Mù mờ đường lây truyền bệnh
Tại cuộc họp khẩn bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đại diện của nhiều địa phương khẳng định, dù đã thực hiện đồng bộ, rốt ráo song có một thực tế, dấu hiệu lây lan của bệnh vẫn chưa dừng lại.
Điển hình là tại Thái Bình, bệnh dịch này đã xảy ra tại 86 xã, 6 huyện với tổng số heo tiêu hủy là 10.778 con. Thừa nhận dịch đang lây nhanh theo chiều hướng xấu, ông Phạm Văn Xuyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình bày tỏ sự lo lắng, bởi tới nay, địa phương vẫn chưa tường minh về cơ chế lây lan của dịch bệnh.
“Cứ nói vi-rút dịch tả heo châu Phi có sức sống rất lâu nhưng phải làm rõ trong điều kiện thời tiết, nhiệt độ như thế nào. Nói vi-rút có thể lây truyền qua nguồn nước, nhưng thực tế từ trước tết tới nay tại những cống tháo nước đổ ải của Thái Bình lại chưa xuất hiện dịch. Chúng tôi rất cần khẳng định cơ chế truyền bệnh của cơ quan chuyên môn để sớm dập dịch”, ông Xuyên nói.
Tương tự, nhiều địa phương cũng đặt dấu chấm hỏi về nguyên nhân lây truyền bệnh. Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó chủ tịch UBND Bắc Kạn - đặt vấn đề: “Hộ phát hiện dịch chỉ duy nhất có một con mắc. Hộ này lại cách biệt đường quốc lộ, không có đường lớn vào. Chúng tôi chưa biết nguyên nhân lây ở đâu ra?”. Tương tự tại hai huyện có dịch tại Điện Biên, hộ chăn nuôi cũng nằm ở vùng sâu, thuộc các hộ dân tộc thiểu số rất ít giao lưu với bên ngoài.
Liên quan vấn đề này, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y - cho biết, qua khảo sát tại 44 ổ dịch, có ba nguyên nhân khiến bệnh dịch xảy ra. Cụ thể, 36% số hộ là từ vận chuyển heo bệnh, heo chết; 25% do không đảm bảo dụng cụ, sát trùng; 39% do sử dụng thức ăn dư thừa, chưa qua xử lý.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ngay lập tức phản biện và cho rằng, con đường lan truyền dịch tả heo châu Phi rất phức tạp, khó kiểm soát triệt để - chứ không chỉ ở ba nguyên nhân, cộng lại tròn 100% như Cục Thú y nêu ra. “Ba nguyên nhân này chỉ là nguyên nhân cơ bản. Cần phải tổng hợp, nghiên cứu, xác định nguyên nhân từ đâu, chứ không lại đổ cho... chim trời nữa”, bộ trưởng nhấn mạnh.
Loay hoay giá hỗ trợ tiêu hủy heo
Là một trong bốn tỉnh đầu tiên ghi nhận dịch tả heo, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - cho biết, địa phương này đã có kế hoạch chi 7 tỷ đồng tiền dự phòng từ ngân sách của địa phương.
Dịch tả heo châu Phi đã lan rộng ra 17 tỉnh, thành
Theo thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT, tính tới ngày 14/3, dịch bệnh đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An). Tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.
Trước diễn biến bệnh dịch và thời tiết phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt không để bệnh dịch lây lan vào khu vực phía Nam.
|
Tuy nhiên, hiện nay Thanh Hóa vẫn chưa tiến hành hỗ trợ heo tiêu hủy được cho bà con. Một trong những vấn đề bất cập là trước đây, Nhà nước quy định hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có heo bệnh tiêu hủy với mức 38.000 đồng/kg. “Quy định mới lại hỗ trợ 80% so với giá thị trường, trong khi giá heo hiện tại chỉ còn 35.000 đồng/kg”, ông Quyền nói.
Tương tự, ông Trương Minh Hiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - chia sẻ, tỉnh này hiện đang áp quy chế hỗ trợ heo tiêu hủy là 32.000 đồng/kg và heo nái gấp 1,5 lần. Tuy nhiên, ông Hiến cũng bày tỏ sự băn khoăn, bởi giá heo chỉ còn 33.000-35.000 đồng/kg, địa phương nào hỗ trợ tới 100% cũng không được như quy định ban đầu là 38.000 đồng. Tại cuộc họp, có địa phương còn đặt câu hỏi, giá hỗ trợ nên căn cứ theo ngày tiêu hủy, hay đưa ra một mức giá chung?
Trước tình trạng nhiều địa phương còn loay hoay, thậm chí dẫn tới chậm trễ trong việc hỗ trợ bà con nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Việc hỗ trợ theo quy định là tối thiểu bằng 80% so với giá thị trường. Các địa phương cần giải thích để người dân thông cảm. Địa phương nào có điều kiện, quyết tâm có thể quyết định con số đền bù bằng 100% so với giá thị trường”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đây là vấn đề các địa phương cần linh hoạt để tự quyết định dựa trên kế hoạch hành động tự xây dựng và thực tiễn của mình. Vấn đề cốt lõi là không để tiền hỗ trợ quá chậm trễ và có sự chênh lệch giữa các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Giá thịt heo phía Nam “lao dốc” vì bệnh dịch tả heo châu Phi
Gần ba tuần nay, giá heo thịt tại các tỉnh phía Nam đã đồng loạt giảm khoảng 20% do tiêu dùng thịt heo giảm, người tiêu dùng e ngại trước diễn biến bệnh dịch tả heo châu Phi.
Giá heo hơi tại nhiều khu vực thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đã giảm xuống mức 43.000-44.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với ba tuần trước. Nguồn heo từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng giảm giá mạnh.
Cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi người dân không nên tẩy chay thịt heo, dịch bệnh tả heo châu Phi hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe… Tuy nhiên, theo nhiều đầu mối kinh doanh thịt heo và tiểu thương tại các chợ của TP.HCM, sức mua thịt heo liên tục giảm khiến giá thịt giảm theo. Hầu hết các loại thịt bán lẻ tại các chợ đều đã giảm bình quân từ 5.000-8.000 đồng/kg. Tại các chợ đầu mối, thịt heo mảnh (heo sỉ) mức giảm còn mạnh hơn.
Đăng Thư
|
Huyền Anh