Dịch vụ 'chặt chém' khách, thầy bói 'bủa vây' chùa

03/03/2015 - 07:04

PNO - PN - Giá giữ xe, nhang đèn thờ cúng, chim, cá phóng sinh… tăng gấp bốn-năm lần ngày thường; dịch vụ bói toán mê tín dị đoan nở rộ với đủ trò “xủ quẻ”… là những hình ảnh đang vây kín ở các đền chùa, miếu trên địa bàn...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Đua nhau “móc túi” du khách

7g sáng mùng 10 Tết (1/3) nhiều nhà dân ở dọc hai bên đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn thuộc ấp 5, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè) vẫn chưa mở cửa nhưng con hẻm số 2680 Huỳnh Tấn Phát kéo dài khoảng 500m dẫn vào chùa bà Châu Đốc 2 đã chật kín khách ra vào. Hai bên hẻm, điểm giữ xe mọc lên san sát. Hàng chục thanh niên tràn ra đầu hẻm í ới chèo kéo khách. Tuy nhiên, lúc nhận xe nhiều người tá hỏa vì bị “chặt chém” cao gấp bốn-năm lần ngày thường. Gia đình chị Thủy (ở xã Bình Khánh, H.Cần Giờ) gửi hai xe số, một xe tay ga, bị một chủ bãi giữ xe ở đây thu tổng cộng 50.000đ. Chị Thủy thắc mắc thì một thanh niên trả lời ngắn gọn: “Tết mà, bãi giữ nào cũng vậy”. Tương tự, giá mỗi bó nhang ngày thường khoảng 5.000đ, nay tăng lên 10.000đ. Chim, cá phóng sinh cũng tăng giá gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.

Trong khi đó, dọc hai bên hẻm, các loại sách bói toán, xem tử vi bày bán tràn lan. Nhiều loại nhẫn, vòng tay bằng đá hoặc kim loại được người bán “thổi” thành nhẫn, vòng tay “thần” để “móc túi” du khách. Một người bán các loại nhẫn chào mời: “Đây là nhẫn làm từ tiền xu của người Ấn Độ. Người huyết áp thấp đeo vô sẽ tăng trở lại, người huyết áp cao đeo sẽ xuống lại bình thường (?)”.

Tương tự, tại chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), chùa Ấn Độ (Q.1), Việt Nam Quốc Tự (Q.10), chùa Phước Long (Q.9), do lượng khách tăng rất cao, tình trạng nâng giá gửi xe cũng diễn ra tương tự. Trong đó, tại chùa Vĩnh Nghiêm, dù đã hỏi giá trước khi gửi xe và biết là 5.000đ/xe, nhưng đến khi nhận xe chúng tôi vẫn bị chủ bãi xe “chặt đẹp” 20.000đ. Chúng tôi thắc mắc, một thanh niên hồn nhiên giải thích: “Mỗi giờ trôi qua là một giá khác. Giá anh hỏi khi gửi là giá cũ rồi, bây giờ là giá mới”.

Dich vu 'chat chem' khach, thay boi 'bua vay' chua

Cô Bảy đang xem vận số cho khách ở chùa Phước Long (Q.9)

Vào “mùa bói”, lượng “thầy” tăng vọt

Tại miếu Ngũ Hành và chùa bà Châu Đốc 2 (ấp 5, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè) luôn có một số thanh niên lượn lờ trước cổng chùa, miếu. Cứ thấy khách thắp hương, khấn bái xong là chèo kéo đến gặp các “thầy”, “cô” để biết vận số. Tại đây, chúng tôi được một thanh niên mời đi gặp cô Hai.

Theo thanh niên này, cô Hai ở trên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) xem tướng số có tiếng ở đây, đầu năm được một số du khách ở TP.HCM lên núi “thỉnh” xuống để xem. Cô Hai chỉ ở đến mùng 9 là về. Ai có duyên mới được cô xem. Sau một hồi hỏi thăm, tôi đồng ý đi gặp cô Hai. Thanh niên này dẫn chúng tôi đi ngoằn ngoèo vào một con hẻm sâu trong khu dân cư, cuối cùng đến một ngôi nhà nhỏ cạnh bờ sông. Cô Hai mặc bộ đồ nâu, mặt đánh phấn trắng bệch, đầu đội khăn màu đỏ, tay chân sơn lòe loẹt đang ngồi phía trước một mâm nhang đèn, trái cây khói bay nghi ngút. Cạnh bên là một phụ nữ đang quỳ, chắp tay lắng nghe. Theo thanh niên này, cô Hai đang “làm phúc” cho khách. Khoảng 10 phút sau, vị khách bước ra, vẻ mặt hớn hở.

Đến lượt tôi, vừa bước vào, cô Hai trợn mắt, chặc lưỡi: “Trời ơi, tướng này là tiền tài tốt nhưng năm nay sao vận con xấu dữ vậy? Ngồi xuống cô xem thế nào”. Sau khi hỏi chuyện gia đình tôi, cô đưa bộ bài cho tôi, đề nghị: “Con rút một lá cho mình, hai lá còn lại cho vợ con”. Tôi rút ba lá bài, cô xem kết quả lắc đầu: “Màu đen là xấu, màu đỏ là tốt. Nhưng ở đây màu đỏ là cây ách, đỏ ít quá nên cũng không có gì là tốt”.

Cô xem tiếp chỉ tay của tôi rồi phán: “Bây giờ gia đình con chưa gặp cái gì xấu đâu, đến tháng Bảy năm nay, sao xấu mới chính thức chiếu vào gia đình con. Lúc đó cái xấu mới đến”. Thấy tôi tỏ vẻ lo lắng, cô tiếp lời: “Nếu con muốn cô sẽ “làm phúc” cho con”. Làm phúc thế nào? Tôi hỏi. Cô đề nghị tôi mua một mâm nhang đèn, trái cây, trên mâm để 50.000đ. Tôi phải quỳ lắng nghe cô “làm phúc”.

Dich vu 'chat chem' khach, thay boi 'bua vay' chua

Bán sách bói toán ở chùa Phước Long (Q.9)

Tại chùa Phước Long (Q.9), các “thầy” hoạt động càng sôi nổi hơn. Nếu dịp Tết năm ngoái chỉ có hai “cô” và hoạt động lén lút thì Tết năm nay có đến năm “cô” và hai “thầy” hoạt động công khai. Do chùa nằm trên một cồn nổi giữa sông Sài Gòn nên để đến chùa, du khách phải đi đò ngang ra chùa.

Tại đây, chúng tôi vừa bước xuống đò, một phụ nữ dáng người phốp pháp, trang điểm đậm, xáp tới la lên: “Trời ơi, vận con năm nay tốt lắm nhen. Cô không biết năm ngoái con gặp chuyện gì hay làm ăn thế nào nhưng năm nay vận số, tình duyên, tiền tài đều tốt hết. Nhưng tốt nhất ở mặt nào phải xem kỹ mới biết”. Xem xong, tôi hỏi giá, cô nói: “Cho nhiêu cho”. Tôi đưa 20.000đ. Cô trợn mắt: “Thần tài, năm mới may mắn mà kỳ vậy”. Tôi đưa thêm 20.000đ. Cô nhìn tôi thở dài rồi… lượm tiền bỏ vào giỏ.

 HÙNG PHAN

Mùa lễ hội đầu năm: Dai dẳng tệ nạn

Khai hội từ ngày mùng 10 tháng Giêng, ban tổ chức lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) đã huy động tới 600 cán bộ công an để đảm bảo công tác an ninh. Đặc biệt, toàn bộ khu nhà nghỉ, quán ăn trên núi đã được ban tổ chức dỡ bỏ và yêu cầu các dịch vụ chuyển xuống khu vực chân núi. Tại lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), ông Nguyễn Văn Hậu - trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, không chỉ tăng cường lực lượng giám sát, cơ động để xử lý nghiêm những đối tượng cò mồi, hành vi chế biến động vật hoang dã trong khu vực lễ hội cũng bị nghiêm cấm. Những cảnh bát nháo như cờ bạc, rải tiền lẻ… vì vậy mà cũng vắng bóng ở lễ hội này.

Tuy nhiên, tâm lý “chặt chém”, kiếm tiền mùa lễ hội vẫn hết sức phổ biến. Ngay ở lễ hội chùa Hương, giá vé gửi xe cao ngất ngưởng: xe máy từ 20.000 - 30.000 đồng, ô tô từ 50.000 - 100.000 đồng. Tới chợ Viềng và Phủ Dầy (Nam Định), người ăn xin la liệt khiến khung cảnh càng trở nên hỗn độn và nhem nhuốc. Còn tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), mặc dù ban tổ chức đã bố trí hòm công đức ở nhiều khu vực nhưng tiền lẻ vẫn được rải khắp nơi, đặc biệt là dưới chân của các pho tượng Phật.

 H.Anh - Nguyễn Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI