ để cho thấy đang “bảo lưu” hàng trăm thẻ tín dụng.

Tại điểm dịch vụ trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM, chúng tôi thấy vài khách hàng đang ngồi chờ đáo hạn thẻ tín dụng. Mức phí đáo hạn ở đây chỉ 1,4%/giao dịch. Nhân viên tại đây nói với một khách hàng rằng ngân hàng đang tăng cường tra soát thẻ, nếu biết chủ thẻ rút tiền hoặc đáo hạn “chui”, sẽ khóa thẻ. Cô khuyên chủ thẻ này đăng ký trả góp, phí chuyển đổi là 1,6%. Nghe vậy vị khách này liền đồng ý. Trong khi đó, khách hàng có thể tự chuyển đổi sang trả góp miễn phí qua ứng dụng hoặc thông qua tổng đài ngân hàng.

Chủ một điểm chuyên cung cấp dịch vụ đáo hạn khoản vay ngân hàng trên đường Hàn Hải Nguyên, quận 11, TPHCM cho biết, lượng khách đến đây nhờ đáo hạn hiện tăng 3-4 lần so với trước nên lãi suất cho vay đáo hạn cũng tăng, mức lãi suất cho vay là 1%/3 ngày nhưng nếu hồ sơ đáo hạn hoàn tất trong 1-2 ngày thì lãi suất vẫn là 1%. Sau 3 ngày, lãi suất sẽ bị tính thêm 0,3%/ngày.

Vì sao dịch vụ “chui” vẫn tồn tại?

Ông Huỳnh Trung Minh (Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM - HDBank) cho biết, đáo hạn thẻ tín dụng hoặc ví trả sau là hình thức giao dịch “chui”, nhằm giúp chủ thẻ, chủ ví gia hạn khoản nợ sang kỳ sau. Các điểm dịch vụ này nạp một số tiền vào tài khoản để thanh toán dư nợ cho khách, khi ngân hàng cấp lại hạn mức tín dụng thì họ quẹt thẻ qua máy POS để lấy lại tiền và thu phí đáo hạn. Lúc này, dư nợ thẻ, ví được tính vào kỳ sao kê tiếp theo.

Theo ông, các ngân hàng đều có hệ thống tra soát tự động để phân loại nhóm khách hàng thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền, đáo hạn qua máy POS. Nếu nghiêm trọng, ngân hàng có thể cảnh báo, khóa thẻ tín dụng, khách hàng sẽ bị hạ điểm tín dụng trên hệ thống, ảnh hưởng đến việc giao dịch với mọi ngân hàng sau này. Điểm càng cao thì khả năng vay càng dễ, lãi suất càng được ưu đãi; điểm càng thấp thì khả năng vay càng khó, chịu lãi suất cao.

Còn theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - các điểm dịch vụ này tồn tại là do họ đăng ký là hộ kinh doanh cá thể và được hưởng thuế khoán. Mỗi ngày, họ có thể quẹt máy POS để in hàng trăm hóa đơn khống mà không phải lo nộp thuế. Hơn nữa, các ngân hàng đang thu lợi lớn từ phí thường niên, phí quẹt thẻ, phí phạt nợ quá hạn nên dù có dữ liệu, danh sách điểm kinh doanh giao dịch khống để rút tiền, đáo hạn cho khách, họ vẫn không kiên quyết dẹp bỏ. Các điểm này đang cổ xúy, tiếp tay cho người trẻ lạm dụng thẻ tín dụng, rơi vào nợ nần, tăng nợ xấu cho ngân hàng và có thể làm lộ, lọt thông tin do thường giữ lại căn cước, thẻ tín dụng của khách hàng.

Ở một số điểm làm dịch vụ đáo hạn thẻ khác, phí đáo hạn chỉ khoảng 4%/giao dịch nhưng yêu cầu khách chuyển phí trước và chỉ làm dịch vụ online nên khách hàng có thể bị chiếm đoạt phí.

Luật sư Bùi Minh Nghĩa (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận xét, từ giữa năm 2023 đến nay, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp và người dân làm ăn thua lỗ nhiều nên nhu cầu vay “nóng” để đáo hạn khoản vay ngân hàng tăng. Trước thực trạng này, một bộ phận nhân viên ngân hàng cũng giới thiệu khách vay đến các điểm dịch vụ để thu lời từ phí dịch vụ. Việc công dân vay mượn bên ngoài hệ thống ngân hàng là thỏa thuận dân sự với nhau nhưng có thể xảy ra hiện tượng nhân viên ngân hàng thông đồng với các điểm dịch vụ rồi cố tình dây dưa giải quyết thủ tục đáo hạn để ăn chia tiền với các điểm dịch vụ, bởi lãi suất vay được tính theo gói.

Luật sư Bùi Minh Nghĩa khuyến cáo: “Khách có nhu cầu vay đáo hạn cần tìm hiểu kỹ bởi đã có trường hợp vay để đáo hạn rồi lãi mẹ đẻ lãi con bởi khách phải ký vào hợp đồng mượn nợ hoặc hợp đồng mua bán tài sản. Khách nên chọn phương án vay từ người thân, bạn bè hoặc có thể vay một khoản tín chấp, thế chấp từ ngân hàng mới để trả nợ ngân hàng cũ”. Ông cho rằng, cơ quan quản lý nên lưu tâm dịch vụ này bởi nó có thể biến tướng thành dịch vụ lừa đảo hoặc cho vay nặng lãi, thu hồi nợ trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI